Trước nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn trên địa bàn Hà Tĩnh đang ráo riết thực hiện các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho đàn vật nuôi.
Ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) cho biết: “Tính đến sáng nay (21/8), dịch tả lợn châu Phi đã phát sinh tại 3 xã của huyện Cẩm Xuyên là Cẩm Thạch, Cẩm Dương và Cẩm Duệ. 47 con lợn của 10 hộ dân thuộc 8 thôn bị nhiễm bệnh và chết đã được chính quyền địa phương, ngành chuyên môn tiêu huỷ theo quy định. Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện vào đúng thời điểm giao mùa dẫn đến nguy cơ lây lan cao nếu không được ngăn chặn kịp thời”.
Công nhân Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh kiểm tra sức khoẻ đàn vật nuôi.
Từ khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi tại huyện Cẩm Xuyên, Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh (huyện Thạch Hà) đã đưa công tác phòng chống dịch bệnh vào diện “báo động đỏ”. Theo đó, quy tắc “nội bất xuất, ngoại bất nhập” được triển khai rộng rãi; cán bộ, công nhân tại các trang trại tuân thủ “ai ở đâu, ở nguyên đó” và phương tiện, thức ăn được triển khai theo phương án biệt lập từng khâu.
Ông Hồ Sỹ Huy Thảo – Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Mitraco Hà Tĩnh cho biết: “Tả lợn châu Phi là dịch bệnh cực kỳ nguy hiểm, nếu vật nuôi không may mắc bệnh thì sẽ lây lan hàng loạt, thiệt hại rất nặng nề. Trước tình hình dịch bệnh phát sinh, chúng tôi đã lập tức “kích hoạt” các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt tại chuồng nuôi của doanh nghiệp và 35 trang trại vệ tinh tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh. Theo đó, doanh nghiệp tăng cường chi phí cho công tác phòng dịch (thuốc, hoá chất xử lý môi trường) lên gấp 3 – 4 lần so với thời điểm bình thường. Đồng thời, tiến hành giảm quy mô đàn để đảm bảo an toàn (từ 5.000 con lợn thịt và lợn con/tháng nay giảm xuống còn 3.000 con/tháng)”.
Cũng theo ông Hồ Sỹ Huy Thảo, giai đoạn 6 tháng đầu năm, tình hình chăn nuôi của đơn vị gặp khó vì giá lợn hơi thấp, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng 35%. Theo đó, nửa đầu năm 2023, công ty lỗ 25 tỷ đồng. Bởi vậy, thời điểm này doanh nghiệp càng phải nỗ lực để bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Phương tiện ra, vào các trang trại được phun khử khuẩn theo quy định.
Tại Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (xã Phú Lộc, Can Lộc), những ngày qua, đơn vị đã “kích hoạt” đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Hiện nay, tất cả phương tiện ra, vào các trang trại được kiểm soát chặt chẽ, khử trùng nghiêm ngặt. Cơ sở còn sử dụng phương tiện trung chuyển tại từng khu vực, tăng cường chi phí phòng dịch lên gấp 3 lần so với giai đoạn trước, bố trí 100% công nhân ở lại ngay tại trang trại nhằm hạn chế dịch bệnh “tấn công”.
Ông Mai Khắc Mại – Giám đốc Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh cho biết: “Chuỗi liên kết lâu nay được duy trì ổn định tại 18 trang trại thuộc các huyện Can Lộc, Đức Thọ và Nghi Xuân. Để đảm bảo an toàn trong giai đoạn này, chúng tôi đã tổng kiểm tra, rà soát lại tổng đàn và từng bước thực hiện giảm đàn nuôi. Theo đó, hiện nay, chúng tôi đã giảm đàn nuôi từ 2.700 con lợn nái xuống còn 2.200 con, giảm đàn lợn thịt từ 4.000 con xuống còn 3.200 con/lứa”.
Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn trên địa bàn, hiện, tất cả chủ cơ sở đều quyết định “bật” chế độ chăm sóc và bảo vệ đàn nuôi một cách nghiêm ngặt.
HTX Nga Hải đang duy trì ổn định quy mô đàn 2.400 con lợn thịt/lứa.
Ông Lê Văn Bình – Giám đốc HTX Nga Hải (xã Xuân Mỹ, Nghi Xuân) cho biết: “Trang trại đang duy trì ổn định 4 chuồng nuôi quy mô 2.400 con lợn thịt/lứa. Ngoài tiêm phòng dịch bệnh theo định kỳ, bổ sung nguồn thức ăn gia tăng sức đề kháng cho vật nuôi, cơ sở cũng tăng cường chi phí phòng chống dịch như: hoá chất khử trùng, vôi bột… Theo đó, 2 ngày/lần, trang trại tiến hành rắc vôi bột và phun hoá chất khử trùng xung quanh khu vực nuôi, đường dẫn (trong khi trước đây là 1 tuần/lần). Cùng đó, cách ly người lao động với khu vực bên ngoài, kiểm soát phương tiện ra vào trại chặt chẽ để tránh dịch bệnh có nguy cơ thâm nhập”.
Được biết, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện trên 400.000 con với 221 trang trại quy mô lớn và vừa. Điều đáng lo ngại là hiện nay, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện đúng vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thất thường, nắng nóng kèm theo mưa ẩm, ảnh hưởng tới sức đề kháng của vật nuôi. Để tránh rủi ro, các trang trại cần tập trung cao nhất cho công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi theo khuyến cáo của ngành chuyên môn.
Người chăn nuôi rắc vôi bột xung quanh chuồng nuôi, đường giao thông nhằm ngăn ngừa dịch bệnh thâm nhập.
Theo khuyến cáo của Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Tĩnh, để khống chế dịch tả lợn châu Phi, các địa phương, đơn vị cần đẩy mạnh tuyên truyền diễn biến dịch bệnh; chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi hộ, cơ sở chăn nuôi, người hành nghề buôn bán, giết mổ để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, tuyệt đối không chủ quan với dịch bệnh.
Cùng đó, hướng dẫn người chăn nuôi tuân thủ các biện pháp an toàn sinh học, tuyệt đối không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn. Người nuôi cần báo cáo kịp thời khi phát hiện lợn ốm, chết không rõ nguyên nhân, không tự điều trị và bán chạy lợn bệnh. Ngoài ra, phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi trên từng địa bàn; lấy mẫu chẩn đoán, xét nghiệm, xử lý kịp thời đối với lợn mắc bệnh theo đúng quy định…
Thu Phương