Nhờ phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, liên kết, bảo vệ dịch bệnh… nên sản lượng thịt gia cầm của Hà Tĩnh năm 2023 đạt khoảng 26 nghìn tấn, sản lượng trứng đạt 358 triệu quả.
Năm 2022, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh (thôn Quan Nam, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà) đầu tư hàng chục tỷ đồng để thuê đất, xây dựng khuôn viên trại gà Hồng Lộc rộng gần 5 ha, 2 khu chuồng trại với quy mô 40 nghìn con/lứa. Năm 2023, trại gà đi vào hoạt động, doanh nghiệp đã liên kết nuôi gà với Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (đóng tại tỉnh Vĩnh Phúc).
Đàn gà mới xuống giống của trại gà Hồng Lộc (Lộc Hà).
Ông Trương Văn Du – quản lý trại gà Hồng Lộc cho biết: “Do né tránh dịch bệnh và hoàn thiện quy trình sản xuất nên năm 2023, chúng tôi chỉ thả nuôi 2 lứa, xuất chuồng được 80 nghìn con, tổng trọng lượng 160 tấn gà thương phẩm. Với giá xuất bán 54 – 56 nghìn đồng/kg, năm 2023, chúng tôi có doanh thu gần 9 tỷ đồng, mức lợi nhuận 9%”.
Đàn gà thương phẩm sắp đến kỳ xuất chuồng của trại gà Hồng Lộc.
Ngoài đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng vùng đất trống đồi trọc bỏ hoang trước đây thì trại gà này còn cung cấp hàng nghìn con gà giống (loại nhỡ) có chất lượng, đã tiêm phòng dịch bệnh cho người chăn nuôi trên địa bàn.
Do bước đầu làm ăn khá hiệu quả nên hiện nay, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 1 Hà Tĩnh đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ thuê đất, đầu tư thêm nguồn lực để sớm mở rộng quy mô chuồng trại, hướng tới nuôi 100 nghìn con/lứa như phương án sản xuất đã xây dựng.
Cách trại gà Hồng Lộc chừng 3 km, trại nuôi gà của HTX Chăn nuôi Tài Lực cũng rất thắng lợi. Hiện tại, trang trại này đang xuất bán 1 chuồng gà thương phẩm phục vụ nhu cầu tết ước đạt khoảng 12 tấn. Trong năm 2023, cơ sở chăn nuôi này xuất chuồng hơn 210 tấn gà thương phẩm, cho doanh thu gần 11 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 10%.
HTX Chăn nuôi Tài Lực (xã Bình An, huyện Lộc Hà) xuất bán gà thương phẩm cho các tiểu thương gần xa.
Ông Nguyễn Đình Hiến – Giám đốc HTX Chăn nuôi Tài Lực chia sẻ: “Nhờ chăn nuôi hiện đại, liên kết với doanh nghiệp, kiểm soát tốt dịch bệnh, đầu ra ổn định… nên gần 10 năm nay, năm nào chúng tôi cũng sản xuất hiệu quả, cho lợi nhuận tốt. Hiện nay, chúng tôi đang nuôi với quy mô 40 nghìn con/lứa theo phương thức gối đàn. Bình quân, mỗi năm, chúng tôi nuôi được từ 3 – 3,5 lứa với sản lượng khoảng 200 – 220 tấn gà thương phẩm, cho lợi nhuận trên 1 tỷ đồng”.
Nông dân Lộc Hà nuôi vịt đẻ theo hình thức công nghiệp.
Ông Lê Hồng Cơ – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà thông tin: “Hiện trên địa bàn Lộc Hà có 25 mô hình nuôi gà, vịt quy mô từ 500 – 2.000 con gà/lứa. Nhờ phát triển chăn nuôi công nghiệp gắn với duy trì nuôi nông hộ quy mô vừa và nhỏ nên đàn gia cầm trên địa bàn hiện có 291 nghìn con, sản lượng thịt đạt 955 tấn/năm, sản lượng trứng gần 6,5 triệu quả/năm, cho giá trị kinh tế 34 tỷ đồng”.
Gần đây, ở Hà Tĩnh có nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm rất hiện đại, đầu tư quy mô lớn, liên kết sâu… đang làm đa dạng hóa bức tranh chăn nuôi trên địa bàn. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều trang trại mới, cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình nuôi gà Ai Cập đẻ trừng ở thôn Đồng Vĩnh, xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà).
Mô hình nuôi gà Ai Cập lấy trứng của anh Trần Hậu Quý ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà).
Anh Trần Hậu Quý – chủ trang trại nuôi gà Ai Cập lấy trứng cho biết: “Năm 2022, tôi đã đầu tư gần 6 tỷ đồng để xây dựng khuôn viên, làm chuồng, mua sắm máy móc hiện đại và nhập 10 nghìn con gà mái giống chất lượng. Nhờ quy trình chăn nuôi ưu việt, chăm sóc và quản lý tốt nên bình quân mỗi tháng, chúng tôi thu hoạch khoảng 275 nghìn quả trứng, bán ra thị trường được gần 800 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 220 triệu đồng. Ngoài ra, cứ năm rưỡi, chúng tôi lại có thêm nguồn thu hàng trăm triệu đồng từ bán gà thải loại khi thay đàn nuôi lứa mới”.
Do lợi thế về kinh nghiệm chăn nuôi, quỹ đất dồi dào, có nhiều chính sách khuyến khích sản xuất, thị trường tiêu thụ thuận lợi… nên những năm gần đây, người chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi gia cầm, nhất là gà. Tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh đều có mô hình nuôi gà công nghiệp quy mô lớn có liên kết với doanh nghiệp hoặc các trang trại, gia trại quy mô từ 500 con gà, vịt/lứa trở lên. Qua đó, góp phần phát triển ngành chăn nuôi, duy trì nhịp điệu sản xuất, hạn chế dịch bệnh, cung ứng cho thị trường nguồn thực phẩm quan trọng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.
Trang trại nuôi gà liên kết với Công ty Japfa Comfeed Việt Nam của anh Nguyễn Đình Khanh ở xã Gia Phố (Hương Khê).
Ông Phan Quý Dương – Trưởng phòng Phòng Quản lý thuốc và thức ăn chăn nuôi (Chi cục Thú y Hà Tĩnh) thông tin: Nhờ phát triển sản xuất gắn với bảo vệ dịch bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm để dễ tiêu thụ nên lĩnh vực chăn nuôi gia cầm trên địa bàn khá ổn định, tăng trưởng tốt. Đến nay, tổng đàn gia cầm toàn tỉnh đạt 10 triệu con (tăng 0,6% so với năm 2022), trong đó chủ yếu được nuôi trong 39 trang trại nuôi gà liên kết với các công ty Japfa, CP, Golden Star… Theo ước tính, sản lượng thịt gia cầm năm 2023 toàn tỉnh ước đạt gần 26 nghìn tấn, sản lượng trứng ước đạt gần 358 triệu quả, mang về nguồn thu cho người chăn nuôi hàng trăm tỷ đồng”.
Tiến Dũng