Cẩm Xuyên phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm khoảng 50% trong cơ cấu GRDP; trong đó, du lịch – dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực mới cho phát triển KT-XH.
Thiên Cầm – cung đàn biển miền Trung
Tương truyền, đời Hùng Vương thứ XIII, trong một lần nhà vua đi tuần thú phương Nam đã ghé qua vùng biển non nước hữu tình. Đêm dừng lại nghỉ, nhà vua nghe văng vẳng tiếng gió reo giữa trời mây non nước hòa cùng sóng biển rì rào như một bản hòa tấu độc đáo nên đã đặt cho địa danh này tên gọi Thiên Cầm – nghĩa là “đàn trời” và phê bút lên ngọn núi gần đó 3 chữ: Thiên Cầm Sơn.
Khu du lịch Thiên Cầm lung linh sắc màu về đêm (Ành: Hương Thành).
Thiên Cầm còn gắn với truyền thuyết về dấu tích bi thương, đánh dấu sự sụp đổ của một triều đại. Vào năm 1407, giặc Minh sang xâm lược nước ta. Với thế mạnh của giặc, quân Hồ đại bại, cha con Hồ Quý Ly tháo chạy về vùng biển này và bị bắt giữ. Vùng biển này được đặt tên là Thiên Cầm còn có nghĩa là “trời giữ”. Những huyền tích về núi Thiên Cầm, Cao Vọng, con đường Bắt, hang đá Hồ Quý Ly đã tạo nên những nét khắc họa vừa hùng vĩ, vừa thanh tao cho vùng biển này. Bãi biển nằm giữa núi Thiên Cầm và núi Đầu Voi tạo thành hình cánh cung nên người ta vẫn thường gọi Thiên Cầm là cung đàn biển của miền Trung.
Năm 2009, UBND tỉnh phê duyệt Đồ án quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch (KDL) quốc gia Thiên Cầm tỷ lệ 1/5000. Theo quy hoạch, KDL có tổng diện tích 1.557 ha, trải rộng trên địa bàn 4 xã, thị trấn: Cẩm Dương, Cẩm Nhượng, Cẩm Lĩnh và thị trấn Thiên Cầm. Ngoài ra, huyện Cẩm Xuyên đã hoàn thành các quy hoạch: KDL sinh thái hồ Kẻ Gỗ rộng hơn 4.800 ha (năm 2012), KDL sinh thái núi Cẩm Lĩnh rộng 179 ha (năm 2012), Khu thương mại – du lịch – dịch vụ tổng hợp Nam Cẩm Xuyên rộng 279 ha (năm 2013).
Hồ Kẻ Gỗ có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch sinh thái. Ảnh tư liệu
Ông Phạm Văn Thắng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXXII nhiệm kỳ 2020-2025 xác định mục tiêu phấn đấu xây dựng KDL Thiên Cầm, hồ Kẻ Gỗ trở thành những trọng điểm du lịch của tỉnh và quốc gia. Để hiện thực hóa mục tiêu, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/HU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm dẫn đường để huyện có những bước tiến vượt bậc trong phát triển du lịch năm 2023”.
Sau 2 năm gặp khó khăn do dịch COVID-19, vào đầu mùa du lịch biển 2023, huyện Cẩm Xuyên đã chuẩn bị kỹ các hoạt động khai trương cho đến việc tổ chức đa dạng các dịch vụ du lịch nhằm thu hút du khách. Nhiều loại hình du lịch mới như xây dựng các điểm check-in, dịch vụ homestay, du lịch trải nghiệm cộng đồng, beach club; thành lập câu lạc bộ nghệ nhân dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; ra mắt bộ ảnh “Cẩm Xuyên di sản và thời trang” tại hồ Kẻ Gỗ; tổ chức các hoạt động ẩm thực đêm tại KDL Thiên Cầm… đã tăng sự hấp dẫn cho KDL biển.
Bãi biển Thiên Cầm thoáng đãng và đẹp hơn sau khi huyện Cẩm Xuyên giải tỏa hệ thống ki-ốt (Ảnh: Hương Thành)
Năm 2023, huyện Cẩm Xuyên thu hút hơn 950.000 lượt khách du lịch (tăng 72,7% so với năm 2022), trong đó: hơn 170.000 lượt khách lưu trú (tăng 41,7% so với năm 2022), hơn 200 lượt khách quốc tế lưu trú (tăng gấp 4 lần so với năm 2022); qua đó, đưa doanh thu đạt khoảng 550 tỷ đồng (tăng 57,1% so với năm 2022).
Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay của du lịch Cẩm Xuyên. 2023 cũng là năm huyện huy động nguồn lực xã hội hóa để chỉnh trang, quảng bá và triển khai các hoạt động du lịch tốt nhất. Riêng sự kiện khai trương du lịch năm 2023, huyện huy động xã hội hóa hơn 1 tỷ đồng; các hoạt động khác trong mùa du lịch cũng huy động xã hội hóa hơn 1,5 tỷ đồng.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để Thiên Cầm phát triển xứng tầm quy hoạch KDL quốc gia, khép lại mùa du lịch 2023, huyện Cẩm Xuyên đã đầu tư hơn 176 tỷ đồng từ nguồn lực của Trung ương và của tỉnh để thực hiện chỉnh trang, xây dựng hạ tầng 3 tuyến đường với tổng chiều dài hơn 4,2 km, hệ thống vỉa hè, mương thoát nước, điện chiếu sáng, ATGT, thu gom xử lý nước thải…
Đặc biệt, huyện đã hoàn thành giải tỏa hệ thống ki-ốt kinh doanh dọc bãi biển và đóng cửa nghĩa trang Thiên Cầm nhằm chỉnh trang không gian mới cho KDL Thiên Cầm trước mùa du lịch biển năm 2024.
Homestay Thiên Cầm sẽ đầu tư thêm 1 nhà nghỉ để phục vụ khách du lịch trong năm 2024. Ảnh tư liệu
Mới đây, tỉnh đã đồng ý cho UBND huyện Cẩm Xuyên lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng cầu Đàn Trời với tổng kinh phí khoảng 180 tỷ đồng. Huyện đang đề xuất tỉnh chấp thuận chủ trương trùng tu, tôn tạo chùa Cầm Sơn và xây dựng lại đường dân sinh nối vùng Bắc Thiên Cầm với Nam Thiên Cầm. Đây sẽ là những điểm thu hút mới cho cả du khách và nhà đầu tư trong năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Phú – chủ nhà nghỉ Homestay Thiên Cầm cho biết: “Năm 2023, tôi đầu tư gần 6 tỷ để xây dựng 16 phòng nghỉ homestay ở KDL Thiên Cầm; kết nối các tour, tuyến để đưa du khách trải nghiệm các hoạt động du lịch cộng đồng ở làng chài Cẩm Nhượng, hồ Sông Rác (xã Cẩm Lạc), hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ), biển Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) – Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh)… Trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, Homestay Thiên Cầm đã có lợi nhuận. Kỳ vọng vào những đột phá du lịch của huyện Cẩm Xuyên, năm 2024, tôi sẽ xây dựng thêm 1 homestay để đón đầu sự sôi động của KDL đầy tiềm năng này”.
Cẩm Xuyên đang phấn đấu đến năm 2025, cơ cấu ngành thương mại, dịch vụ và du lịch chiếm khoảng 50% trong cơ cấu GRDP toàn huyện; trong đó, du lịch – dịch vụ sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn, động lực mới cho phát triển KT-XH giai đoạn 2020-2025. Bên cạnh KDL Thiên Cầm, huyện còn có nhiều thế mạnh phát triển du lịch như: hồ Kẻ Gỗ, Đền thờ cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, Khu di tích cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập…
Thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch; xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối các điểm du lịch; đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng và đa dạng hóa dịch vụ du lịch; tăng cường quảng bá, kết nối các tour, tuyến… nhằm thu hút nhiều hơn du khách thập phương về với Thiên Cầm nói riêng và các danh lam, thắng cảnh của Cẩm Xuyên nói chung
Ông Nguyễn Văn Thành
Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên
Phan Trâm