Nguy cơ dịch bệnh thời điểm giao mùa gia tăng, nông dân Hà Tĩnh đang tăng cường các biện pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ tôm nuôi và chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng thả nuôi vụ mới.
Gia anh Trần Văn Ân, trú tại tổ dân phố Xuân Hoà, thị trấn Lộc Hà (Lộc Hà) đang tập trung chăm sóc cho 60 vạn tôm thẻ chân trắng.
Anh Ân chia sẻ: “Khoảng tháng nữa mới đến kỳ xuất bán tôm vụ đông 2023. Hiện đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết bất thường nên nguy cơ gây dịch bệnh trên đàn tôm nuôi cao. Bởi vậy, chúng tôi phải huy động nhân lực túc trực thường xuyên để theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường ao nuôi, đảm bảo các chỉ tiêu nằm trong ngưỡng thích hợp, đặc biệt chú ý các yếu tố PH, độ kiềm, oxy, khí độc NO2, NH3… Ngoài ra, chúng tôi tiến hành các biện pháp nuôi trồng theo khuyến cáo của ngành chuyên môn và tăng sức đề kháng cho tôm bằng việc gia tăng thức ăn và các loại vitamin. Nếu như thuận lợi, chúng tôi có thể thu về hơn 16 tấn tôm thương phẩm vào cuối vụ, dự kiến thu hơn 2,7 tỷ đồng”.
Đang giai đoạn giao mùa, thời tiết bất thường nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh trên đàn tôm.
Thời điểm này, gia đình anh Dương Quốc Khánh (thôn Liên Hà, xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) đang tập trung chăm sóc số tôm giống đã thả nuôi 40 ngày trong nhà lưới. Mặt khác, anh thuê công nhân tiến hành dọn dẹp vệ sinh 4 hồ nuôi, lắp đặt hệ thống ôxy, xử lý nguồn nước đảm bảo theo tiêu chuẩn kỹ thuật để chuẩn bị thả nuôi 80 vạn tôm thẻ chân trắng vào đầu tháng 3 tới.
Anh Khánh cho biết: “Vụ tôm xuân hè là vụ chính của năm 2024 nên gia đình tôi tập trung mọi nguồn lực để triển khai. Ngoài lựa chọn nguồn tôm giống tại các đơn vị uy tín, chúng tôi liên kết với cơ sở cung ứng dịch vụ để đảm bảo nguồn thức ăn chất lượng và dự trữ lượng lớn chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường để chủ động trong quá trình nuôi trồng, phấn đấu cho một mùa vụ thắng lợi”.
Huyện Thạch Hà cũng đang tập trung vận động bà con nông dân tích cực áp dụng các biện pháp chăm nuôi tôm vụ đông, triển khai thu hoạch theo khung lịch thời vụ và chuẩn bị các điều kiện để chuẩn bị xuống giống tôm nuôi vụ xuân hè 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Duy – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, từ tháng 3 đến hết tháng 6 là thời điểm xuống giống vụ tôm xuân hè gồm: tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Huyện đã xây dựng lịch thời vụ cụ thể và phù hợp với từng địa phương. Để đạt hiệu quả cao nhất, ngành chuyên môn đã khuyến cáo các cơ sở, vùng nuôi tôm liên kết với các cơ sở sản xuất giống có uy tín để có con giống chất lượng. Cùng đó, tổ chức liên kết sản xuất, giảm các khâu trung gian trong cung ứng con giống, thức ăn, vật tư đầu vào để giảm chi phí; thực hiện quy trình nuôi nhiều giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm, thực hiện cải tạo ao đầm nuôi kỹ lưỡng để loại bỏ mầm bệnh trong ao, quản lý điều kiện môi trường ao nuôi và sức khỏe tôm nuôi thường xuyên…
Gia đình anh Dương Quốc Khánh (xã Thạch Hạ, TP Hà Tĩnh) thuê lao động cải tạo ao hồ, chuẩn bị thả nuôi lứa mới.
Những năm gần đây, phong trào nuôi tôm tại Hà Tĩnh phát triển mạnh và mang lại hiệu quả kinh tế cao; việc tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất ngày càng được người dân quan tâm là tiền đề thúc đẩy phát triển sản xuất nuôi trồng thủy sản hiệu quả, bền vững hơn. Theo đó, năm 2023, tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh là 2.239 ha. Trong đó: nuôi thâm canh, công nghiệp là 629 ha và nuôi bán thâm canh, quảng canh cải tiến là 1.610 ha. Sản lượng tôm nuôi đạt 5.800 tấn, đạt 101,84% so với kế hoạch đề ra, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2022.
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Năm 2024, toàn tỉnh đặt mục tiêu nuôi 2.250 ha tôm các loại. Trên cơ sở chỉ đạo của Sở NN&PTNT, đơn vị sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát tốt chất lượng các yếu tố đầu vào trong nuôi trồng thủy sản (giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường của các đại lý cung ứng trên địa bàn), kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm. Cùng đó, triển khai thực hiện kế hoạch quan trắc và cảnh báo môi trường trong nuôi tôm mặn, lợ; phối hợp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản”.
Nông dân Hà Tĩnh chủ động các giải pháp bảo vệ tôm nuôi thời điểm giao mùa.
Để phát huy cao nhất hiệu quả nuôi trồng, Sở NN&PTNT yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo người nuôi tăng năng suất trên một đơn vị diện tích bằng các giải pháp như: lựa chọn nguồn giống tôm chất lượng, áp dụng quy trình nuôi tiên tiến; nâng cấp ao đầm nuôi bảo đảm yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức hướng dẫn, khuyến cáo sử dụng giống tốt, kiểm soát chặt chẽ chất lượng con giống, mùa vụ nuôi, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học bảo đảm; tăng cường công tác quản lý môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; tăng cường quản lý cộng đồng các vùng nuôi tập trung gắn với sản xuất theo chuỗi, có kế hoạch tiêu thụ thống nhất toàn vùng để tránh tư thương ép giá…
Thảo Hiền – Quang Minh