Mỏ sắt Thạch Khê án ngự tại huyện Thạch Hà cũ, có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, chiếm 1/2 trữ lượng quặng sắt cả nước.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) làm chủ đầu tư. Tháng 9-2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ.
Tuy nhiên, quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính. Đến tháng 11-2011, dự án phải tạm dừng để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Hơn 13 năm nay dự án tạm dừng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân 5 xã vùng mỏ sắt, bao gồm các xã Thạch Khê, Thạch Hải, Đỉnh Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc.
Ông Trần Văn Hợi (53 tuổi, trú thôn Thanh Lam, xã Thạch Khê), cho biết từ khi có dự án khai thác mỏ sắt các địa phương lân cận mỏ được đưa vào quy hoạch. Do đó không có các dự án đầu tư dẫn đến đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.
“Kể từ ngày 1-1-2025, xã Thạch Khê và 4 xã lân cận mỏ sắt được sáp nhập về TP Hà Tĩnh, vì vậy chúng tôi rất mong muốn dừng hẳn dự án để thu hút các dự án đầu tư, giúp các địa phương có thêm nguồn lực để phát triển kinh tế” – ông Hợi nói.
Ông Phan Xuân Mậu – chủ tịch UBND xã Thạch Khê – cho biết địa phương nằm trong quy hoạch mỏ sắt nên kể từ thời điểm có dự án đến nay đường sá, hạ tầng, trụ sở chính quyền xuống cấp, không được đầu tư, sửa chữa gây ảnh hưởng lớn sự phát triển của địa phương.
Vì vướng quy hoạch nên đất đai không thể cấp bán được, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của xa. Người dân không ổn định đời sống tinh thần để phát triển kinh tế – xã hội.
“Chính quyền và người dân mong muốn dừng hẳn dự án mỏ sắt để thu hút dự án đầu tư, phát triển kinh tế. Hơn nữa, sau khi các xã vùng mỏ sắt được sáp nhập vào đơn vị hành chính mới, thì mong muốn của chúng tôi là TP Hà Tĩnh đầu tư hướng về phía đông nơi có nguồn tài nguyên phong phú như sông, biển để phát triển du lịch” – ông Mậu chia sẻ.
Mong có cơ chế đặc thù
Ông Phạm Công Tùng – chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn – cho biết trong các xã ảnh hưởng bởi dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê thì xã Đỉnh Bàn là khó khăn nhất. Địa phương này có 90 hộ nghèo, 104 hộ cận nghèo, đời sống của người dân nhìn chung đang còn rất nhiều khó khăn.
Do vướng quy hoạch treo của mỏ sắt Thạch Khê kéo dài, nên hạ tầng giao thông xuống cấp, trường học xuống cấp, hội trường ủy ban chật hẹp nhưng chưa được đầu tư nâng cấp, sửa chữa.
“Đơn cử địa phương có đến 400 đảng viên, nhưng khi có sự kiện thì phải tập trung hội họp trong một hội trường chỉ có sức chứa 150 người. Hội trường này cũng được xây dựng từ năm 2003, nên đã xuống cấp” – ông Tùng cho hay.
Đáng nói, xã Đỉnh Bàn hiện chưa có công trình thủy lợi để phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp. Do vậy, người trồng lúa tại địa phương mỗi năm chỉ sản xuất được 1 vụ nhờ vào nước mưa nên năng suất chưa cao.
“Cũng như các địa phương cạnh mỏ sắt, chúng tôi mong muốn sớm chấm dứt khai thác mỏ để chính quyền cấp trên có cơ sở đầu tư. Trường hợp, dự án mỏ sắt Thạch Khê chưa có quyết định cuối cùng, thì cần có cơ chế đặc thù cho các xã để có động lực phát triển, thu hút dự án về đầu tư” – ông Tùng nói.