Đến ngày 1/1/2024, các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn Hà Tĩnh đều phải lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống máy móc thiết bị để đảm bảo 1 lần bán hàng là 1 lần lập hóa đơn theo quy định.
Đại biểu tham dự hội nghị
Sáng 20/12, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị quán triệt công tác quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu. |
Hà Tĩnh hiện có 82 doanh nghiệp với 222 cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã thực hiện đăng ký HĐĐT.
Theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP, thời điểm lập HĐĐT đối với trường hợp bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ là thời điểm kết thúc việc bán xăng dầu theo từng lần bán…
Tuy nhiên đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 78 cửa hàng của Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh thực hiện đảm bảo xuất HĐĐT theo từng lần bán hàng.
Trưởng phòng Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế Hà Tĩnh) Nguyễn Xuân Thường quán triệt các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đã quán triệt các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương nhằm tăng cường quản lý, sử dụng HĐĐT đối với hoạt động kinh doanh, bán lẻ xăng dầu.
Để triển khai HĐĐT đối với hoạt động bán lẻ xăng dầu đảm bảo theo quy định, Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh đề nghị các đơn vị kinh doanh xăng dầu triển khai trước ngày 31/12/2023. Theo đó, đến ngày 1/1/2024, tất cả các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống máy móc thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin đảm bảo 1 lần bán hàng là 1 lần lập hóa đơn; lưu trữ đầy đủ dữ liệu từng lần bán hàng để xuất trình khi các cơ quan chức năng kiểm tra.
Phó Giám đốc Công ty Xăng dầu Hà Tĩnh Trương Quang Đức: Để ngày càng minh bạch và chính xác trong phát hành hóa đơn bán hàng, từ ngày 1/9/2023, Petrolimex tiếp tục phát hành HĐĐT có thông tin biển số xe theo từng lần bán hàng tại cửa hàng xăng dầu.
Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Dương Hồng Lĩnh đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chấp hành quy định; ngành thuế sẽ tiến hành rà soát lại các điểm kinh doanh xăng dầu và sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu không thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế…
Theo khoản 5, Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng đối với hành vi không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho người mua theo đúng quy định. Theo điểm A, khoản 4, Điều 24, Nghị định 125/2020/NĐ-CP, phạt tiền 6 triệu đồng đối với hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm bán hàng. |
Phan Trâm