Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV sáng 20/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khái quát đánh giá bổ sung năm 2023 nhận định tình hình tích cực và khả quan trên các lĩnh vực.
Theo Phó Thủ tướng, trong năm 2023 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng GDP tăng 5,05% (báo cáo trước là 5%). Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao.
Lạm phát được kiểm soát với 3,25%, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133.400 tỷ đồng so với dự toán.
Trong bối cảnh đó, nhiều chính sách, giải pháp đã được đưa ra như miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191.500 tỷ đồng.
Bội chi ngân sách khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo. Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD.
Mặc dù các kết quả đạt được là “đáng ghi nhận”, song phó thủ tướng đánh giá vẫn còn những hạn chế, khó khăn.
Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn.
Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu. Thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà. Chấp hành kỷ luật, kỷ cương của một bộ phận cán bộ, công chức còn chưa nghiêm.
Trong bối cảnh năm 2024 tiếp tục đối mặt với nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn rủi ro, nhưng các tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Kinh tế – xã hội những tháng đầu năm chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt.
Đề ra giải pháp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh Chính phủ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Cùng với chủ trương tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, Chính phủ quán triệt rà soát, kiên quyết cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết.
Chính phủ cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng, nhất là thi công 1.000km đường bộ cao tốc để phấn đấu đến năm 2025 đưa vào khai thác khoảng 3.000km.
Phó Thủ tướng cho biết sẽ triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7 và hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 trong tháng 9…
Theo Việt Hương/ĐS&PL.com.vn
Link bài gốc