Chiều cuối năm, sân bay tấp nập người qua lại. Những cái hôn chia tay, những cái ôm gặp mặt làm cho lòng tôi háo hức không yên. Một mùa bay mới lại bắt đầu rồi. Tôi vui bởi trong lòng tôi đã có tết…
Mẹ thích một cây mai Huế dáng thẳng như cây trước sân nhà bà ngoại… Ảnh minh họa từ Internet.
Mẹ đang dở tay trộn dưa món trên bếp thì điện thoại gọi. Tôi lao xuống từ ba tầng lầu í ới:
– Anh Hai về không mẹ, anh về không?
Mẹ không trả lời, bỏ lại phía phòng bếp. Chiếc điện thoại vẫn chưa kịp tắt. Giọng anh Hai trong điện thoại nghe rưng rưng:
– Chắc con không về được đâu mẹ, mẹ đừng buồn nha mẹ.
– Tôi buồn gì đâu – mẹ nói như giằn dỗi: – Các anh, các chị đủ lông đủ cánh rồi, muốn bay đi đâu thì đi. Tôi không quản được.
Tôi cầm điện thoại ra hiệu cho anh Hai tắt máy rồi lặng lẽ đi ra vườn. Trong khu vườn nhỏ, cây mai cao gần chạm mái nhà đã bắt đầu lốm đốm những bông hoa nở sớm. Cây mai này anh Hai trồng dịp tết trước khi anh đi xa. Mẹ buồn là đúng thôi. Mới đó mà cũng trọn 5 năm anh Hai quê người đất khách.
Mẹ tôi không làm được việc nữa, ngồi xuống thẫn thờ, chiếc tạp dề lơi ra, hai tay mẹ run run bấu vào nhau như cố kìm tiếng nấc. Không như những người mẹ khác, những lời mẹ tôi nói ra là đầy những nỗi niềm ẩn sâu trong đó.
Thực ra anh không phải do mẹ tôi sinh ra. Mẹ anh sinh ra anh được 1 tuổi thì mất vì bạo bệnh. Mẹ tôi kể lại, những năm tháng ấy, nhìn thấy cảnh gà trống nuôi con của bố, cô giáo mầm non trẻ không cầm lòng được mà giúp đỡ. Khi thì chờ bố tôi muộn giờ, khi đưa luôn anh tôi về nhà tắm rửa cho ăn và rồi những đợt công tác xa nhà của bố, ông gửi luôn anh ở nhà cô nuôi dạy trẻ cho an lòng. Mẹ tôi, từ cô gái mười tám đôi mươi phút chốc trở thành một bà mẹ trẻ. Có người không rõ sự tình thêu dệt nên câu chuyện mẹ tôi lỡ làng sinh con làm mẹ đơn thân khiến nhiều người ái ngại không đến nhà tìm hiểu. Nhưng mặc, mẹ với anh, như có một sự liên kết nào đó, quấn quýt không rời. Thậm chí, cho đến ngày tôi lớn lên, sau bao nhiêu năm tôi vẫn không biết được anh tôi không phải do mẹ tôi sinh ra.
Chúng tôi sống bao nhiêu năm như thế cho đến ngày bố tôi mất. Một năm sau, anh thông báo với mẹ tôi anh sẽ sang định cư ở nước ngoài. Lúc nhận được tin đó, mẹ tôi sững sờ như đánh mất một cái gì lớn lao mà không nói nên lời.
Tôi nhớ, năm đó anh Hai tôi mua về một cây mai. Cây mai giống như mẹ hình dung và ao ước “xong nhà mới mẹ sẽ trồng ở góc sân này một cây mai”. Lúc đó tôi chen vào “gì chứ mai thì đầy ngoài đường”, “không, mẹ không thích cây mai thế, mẹ chỉ thích một cây mai Huế dáng thẳng như cây trước sân nhà bà ngoại”. Mẹ nói thế nhưng tôi thì quên. Mẹ tôi bao giờ cũng mong ngóng về những điều xưa cũ. Tôi không mấy hiểu mẹ, không tinh tế để nhận ra sự xúc động của mẹ khi nhớ về quê nhà. Nhưng anh Hai tôi biết, từ ngày mẹ lấy bố, ông bà ngoại cấm cửa đối với đứa con gái “không biết thiệt hơn” như mẹ. Khi đó mẹ chỉ biết ôm anh nghẹn ngào “mẹ có hơn chứ mẹ không có thiệt”!
– Mai năm nay sao ít nụ quá Tú – mẹ tôi nheo nheo mắt nhìn lên cành mai khẳng khiu tôi vừa xuống lá tuần trước hỏi như hoài nghi vì mắt không nhìn rõ.
– Sẽ nở muộn đó mẹ – tôi nói vọng ra.
– Hôm bữa xuống lá con thấy nhiều nụ nhỏ xíu. Chắc qua tết mới bung nở rực rỡ.
– Thôi thì lúc nào nở cũng được – mẹ tôi thở dài – có các con thì mùa nào với mẹ cũng là xuân hết.
Có các con thì mùa nào với mẹ cũng là xuân hết… Ảnh:Hoàng Anh Hiền.
Tôi im lặng cười, nhìn mẹ thấy thương. Tôi đã không thể lộ ý định của anh Hai cho mẹ biết nên cố nén giữ, nhìn mẹ mà thương trào nước mắt. Mẹ lo cho anh Hai từng li từng tí, chờ đợi anh từng phút, từng giây mà anh vẫn không về.
Tôi lặng lẽ nhìn mớ dưa món mẹ đang muối dở thở dài:
– Ngày ở nhà anh Hai thích món này nhất mẹ ha!
– Ừ – mẹ lặng người – cái thằng… đất khách quê người để làm gì khi đến món ăn giản đơn cũng không có được.
– Hay là… – Tôi hào hứng – tuần tới con có chuyến bay sang Đức rồi lại về, mẹ có sang thăm anh với con không?
– Anh nói đi nước ngoài mà cứ như ra phố chợ không bằng. Muốn sang cũng phải chuẩn bị kỹ lưỡng.
– Dễ mà mẹ. Visa thăm thân mẹ đã làm từ mấy tháng trước rồi còn gì. Với loại visa này, mẹ được phép nhập cảnh Đức trong vòng 6 tháng và có thời gian lưu trú tối đa 90 ngày đấy. Đáng đi bao nhiêu lần rồi mà mẹ cứ lần lữa…
– Nhưng tôi còn chưa chuẩn bị gì.
– Bên đó cái gì cũng có, chỉ chuẩn cơm mẹ nấu là anh thèm thôi mẹ ơi.
– Còn con…, tết nhất một mình.
– Không cần lo cho con đâu mẹ ơi – tôi ôm lấy mẹ cười xòa – Chỉ cần mẹ vui là trong lòng con có tết.
– Anh cứ như chim, tôi thật chẳng biết hy vọng vào anh ở điểm gì nữa – mẹ tôi miệng thì nói vẻ giận dỗi nhưng tay chân đã thoăn thoắt hẳn lên.
– Hay để mẹ sắm cho con bé Su ít bộ áo dài diện tết. Gái Việt ở đâu cũng phải có bộ đồ truyền thống để nhớ về quê cha đất tổ, cha bố con nhà nó, hơn một tuổi rồi không cho cháu về thăm bà, cứ nhìn nhau qua điện thoại.
Tôi để mặc mẹ tôi với những chộn rộn của những sắm sanh, chuẩn bị. Mẹ như muốn gói tất cả hương vị tết cổ truyền để mang sang cho anh dù tôi đã dặn kỹ những thứ nào có thể mang đi, những thứ nào không.
Anh Hai lại gọi điện. Giọng mẹ hồ hởi hẳn lên:
– Này con, thằng Tú ngày kia nó bay sang chỗ con, mẹ gửi cho cháu ít đồ tết nhé.
– Mẹ, mẹ không cần vất vả vậy đâu – anh tôi xua tay.
– Mẹ đóng thùng rồi – mẹ tôi quay điện thoại cho anh tôi nhìn những thùng hàng được đóng gói cẩn thận – 3 thùng con nhé, mẹ đánh dấu hết rồi, khi đến con nhớ kiểm tra kỹ.
– Mẹ là không công bằng nhé!
Tôi xen mặt vào màn hình, nhìn anh tôi nháy mắt cười. Ông anh nhanh ý giơ ngón tay ra hiệu tôi đừng làm lộ bí mật của anh. Chỉ mẹ tôi là không hiểu gì quay sang tôi dứ dứ:
– Anh lo mà lấy vợ đi cho tôi nhờ, ăn bám mãi không thấy chán à?
– Con không lấy vợ. Mẹ khó tính thế, lấy vợ để khổ vợ con con à? – Tôi nói thế rồi ôm lấy mẹ – Con ở với mẹ thôi nha!
– Ừ, thì cũng đành – mẹ tôi thở dài – Làm cái nghề đi đây đi đó thì muộn vợ tí cũng được. Tuổi con chó mà như tuổi con chim, chưa kịp ăn hết cái bánh chưng lại bay.
– Năm sau con cưới vợ cho về ở với mẹ – tôi nói rồi xách vali ra cửa.
– Mẹ đừng buồn nha, ít bữa con lại về!
– Tôi tự lo được, chưa đến lượt các anh phải lo.
Mẹ nói thế rồi đứng mãi sau cánh cửa nhìn cho đến khi bóng tôi khuất hẳn. Bao lâu rồi, chúng tôi mải mê công việc không để ý đến mẹ đang sống trong căn nhà đã quá rộng rãi đối với mẹ mà thương. Chắc hẳn rằng, trong lòng mẹ tôi luôn có một nỗi trống trải nào đó mà không muốn chúng tôi phải bận lòng lo nghĩ nên né tránh.
Sân bay những chiều cuối năm chộn rộn người… Ảnh: Vietnamnet.
Anh Hai tôi từ ngày xa nhà không lúc nào không gọi điện nhắc nhở tôi để ý đến mẹ. Anh cũng nhận ra quyết định của anh làm cho mẹ phiền lòng. Tôi không nghi ngờ gì tình thương của anh đối với mẹ nhưng những lời anh dặn dò tôi không diễn tả hết được cho mẹ hiểu, lại thành ra những lời hỏi han bâng quơ. Đã từ lâu anh muốn đưa mẹ sang ở cùng anh nhưng mỗi lần nói ra mẹ cứ xua đi. Cuối cùng thì chúng tôi cũng đi đến quyết định bất ngờ này.
– Mẹ, mẹ đến nơi chưa vậy?
– Xe gần đến sân bay, mà anh đó, sao bảo về nhà giờ lại bắt tôi cứ phải vội vội vàng vàng.
– Đột xuất mà mẹ, mà mẹ đã khóa cửa nhà chưa? – Tôi lí lắc.
– Rồi, tôi gửi hết cho dì anh bên nhà.
– Tốt…
– Tốt cái đầu anh – mẹ tôi nói rồi tắt máy.
Sân bay những chiều cuối năm chộn rộn người. Vé máy bay của mẹ đã được check điện tử, chỉ cần người đến qua cửa an ninh là xong xuôi. Tôi nhìn mẹ thấy thương, một đời vất vả vì con, giờ đến ngày đoàn tụ vẫn không hết lo đứa này đứa khác.
– Mẹ… mẹ – tôi giả vờ vô tư lự – Mẹ sướng nha!
Mẹ tôi dở khóc dở cười đấm vào lưng tôi thùm thụp:
– Các anh làm thế này, đáng lẽ phải báo cho tôi ít ngày để còn chuẩn bị thêm quà cho cháu nội tôi nữa chứ!
– Quà to đùng đây còn gì. Anh Hai bảo anh chỉ cần mẹ thôi, có mẹ là có tết rồi – tôi ôm lấy mẹ – Bao nhiêu năm xa mẹ, anh Hai chịu không nổi rồi mẹ ơi.
Mẹ tôi nghe đến thế thì khóc. Bao nhớ nhung khấp khởi làm mẹ tôi bước vội vàng như hẳn anh tôi đang ở phía trước chờ mẹ.
Tôi chờ cho máy bay cất cánh mới gọi cho anh tôi đầy hờn dỗi:
– Em cho anh mượn mẹ thôi đấy.
– Chú buồn cười – anh tôi cười xòa – Mẹ giờ là của con Su đố ai mà tranh được.
– Gian manh quá – tôi nói rồi cười.
Chiều cuối năm, sân bay tấp nập người qua lại. Những cái hôn chia tay, những cái ôm gặp mặt làm cho lòng tôi háo hức không yên. Một mùa bay mới lại bắt đầu rồi. Tôi vui bởi trong lòng tôi đã có tết.
Trần Quỳnh Nga