Trong bối cảnh tăng trưởng dư nợ khó khăn, các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh đang nỗ lực kích cầu tín dụng, song không hạ chuẩn nhằm đảm bảo an toàn hệ thống.
2023 là một năm thử thách đối với Agribank Chi nhánh Bắc Kỳ Anh (thuộc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II) khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn. Ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân trên địa bàn gặp khó, nhu cầu vay vốn đầu tư giảm. Cùng đó, thu nhập của người dân bị sụt giảm nên việc tiếp cận tín dụng phục vụ tiêu dùng cũng “nhỏ giọt”.
Cán bộ tín dụng Agribank Chi nhánh Bắc Kỳ Anh kiểm tra mục đích sử dụng nguồn vốn của khách hàng.
Ông Trần Khánh Ninh – Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Kỳ Anh cho biết: “Tổng dư nợ của đơn vị hiện đạt 821 tỷ đồng, mới chỉ đạt 60% kế hoạch tín dụng năm 2023. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục tăng cường các giải pháp như: đẩy mạnh giao tiếp khách hàng, tích cực truyền thông các chính sách tín dụng ưu đãi để doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận vốn vay… Chi nhánh đặt mục tiêu đến 31/12/2023 sẽ đạt trên 80% kế hoạch tín dụng được giao.
Mặc dù nỗ lực đưa vốn ra nền kinh tế, song Agribank kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng. Theo đó, chỉ khi khách hàng đủ các điều kiện như: có phương án, dự án sản xuất – kinh doanh khoa học, hiệu quả; không phát sinh nợ xấu tại các tổ chức tín dụng khác; chứng minh được nguồn trả nợ; cam kết sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích… thì mới được giải ngân. Nhờ vậy mà tín dụng của Agribank Chi nhánh Bắc Kỳ Anh luôn đảm bảo an toàn, đến nay tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,22%/tổng dư nợ, nợ quá hạn chỉ chiếm 0,98%/tổng dư nợ”.
Tại Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh, thời gian qua việc phát triển dư nợ (nhất là dư nợ bán lẻ) gặp nhiều khó khăn. Có những thời điểm, dư nợ bán lẻ của chi nhánh bị sụt giảm do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém. Đến thời điểm này, tổng dư nợ toàn chi nhánh đạt trên 14.000 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm 2023 và chủ yếu tăng ở mảng tín dụng doanh nghiệp, còn tín dụng bán lẻ lại sụt giảm 1% với đầu năm 2023.
Dư nợ tại Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh hiện đạt hơn 14.000 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trưởng phòng khách hàng bán lẻ, Vietcombank Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “Vietcombank chú trọng giảm lãi suất cho vay, ứng dụng số hóa để tạo thuận tiện cho khách hàng trong quá trình giao dịch, đơn giản hóa thủ tục cho vay… nhằm kích cầu tăng trưởng tín dụng, nhất là thời điểm cuối năm. Hiện nay, mặc dù nguồn vốn dư thừa, song Vietcombank kiên quyết “không phát triển dư nợ bằng mọi giá”, “nói không” với hạ chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống”.
Theo đó, quy trình thẩm định, giải quyết hồ sơ xin vay vốn của khách hàng được Vietcombank tuân thủ theo đúng quy định hiện hành. Cụ thể: Vietcombank định giá tài sản thận trọng theo giá thị trường và tỷ lệ cho vay thấp hơn giá thị trường; xác định thời hạn vay vốn phù hợp với vòng quay vốn của khách hàng khi kinh doanh… Còn khách hàng vay vốn phải đảm bảo đúng mục đích; chứng minh được dòng tiền để trả nợ…
Với khối ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn như: SHB, ACB, Techcombank, MB Bank, Sacombank… thời gian qua tín dụng cũng tăng trưởng thấp.
Ông Nguyễn Văn Chính – Giám đốc Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh cho hay: “Tính riêng trong tháng 10 và tháng 11/2023, dư nợ của chi nhánh liên tiếp bị sụt giảm. Lũy kế 11 tháng năm 2023, chi nhánh mới chỉ đạt 25% kế hoạch tín dụng được giao. Từ nay đến cuối năm, Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh cố gắng để gia tăng dư nợ cao nhất có thể. Tuy vậy, chúng tôi kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng; không cấp vốn cho khách hàng không đủ năng lực, điều kiện nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả tín dụng trên địa bàn, tránh tình trạng phát sinh nợ xấu cao”.
Khách hàng đến giao dịch tại Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh.
Được biết, hiện nay 90% khách hàng của Sacombank Chi nhánh Hà Tĩnh là khách hàng cá nhân, vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và tiêu dùng. Theo tìm hiểu, khi vay vốn tại Sacombank, khách hàng buộc phải có các điều kiện như: có phương án, dự án đầu tư khả thi, hiệu quả; tư cách khách hàng tốt; tài sản đảm bảo (bất động sản, xe, hàng hóa, máy móc – thiết bị, tiền mặt…) đáp ứng theo quy định pháp luật.
Phát triển dư nợ là một nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thời điểm cuối năm. Theo ghi nhận, hiện nay các ngân hàng đều nghiêm túc chấp hành các quy định của ngành và quy định pháp luật, kiên quyết không đánh đổi để phát triển tín dụng.
Theo đó, thay vì hạ chuẩn tín dụng, các tổ chức tín dụng thực hiện chính sách giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay cũ và mới; đẩy mạnh truyền thông về các chương trình tín dụng ưu đãi theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh để khách hàng nắm bắt và tiếp cận. Cụ thể như chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND tỉnh Hà Tĩnh…
Tính đến đầu tháng 11/2023, dư nợ toàn địa bàn đạt 92.019 tỷ đồng.
Thời gian qua, NHNN Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh thường xuyên chỉ đạo ngân hàng thương mại trên địa bàn hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; đơn giản hóa thủ tục cho vay, niêm yết công khai, minh bạch các thủ tục, quy trình vay vốn; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả. Tính đến đầu tháng 11/2023, dư nợ toàn địa bàn đạt 92.019 tỷ đồng, chỉ tăng 4,12% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 5,53% so với đầu năm 2023. |
Thu Phương