Trong những năm gần đây, tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng có chiều hướng gia tăng. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Đầu tháng 7/2024, chị Nguyễn Thị Cảnh ở thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà sinh em bé thứ 2 tại Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh. Mặc dù đang làm việc tại Công ty Tư vấn và xây dựng Thái Hà nhưng chị vẫn không có thẻ BHYT để thanh toán viện phí.
Nguyên nhân là do công ty đang nợ hơn 30 tháng BHXH, BHYT với số tiền hơn 85 triệu đồng. Hiện, chị Nguyễn Thị Cảnh phải chịu toàn bộ chi phí sinh mổ.
Chị Nguyễn Thị Cảnh phải cho trả 100% viện phí vì không có BHYT
Còn tại Trường Mầm non Ban Mai ở thành phố Hà Tĩnh, 17 giáo viên và người lao động cũng bị ảnh hưởng quyền lợi do tính đến hết tháng 6 năm 2024, đơn vị còn nợ hơn 290 triệu đồng tiền BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện trên địa bàn Hà Tĩnh, tính đến hết tháng 6/2024 có hơn 500 doanh nghiệp có thời gian nợ BHXH, BHYT và Bảo hiểm thất nghiệp từ 3 tháng trở lên với số tiền hơn 99 tỷ đồng.
Giáo viên Trường Mầm non Ban Mai (TP. Hà Tĩnh) cũng bị ảnh hưởng do nhà trường còn nợ BHXH
Khi doanh nghiệp nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều này đồng nghĩa người lao động sẽ bị ảnh hưởng nhiều quyền lợi khi ốm đau, sinh con, tai nạn.
Hay khi chấm dứt hợp đồng với người lao động thì không chốt được sổ BHXH, dẫn đến việc người lao động không làm được thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Pháp luật quy định rất cụ thể về trách hiệm đóng bảo hiểm cho người lao động. Do đó, các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng đều vi phạm pháp luật, vừa ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động, vừa tránh phát sinh nợ và phát sinh lãi chậm đóng./.
Bách Hợp, Thành Trọng/HTTV
Nguồn: https://hatinhtv.vn/tin-bai/van-hoa—xa-hoi/nhieu-he-luy-khi-doanh-nghiep-no-bhxh