Đã bước vào kỳ cao điểm kinh doanh hàng tết nhưng các tiểu thương ở chợ TP Hà Tĩnh vẫn khá dè dặt trong việc nhập hàng do thị trường kém sôi động, sức mua có phần chững lại so với các năm trước.
Khác với không khí mua bán tập nấp của nhiều năm trước, thời điểm này, quầy hàng gốm sứ gia dụng và hoa vải, hoa nhựa Lý Quế tại chợ TP Hà Tĩnh khá vắng khách. Sức mua chậm nên bà Nguyễn Thị Lý – chủ quầy hàng vừa nhập hàng, vừa đon thị trường. Hiện nay, lượng hàng nhập về chưa bằng một nửa năm ngoái.
Thời điểm này, lượng hàng tết bà Nguyễn Thị Lý nhập về chưa bằng một nửa năm ngoái.
Bà Nguyễn Thị Lý bày tỏ: “Bát đũa, cốc chén, khay đựng, hoa trang trí thường được khách hàng mua sớm nên khoảng đầu tháng 11 âm lịch là chúng tôi bắt đầu nhập hàng tết, mẫu nào bán chạy thì sau đó nhập thêm. Song, năm nay, thấy thị trường trầm lắng, sức mua đầu năm tới nay chậm nên tôi không dám nhập hàng nhiều. Thời điểm này năm ngoái, người mua sắm tết đã đông đúc, tôi phải bán được 12 – 13 triệu đồng/ngày nhưng năm nay chỉ được tầm 3- 4 triệu đồng/ngày”.
Buôn bán hàng tạp hóa tại chợ TP Hà Tĩnh từ năm 2006 nhưng năm nay, chị Dương Thị Thắm không “mạnh tay” trữ hàng tết mà đang chờ chuyển biến của thị trường để cân nhắc việc nhập hàng.
Sức bán chậm nên chị Dương Thị Thắm không dám dự trữ lượng lớn hàng hóa như các năm trước.
Chị Thắm chia sẻ: “Tầm này nhiều năm trước, hàng tết đã chất đầy quầy, đầy nhà. Mấy năm nay, hệ thống cửa hàng, siêu thị mini mở khắp nơi, sức mua ở chợ truyền thống giảm mạnh. Khách hàng chủ yếu là khách quen nhưng cũng giảm dần. Tết năm ngoái, tôi ế hơn 50 thùng bánh kẹo. Năm nay, thấy thị trường khó khăn hơn, tôi chỉ mới lấy mỗi loại một ít mẫu sản phẩm để giới thiệu cho người mua chứ chưa dám “ôm hàng”. Hàng tết có nhiều mặt hàng mang tính thời vụ, hạn sử dụng ngắn hoặc sau tết sẽ rất khó bán nên tôi sẽ tính toán để nhập về số lượng phù hợp với nhu cầu thị trường, tránh bị tồn hàng như năm ngoái”.
Trong khi đó, phía bên trong đình chợ 2 tầng, nhiều tiểu thương cũng buồn rầu khi tết sắp đến gần nhưng sức tiêu thụ hàng hóa vẫn không tăng đáng kể so với ngày thường.
Các quầy hàng quần áo tại chợ TP Hà Tĩnh chỉ lác đác khách mua sắm.
Anh Hoàng Minh Hưng – tiểu thương bán quần áo nam ở tầng 2 đình chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Vợ chồng tôi thuê 7 ki-ốt trong chợ để bán quần áo nên chi phí quầy hàng và thuế khá cao. Thông thường, dịp cuối năm là cao điểm mua sắm nhưng thời điểm này, dù đã gần tết, khách mua hàng cũng chỉ lác đác. Một phần nguyên nhân là do mùa đông năm nay, thời tiết không có nhiều đợt rét nên nhu cầu mua sắm của người dân giảm. Chúng tôi đang chờ những ngày cận tết xem tình hình có khá khẩm hơn không”.
Với khoảng 1.800 quầy hàng, hơn 2.200 hộ kinh doanh, chợ TP Hà Tĩnh là nơi có số hộ kinh doanh lớn nhất trên toàn tỉnh. Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng gia dụng, bánh kẹo, giày dép, quần áo… tại đây nhận định, thời điểm này những năm trước, hàng hóa đã nhập về số lượng lớn, nhưng năm nay, sức mua chậm nên nhiều chủ quầy e dè, thận trọng trong việc nhập hàng tết. Tiểu thương vẫn nhập hàng mới, mẫu mã đa dạng nhưng lượng hàng dự trữ không nhiều, chỉ lấy một lượng đủ bán, khách mua đến đâu thì nhập hàng đến đó.
Nhiều tiểu thương chợ TP Hà Tĩnh vẫn nhập hàng hóa với nhiều mẫu mã nhưng không dám “ôm” lượng hàng lớn.
Theo ông Nguyễn Thăng Long – Trưởng Ban quản lý chợ TP Hà Tĩnh, vài năm gần đây, do buôn bán ở chợ truyền thống khó khăn, nhiều tiểu thương nghỉ bán nên số quầy đóng cửa cũng khá nhiều. Năm nay, kinh tế khó khăn, sức mua hàng tết đang kém sôi động. Thông thường sang tháng 12 âm lịch, tiểu thương sẽ nhập nguồn hàng lớn hơn nhưng theo dự báo, năm nay sẽ giảm so với nhiều năm trước.
“Là chợ có quy mô rộng, nhiều ngành hàng với số lượng quầy lớn, để đảm bảo an toàn, thuận lợi người dân mua sắm và tiểu thương buôn bán dịp tết, ban quản lý chợ sẽ tăng cường về công tác an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, thông qua hệ thống loa phát thanh và trực tiếp đi kiểm tra, nhắc nhở tiểu thương tắt các thiết bị điện khi ra về” – ông Long cho biết thêm.
Loan – Trâm