10 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, Dân ca Ví, Giặm ngày càng chứng minh được sức sống mãnh liệt. Theo thống kê, đến thời điểm này, trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có 349 CLB gồm 6.000 thành viên tham gia với nhiều lứa tuổi, thành phần, từ các em học sinh đến các bậc cao niên…tất cả đều say mê với điệu ví câu hò.
Các thành viên CLB Dân ca Ví, Giặm xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên
Được thành lập cách đây hơn chục năm, câu lạc bộ dân ca Ví Giặm xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên đã dàn dựng được hàng trăm tiết mục dân ca hết sức độc đáo và có giá trị, tái tạo các trò diễn xướng dân gian, được dàn dựng công phu, vừa đậm chất truyền thống vừa mang hơi thở hiện đại.
Các nghệ nhân nhân dân nhận bằng vinh danh (Hình tư liệu)
Xác định bảo tồn Ví, Giặm không chỉ là giữ gìn mà còn cần cả sự kế thừa, phát huy dài hạn trong tương lai, những năm qua, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp phong phú như vinh danh nghệ nhân, hỗ trợ thành lập mới các CLB, tuyên truyền, quảng bá, đưa dân ca vào trường học. Nhờ vậy đã xuất hiện nhiều nghệ nhân ưu tú, cùng hàng trăm Câu lạc bộ dân ca nỗ lực trao truyền câu hát cho đời sau.
Nghệ An và Hà Tĩnh luôn quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn và phát triển Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh
Đặc biệt, thực hiện cam kết với UNESCO, những năm qua, ngành văn hóa hai tỉnh Nghệ An Hà Tĩnh đã có nhiều sáng kiến trong việc chỉ đạo xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, lấy văn nghệ quần chúng làm nòng cốt thúc đẩy các hoạt động khác, trong đó có việc khuyến khích các loại hình dân ca.
Ví Giặm hôm nay không chỉ là những câu hát ví phường cấy, hò leo núi, hò bơi thuyền… mà còn thấm đẫm vẻ đẹp và hơi thở của cuộc sống hiện đại. Người dân Nghệ An, Hà Tĩnh trao tâm tình, gửi gắm những thao thức, ước vọng qua câu hát. Đặc biệt, những đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước được tuyên truyền thông qua những câu hò điệu ví một cách uyển chuyển, mượt mà. Kết quả đó là nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh trong thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, ví Giặm.
Từ thổ sản độc đáo có lịch sử hàng trăm năm Ví, Giặm đã thực sự hoà vào dòng chảy văn hoá nhân loại.
Người Hà Tĩnh, Nghệ An tự hào vì di sản vượt ra khỏi không gian và thời gian đến với mọi miền Tổ quốc và bạn bè thế giới. Niềm tự hào ấy đã trở thành động lực thôi thúc chính quyền và Nhân dân hai tỉnh ra sức giữ gìn, bảo tồn và phát huy Di sản để Dân ca, Ví giặm luôn mãi đồng hành cùng thời gian.
Theo Dương Phương,Tuấn Anh/HTTV
Nguồn: https://hatinhtv.vn/tin-bai/van-hoa—xa-hoi/dan-ca-vi-giam-nghe-tinh-truong-ton-va-lan-toa