Trở về thăm lại bến sông, đứng lặng ngắm nhìn mặt nước nơi ngã ba sông, tôi miên man trong dòng hồi tưởng. Ngàn Sâu, Ngàn Phố, sông La nước trong veo bình lặng in bóng mây trời Hà Tĩnh đầy nhớ thương…
Một góc bến Tam Soa. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải
Thời gian như dòng nước chảy làm lắng đọng những hạt phù sa. Có những vùng đất cho dù thoáng gặp, cho dù dừng lại không lâu nhưng vẫn kịp in dấu, vẫn kịp giữ lại một phần hồn ta. Với tôi, vùng đất mà tên gọi của nó luôn âm vang ấy quá đỗi thân thương, quá đỗi dịu dàng: bến Tam Soa!
Tôi được trở lại với bến sông sau 51 năm vật đổi sao dời. 51 năm – một đời người nhưng vẫn là núi ấy và sông ấy, vẫn mênh mang mây nước, bãi bờ, thôn mạc… Tôi đứng lặng bên bến nước, thả hồn trở về với những năm tháng mù xa. Bến Tam Soa đây rồi và cầu Linh Cảm kia! Ngày đó chưa có cầu, qua sông là con phà đè sóng cõng xe pháo, đưa bộ đội đi đánh giặc, ngày đêm lầm lũi dưới trời bom đạn. Cách ngã ba sông không xa về phía hạ lưu là bến đò.
Đò qua sông La đêm đêm rậm rịch những bước chân. Những đoàn quân nặng trĩu ba lô súng đạn, ngụy trang lặng lẽ vượt đò Vạn Rú mạn sông Lam, qua hết cánh đồng bên “chín Nam” sang Đức Trường (xã Trường Sơn ngày nay) tới sông La. Sông La trong xanh êm đềm, bờ đê mươn mướt cỏ. Bãi cát nơi đò sang thoai thoải mịn màng trong đêm mượt như nhung. Bến đò rậm rịch, lích kích tiếng kim khí, í ới tiếng gọi nhau, khúc khích tiếng cười đùa hợp thành khúc nhạc của thời đất nước lạc quan vào trận đánh. Giọng Nghệ, giọng Thanh, giọng Hà Nội, giọng Thái Bình… đồng hương gặp nhau, hỏi nhau chuyện nhà chuyện cửa.. Đáy thuyền chạm bờ cát lạo xạo, những bước chân gấp gáp, những hơi thở hào hển, những cái bắt tay vội vàng, bàn tay vẫy chào tạm biệt, những nụ cười lấp loáng dưới vành mũ vụt tan biến trong đêm.
Ngày đó trực chiến trên trận địa, hằng ngày dõi theo lũ giặc trời phục vụ cho những trận đánh trả máy bay địch, tuổi trẻ trắng trong non nớt, tôi chưa kịp cảm nhận hết khí thiêng nơi vùng đất, lòng chỉ biết tự nhủ lấy tuổi trẻ cống hiến cho công cuộc đánh Mỹ, chỉ biết chăm chú để hoàn thành nhiệm vụ. Tiểu đoàn được giao bảo vệ bến phà Linh Cảm và cầu đường sắt Thọ Tường. Hai mục tiêu địch tập trung đánh phá vô cùng ác liệt. Hằng ngày trực ban nhìn ra bốn phía, phía Đông là dãy Ngàn Hống sừng sững kéo dài, vòng ra hướng Bắc là núi Đại Huệ, tiếp đó là núi Thiên Nhẫn, Tây Nam là núi Giăng Màn, xa xa là dãy Ngàn Trươi mịt mờ sương khói. Một vòng cung núi trập trùng, bên ấy Nghệ An, bên này Hà Tĩnh. Một vùng yếu địa, dải đất hẹp miền Trung nắng gió của những người con kiên trung, gan lì, tụ hội trai tráng mọi miền quyết giữ những tuyến đường huyết mạch. Máy bay giặc mỗi lần từ tàu biển lẻn vào đánh phá luôn bám theo vòng cung này lượn vòng ẩn náu. Những tốp máy bay rập rình lẩn khuất trong mây trong núi để bất ngờ lao đến.
Trận địa hỏa lực đóng rải trên những ngọn đồi bao quanh bến vượt. Những nòng pháo rập rình lá ngụy trang quay tầm quay hướng. Những chàng pháo thủ loang loáng mũ sắt từ các lán phủ kín lá ngụy trang túa ra mỗi lần báo động. Sở chỉ huy tiểu đoàn khi ở bờ đê cạnh bờ sông, khi chuyển ra giữa cánh đồng Đức Phong. Máy bay địch bay sáng trưa chiều tối. Chúng bay ngang bay dọc, bay thấp bay cao, nhào lộn quần đảo đánh xe, đánh cầu, phà và phản ứng vào trận địa. Bay bằng thả bom, bổ nhào thả bom. Chiếu laze cho bom bám theo lao vào trận địa. Bom tấn bom tạ, bom bi… Bom nổ trên đồi, bom nổ dưới sông, bom nổ trên trận địa… bom rơi như mưa, trận địa mịt mù và đồng đội ngã xuống… Chiều mưa giăng giăng, đưa đồng đội về với đất, dòng người bước chầm chậm lặng lẽ cúi đầu giữa cánh đồng, lòng trào lên bao yêu thương, căm giận.
Chúng tôi sống trong yêu thương đùm bọc của các bà, các chị vùng đất ngã ba sông. Mỗi lần trận địa nổ súng, mỗi khi bom giặc lao xuống, bà con bám bờ tre dõi mắt nhìn ra lo lắng. Nhiều trận khói bom chưa tan, các chị đã tràn ra trận địa tiếp tế nước uống, cứu chữa thương binh, đưa người hy sinh về phía sau. Trận địa mịt mù, mặt mày pháo thủ ám đen lửa khói thoăn thoắt chùi đạn, lau thông nòng pháo, thay lá ngụy trang sẵn sàng cho trận đánh tiếp theo.
Trở về thăm lại bến sông, đứng lặng ngắm nhìn mặt nước nơi ngã ba sông, tôi miên man trong dòng hồi tưởng. Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La nước trong veo bình lặng in bóng mây trời, in bóng núi đồi. Những thôn xóm, bãi bờ ngô, mía, lạc, đỗ… mùa nào thức ấy xanh mươn mướt. Đức Thọ, Hương Sơn, hai vùng đất nổi tiếng con gái đẹp. Con gái Hương Sơn, Đức Thọ da trắng, tóc dài, phải chăng do nước đầu nguồn trong mát, phải chăng do sông núi thơm hương?
Đôi bờ sông La. Ảnh: Huy Tùng
Thị trấn Đức Thọ hôm nay như chàng trai vào độ trưởng thành đầy vạm vỡ. Những đường phố thẳng tắp rộng dài. Những ngã ba, ngã tư tấp nập người xe, những nhà hàng, siêu thị… khiến tôi như lạc bước. Từ cầu mới Thọ Tường qua sông La nhìn xuống, thị trấn trung tâm huyện hôm nay mang một vẻ đẹp hiện đại. Vẻ đẹp của thời đất nước đổi mới đầy sức sống nhưng vẫn mơ màng như người con gái sông La chiều chiều xuống bến sông xõa tóc làm vấn vương mấy chàng pháo thủ chúng tôi ngày nào.
Tôi đi dọc Sơn Bằng, Sơn Châu, Sơn Phố… Tôi đi dọc bờ đê hữu ngạn sông La mà không sao tìm được chỉ huy sở ngày đó đặt chỗ nào. Giờ đây đi tới đâu cũng bắt gặp những khu nhà bề thế, bắt gặp những con đường bê tông vững chắc, những khóm hoa, những vườn tược được chăm sóc tốt tươi. Đê sông La hôm nay đã được mở rộng vững chãi.
Chính dọc bờ đê này ngày đó, sau mỗi trận đánh phải di chuyển, tôi phải lần mò trong đêm rải dây xuống các trận địa, bước chân bì bõm qua ruộng, qua hồ. Con gái Đức Yên, Đức Phong nghịch ngợm nhiều lần lấy cớ chọc nghịch làm khổ lính thông tin, trinh sát. Các mẹ, các chị yêu thương đùm bọc gọi uống nước chè, ăn kẹo lạc, ăn hồng, ăn cam… Sở chỉ huy tiểu đoàn trên đê, chiều đó Tiểu đoàn trưởng Trần Kha vung cờ. Khuôn mặt góc cạnh rắn rỏi, ánh mắt tóe lửa, dáng lồng lộng của anh đã tạc vào bầu trời một tượng đài – tượng đài về sự quả cảm và kiên quyết đánh giặc của bộ đội pháo cao xạ. Tôi không sao tìm ra vị trí của chỉ huy sở giữa cánh đồng. Giờ đây nhìn hướng nào cũng có phố, có đường. Những con đường rộng, những hàng cây, đoạn phố…
Toàn cảnh đồi Quần Hội và Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú.
Tôi đến viếng Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông. Mộ phần, khu tưởng niệm… của đại danh y đều quanh trong những khu rừng, đồi cây non nước thanh bình ở vùng núi thơm Hương Sơn. Tôi quay về với phần mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú. Mảnh đất Tùng Ảnh – Đức Thọ đã sinh ra một người con kiệt xuất. Trên đồi cao nơi cố Tổng Bí thư yên nghỉ nhìn xuống, bến Tam Soa hiện ra bát ngát.
Bến Tam Soa, nơi hợp lưu của hai dòng sông Ngàn Sâu và Ngàn Phố. Sông Ngàn Phố dòng nước qua Sơn Kim, Sơn Phố… của Hương Sơn chảy xuống. Và Ngàn Sâu phía Nam từ Ngàn Trươi qua dãy Giăng Màn mạn Hương Khê chảy ra. Tôi miên man trong dòng suy tưởng với vùng núi sông huyền thoại, vùng đất tụ hội linh khí sinh ra biết bao hào kiệt làm rạng danh đất nước, quê hương, nơi hội tụ nhiều dòng họ lẫy lừng, nào Đinh Nho, nào Nguyễn Khắc…
Ngã ba sông, chính tại nơi đây, ngày đó chúng tôi lại kéo pháo ra đi theo tiếng gọi của chiến trường. Vượt bến phà Linh Cảm, chúng tôi hành quân trong một đêm mưa. Sơn Bằng, Sơn Châu, Sơn Phố… Chúng tôi đi, để lại sau lưng vùng đất thiêng vẫn đang rền vang tiếng pháo tiếng bom, để lại sau lưng Ngã ba Đồng Lộc, Khe Giao, ngã ba Lạc Thiện cùng bao tên làng, tên núi, tên sông. Chúng tôi đi, để lại bao dáng hình, bao ánh mắt thân thương của những người mẹ, người chị… và cả ánh mắt của người con gái thương yêu…
“…Ơ, trời mô xanh bằng trời Can Lộc
Nước mô xanh bằng dòng nước sông La
Ai về Hà Tĩnh quê ta, nhớ chăng nhớ chăng đôi mắt… Ơ… ơ…, người con gái sông La, đôi mắt trong tựa ngọc, đôi giọt nước sông La, thương như trời quê ta…”.
Xa sông La đã thật lâu nhưng câu hát này vẫn ngân mãi trong tôi. Sông La, dải lụa thơm mềm mềm mãi trong tôi. Sông La, Ngàn Sâu, Ngàn Phố, ngã ba sông đã in dấu với mênh mang mây núi đất trời. Mặt nước ngã ba sông in bóng chiều ráng đỏ, màu đỏ của lửa bom, màu đỏ của ánh đèn dù những đêm máy bay thù quần thảo, dội bom trọng điểm bến phà Linh Cảm.
Tháng 11/ 2023
Nguyễn Ngọc Lợi