Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, nhìn chung, lượng hàng hóa nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2023 và Tết Giáp Thìn sắp tới cao hơn so với lượng hàng hóa cần dự trữ giai đoạn trước, trong và sau tết.
Trước tình hình kinh tế còn khó khăn, hoạt động thương mại và dịch vụ thời gian qua ở Hà Tĩnh đã có những tín hiệu phát triển tích cực. Hoạt động thương mại – dịch vụ những tháng cuối năm từng bước được phục hồi, nguồn cung hàng hóa đa dạng, giá cả tương đối ổn định, nhiều chương trình khuyến mại giảm giá đã góp phần làm cho sức mua thị trường tăng khá.
Hà Tĩnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu.
Theo tổng hợp sơ bộ của ngành chức năng, dự kiến tổng lượng cung ứng các mặt hàng nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 gồm: 22,35 vạn tấn lúa, 29.610 tấn rau các loại, 9.705 tấn khoai lang, 17.935 tấn ngô lấy hạt, 67.814 tấn cam; 2.898 tấn thịt bò, 20.161 tấn thịt lợn, 7.377 tấn thịt gia cầm và hơn 88.800 nghìn quả trứng gia cầm; 11.500 tấn thủy sản (9.000 tấn hải sản khai thác, 2.500 tấn nuôi trồng thủy sản). Qua đó cho thấy, nhìn chung, lượng hàng hóa nông sản sản xuất trong tỉnh phục vụ người dân dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán 2024 đã cao hơn so với lượng hàng hóa cần dự trữ để phục vụ người dân trong giai đoạn trước trong và sau Tết.
Theo Sở Công thương Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 1 trung tâm thương mại, 3 siêu thị cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu (Co.op mart, Winmart tại TP Hà Tĩnh và Winmart Kỳ Anh), 150 chợ truyền thống, 53 cửa hàng Winmart+, 6 cửa hàng Co.op Food và hệ thống các cửa hàng tạp hóa, cửa hàng tiện ích, siêu thị mini phân bổ tại các huyện, thành phố, thị xã đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, lượng hàng hóa dự trữ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa trong tỉnh chuẩn bị phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán tăng bình quân từ 10 – 30%.
Dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, khách hàng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, do đó, sức mua sẽ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (khoảng 5 – 10%) và tăng 20 – 25% so với ngày thường. Thời gian tới, thị trường sẽ sôi động hơn, nhu cầu hàng hóa, đi lại tăng, giá một số loại hàng có thể biến động tăng do ảnh hưởng của giá thế giới và chi phí đầu vào tăng; nguồn cung, giá xăng dầu trong tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, phụ thuộc vào nguồn cung, giá cả xăng dầu thế giới và sự điều hành của Trung ương…
Trên cơ sở dân số Hà Tĩnh tính đến thời điểm hiện tại khoảng 1,3 triệu người thì dự báo nhu cầu dự trữ một số mặt hàng thiết yếu trong những ngày trước, trong và sau Tết (kể từ 13/12/2023 đến hết ngày 9/3/2024) trị giá gần 460 tỷ đồng.
Hà Tĩnh dự kiến có 10 đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường dịp tết.
Theo thực tế nhu cầu các năm và dự kiến các mặt hàng có nhu cầu cao, các mặt hàng tham gia bình ổn dịp cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 gồm: gạo, thịt lợn, thịt bò, thịt gà, trứng gia cầm (trứng gà, trứng vịt), thủy hải sản, đường, bột ngọt, bột nêm, nước tương, nước mắm, dầu ăn, rau củ, nước đóng chai, xăng dầu.
Dự kiến có 10 đơn vị tham gia dự trữ hàng hóa, bình ổn thị trường, gồm: Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Sài Gòn Hà Tĩnh (Siêu thị Coop.mart Hà Tĩnh); Công ty CP Thương mại dịch vụ tổng hợp Wincommerce – chi nhánh Hà Tĩnh (Siêu thị Winmart Hà Tĩnh, Siêu thị Winmart Kỳ Anh, hệ thống các cửa hàng Winmart+); Công ty CP Thương mại Hà Tĩnh; Công ty TNHH KC Hà Tĩnh; Công ty CP Thương mại Hoàng Lâm Bân; Công ty TNHH Thương mại Hợi Đồng; Công ty CP Lương thực Hà Tĩnh; Công ty CP Nước khoáng và Du lịch Hà Tĩnh; Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh; Công ty CP Xăng dầu dầu khí Vũng Áng.
Để đảm bảo bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán, cùng với chủ động dự trữ nguồn hàng, cần theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có nhu cầu cao hoặc có biến động giá nhiều trên địa bàn; tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào; thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo tình hình thị trường để chủ động có biện pháp kịp thời điều tiết, bình ổn thị trường trong trường hợp thị trường hàng hóa có những biến động bất thường, tăng giá đột biến, thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung; triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, hỗ trợ dự trữ hàng hóa thiết yếu trong trường hợp thị trường có những biến động bất thường, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân.
Đồng thời với đó, cần theo dõi sát tình hình sản xuất, diễn biến thời tiết, dịch bệnh, đánh giá năng lực sản xuất, nguồn cung ứng các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thị trường; duy trì đảm bảo sản xuất nông nghiệp theo đúng kế hoạch, tạo nguồn hàng ổn định, đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, cung ứng đầy đủ cho người dân. Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối chủ động chuẩn bị nguồn hàng, thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu. Kết nối các doanh nghiệp phân phối và các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường. Đảm bảo công tác cung ứng xăng dầu phục vụ nhu cầu đi lại tăng cao trong dịp Tết; đảm bảo cung ứng điện ổn định, an toàn phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và bình ổn thị trường…
Việc kiểm tra, giám sát thị trường góp phần ngăn ngừa kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc.
Ngoài ra, cần tổ chức, phát triển mạng lưới và đa dạng hóa loại hình điểm bán hàng nhằm đảm bảo hàng hóa bình ổn thị trường được phân phối đến người tiêu dùng một cách thuận lợi, kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng; tăng cường tuyên truyền, tổ chức thực hiện có hiệu quả “Chương trình khuyến mãi tập trung quốc gia năm 2023” (từ ngày 4/12/2023 đến ngày 10/1/2024), “Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu, cụm công nghiệp…
Chú trọng hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối đảm bảo công tác bình ổn thị trường. Tăng cường công tác quản lý thị trường; kiểm tra, giám sát thị trường, chú trọng kiểm tra về kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực hiện các quy định về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý trên địa bàn…
P.V