Dù các ngành chức năng đã nỗ lực vào cuộc ngăn chặn song vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp, trở thành nỗi lo thường trực của người tiêu dùng Hà Tĩnh, nhất là mỗi dịp tết đến.
Dịp cận tết Nguyên đán là thời điểm sức tiêu thụ hàng hóa tăng cao, lượng hàng lưu thông lớn, đặc biệt là các mặt hàng như thực phẩm chế biến, bánh kẹo, nước giải khát, hàng gia dụng, hàng thời trang…
Đây cũng là thời điểm các đối tượng lợi dụng để tuồn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vào thị trường nhằm trục lợi bất chính.
Túi xách mang thương hiệu Dior, Chanel, C&K… bán tràn lan trên thị trường với giá vài trăm nghìn đồng.
Ghi nhận tại các chợ truyền thống, cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép, túi xách, đồng hồ, kính mắt, các sản phẩm mang những thương hiệu nổi tiếng như Dior, Chanel, Louis Vuiton, Rolex… được bán với giá vài trăm nghìn đồng. Chị Hương – chủ quầy túi tại chợ TP Hà Tĩnh thừa nhận: “Túi xách đa phần là đeo thời trang, phù hợp với quần áo nên nhu cầu khách chỉ mua khoảng vài ba trăm nghìn. Những chiếc túi này là hàng giả thương hiệu, còn hàng chính hãng thì hàng chục, hàng trăm triệu đồng”.
Đáng lo ngại hơn chính là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm ăn uống, liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người mà người tiêu dùng không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Đặc biệt, trên môi trường thương mại điện tử, nhiều khách hàng hoang mang khi những sản phẩm giống nhau lại được bán với nhiều mức giá, thậm chí chênh lệch hàng trăm nghìn đồng.
Bên cạnh đó, trên thị trường, đặc biệt là dịp gần tết, các loại bánh kẹo “na ná” tên thương hiệu nổi tiếng như: Damisa (gần giống Danisa), Gosy (gần giống với Cosy), Choco-Pai (gần giống Choco-Pie), Custard (gần giống Custas)… Những sản phẩm này đều có tên công ty, có địa chỉ nhà sản xuất, có bản tự công bố sản phẩm nên khó có thể khẳng định là hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, mẫu mã gần giống với các thương hiệu lớn khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.
Hộp bánh Damisa có bao bì giống với thương hiệu Danisa.
Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Mai Trần Ngọc Minh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho rằng: “Hàng giả, hàng nhái luôn là nỗi lo thường trực đối với người dân và trên thực tế, tại nhiều tỉnh, thành phố đã không ít kho hàng làm giả bị phanh phui khiến người tiêu dùng càng thêm lo lắng. Tôi và nhiều người tiêu dùng khác hầu như là mua hàng hóa bằng niềm tin, mua ở những địa chỉ mà mình tin tưởng, xem kỹ thông tin về sản phẩm hàng hóa, chọn thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, nếu như mua phải sản phẩm làm giả thì dù có thông thái đến đâu, tôi cũng khó có thể nào phân biệt được”.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp, phát hiện, xử lý các vi phạm nhằm ngăn chặn, xử lý việc vận chuyển, kinh doanh hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường.
Đơn cử như ngày 29/1/2024, Đội QLTT số 4 (thuộc Cục QLTT) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Cẩm Xuyên tiến hành kiểm tra, phát hiện hàng trăm sản phẩm miến gói quá hạn sử dụng và vi phạm quy định của pháp luật về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong kho hàng của ông T.H.T (xã Cẩm Bình, Cẩm Xuyên) làm chủ.
Làm việc với cơ quan chức năng, ông T. cho biết: Do số lượng hàng hóa nhập về lớn để phục vụ cho tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 nên không kiểm soát hết hàng hóa, hạn sử dụng. Hiện, ngành chức năng đã tiến hành lập hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Lực lượng chức năng thu giữ hàng trăm gói miến quá hạn sử dụng trong kho hàng của ông T.H.T
Trước đó, ngày 28/12/2023, trong quá trình kiểm tra, Đội QLTT số 1 phát hiện cửa hàng kinh doanh thực phẩm do bà L.T.H. làm chủ tại phường Thạch Linh (TP Hà Tĩnh) có hành vi vi phạm không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký kinh doanh theo quy định và kinh doanh 30 gói mứt gừng, 29 gói bánh nhãn, 28 gói bắp khô lá chanh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đội đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 11,5 triệu đồng và buộc tiêu huỷ toàn bộ tang vật vi phạm.
Đây là 2 trong số rất nhiều trường hợp ngành chức năng đã xử lý trong thời gian qua. Theo ông Nguyễn Đình Khoa – Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh, ngày 14/11/2023, Cục QLTT Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả và các tháng cuối năm 2023, dịp trước trong và sau tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Theo đó, chỉ đạo các đội QLTT đảm bảo tối đa quân số trực 24/24 dịp trước, trong và sau tết; quyết liệt kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp tết.
Kết quả kiểm tra xử lý, đến nay đơn vị đã phát hiện gần 120 vụ vi phạm, xử phạt hành chính gần 550 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy hàng hóa vi phạm có giá trị trên 240 triệu đồng (bao gồm 7.900 kg đường cát, 576 sản phẩm mỹ phẩm và nhiều hàng hóa vi phạm khác). Các hành vi vi phạm chủ yếu như: vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng vi phạm an toàn thực phẩm…
Ngày 22/1/2024, Đội QLTT số 6 phối hợp Phòng CSGT, Công an tỉnh phát hiện hơn 500 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu lưu thông qua địa bàn.
Lực lượng chức năng nhận định, dù đã kiểm tra, phát hiện nhiều vi phạm về hàng lậu, hàng giả thương hiệu, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe, kinh tế của người tiêu dùng, uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp chân chính, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường kinh doanh và niềm tin của người tiêu dùng. Song trên thực tế, hàng giả, hàng kém chất lượng còn “đất sống”, một mặt do những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng sản xuất kinh doanh không chân chính. Song một phần cũng do người tiêu dùng còn chuộng hàng giá rẻ, chưa quan tâm nhiều đến sản phẩm hàng hóa.
Đoàn giám sát HĐND tỉnh thực hiện việc giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý thị trường trên địa bàn.
Ông Nguyễn Đình Khoa cho biết: Dù đã nỗ lực ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, tuy nhiên, quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm của ngành chức năng vẫn còn nhiều khó khăn. Phương thức, thủ đoạn buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi. Quy trình xử lý hàng giả khá phức tạp, hàng hóa thu giữ phải gửi đến doanh nghiệp hoặc đơn vị đại diện xác nhận nên mất thời gian khá dài. Đặc biệt là đối với kinh doanh online, các kho hàng không đóng trên địa bàn tỉnh, không có địa điểm kinh doanh cụ thể nên khi người tiêu dùng phản ánh cũng rất khó để xử lý.
Cùng với sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trong lựa chọn, sử dụng các loại hàng hóa. Cơ quan chức năng khuyến cáo người tiêu dùng nên chọn các cửa hàng có địa chỉ rõ ràng, trước khi mua bất cứ sản phẩm nào phải tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm, từ công dụng, hướng dẫn cách sử dụng… Nếu nghi ngờ, phát hiện vi phạm, người dân cần báo ngay cho lực lượng chức năng để ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Loan Trâm