Cử tri và Nhân dân đánh giá công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ; đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này.
Sáng 20/5, tiếp tục chương trình kỳ hợp thứ 7, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.
Cử tri ủng hộ việc cho một số cán bộ cấp cao vi phạm thôi đảm nhiệm trọng trách
Về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Chủ tịch MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá rất cao công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được kết quả quan trọng, toàn diện, “nói đi đôi với làm”, thật sự không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; các cơ quan chức năng không chỉ xử lý kịp thời, nghiêm minh, có lý, có tình đối với người vi phạm mà còn thu hồi được nhiều tài sản cho Nhà nước.
Hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TH.
Cử tri và Nhân dân đồng tình, ủng hộ Đảng và Nhà nước đã kịp thời giải quyết để một số đồng chí cán bộ cấp cao vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương thôi đảm nhiệm trọng trách được giao.
Đồng thời rất tin tưởng Đảng, Nhà nước “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh cam go, phức tạp này; bày tỏ mong muốn các bộ, ngành, cơ quan chức năng có giải pháp hiệu quả, “mạnh tay hơn nữa” đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những người đăng tải, cung cấp các thông tin “thất thiệt”, “xấu độc” ảnh hưởng đến thành quả chung đã đạt được.
Bên cạnh đó, hoạt động của Quốc hội và các cơ quan dân cử ngày càng đổi mới, thiết thực, hiệu quả, dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy mạnh mẽ. Hiệu lực quản lý nhà nước được nâng lên. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước tiếp tục được củng cố và tăng cường.
Công nhân bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng
Trong lĩnh vực kinh tế – xã hội, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi, đánh giá cao tổng sản phẩm trong nước Quý I/2024 tăng trên 5,6% so với cùng kỳ năm 2023, là năm cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Các cân đối lớn được bảo đảm, cơ bản giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam.
Các công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, điện, nhất là các dự án đường cao tốc được đẩy nhanh tiến độ; tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi 12 dự án đầu tư thua lỗ, nay đã có một số dự án sản xuất – kinh doanh có lãi; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch, giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tích cực…
Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, lo lắng: Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động chưa có chiều hướng giảm, công nhân lao động bị ngừng việc, nghỉ việc, rút bảo hiểm xã hội một lần tăng; giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giá điện, vé máy bay tiếp tục tăng; tiêu thụ nông, lâm, thủy sản còn khó khăn, kinh tế du lịch phục hồi chưa vững chắc, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn chậm; giá các mặt hàng thiết yếu vẫn cao trong khi tiền lương chưa tăng, phần nào ảnh hưởng đến đời sống của những người làm công, ăn lương và lao động thiếu việc làm, thu nhập không ổn định.
Bên cạnh đó, cử tri và Nhân dân vẫn còn lo ngại về tình trạng thiếu một số vật tư, thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.
Chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở còn thấp, vẫn còn tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trung ương; vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc ở các bếp ăn tập thể, việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng sự thật, gây bức xúc dư luận xã hội, chưa được quan tâm xử lý nghiêm minh.
Công tác tiếp dân, giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân ở nhiều địa phương sau giám sát của Quốc hội, MTTQ Việt Nam và HĐND các cấp đã có chuyển biến hơn, tỷ lệ giải quyết đơn thư kiến nghị, khiếu nại đạt khá cao.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Chiến, cử tri và Nhân dân còn băn khoăn, trăn trở về kỷ luật, kỷ cương hành chính có nơi, có việc chưa nghiêm; vẫn còn một số thủ tục hành chính không còn phù hợp nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TH.
Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện chính sách tiền lương mới từ 1/7
Trước ý kiến của cử tri, đặt trong bối cảnh, tình hình hiện nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam kiến nghị Đảng, Nhà nước cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, tuyên truyền thống nhất nhận thức, tạo đồng thuận cao hơn nữa trong cán bộ, công chức, viên chức nhất là trong các tầng lớp nhân dân về các chủ trương phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…;
Kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm minh đối với tổ chức, cá nhân lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, làm “nhiễu” thông tin, nhất là các thông tin “xấu, độc”, “bôi nhọ” làm giảm sút uy tín của tổ chức và cá nhân lãnh đạo, ảnh hưởng đến sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Đồng thời, kiến nghị với Đảng, Nhà nước chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn để hạn chế các doanh nghiệp rời khỏi thị trường, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, vì thách thức về việc làm, thu nhập cho người dân đang là vấn đề nổi lên khá gay gắt; có giải pháp đồng bộ, căn cơ cung cấp đủ nước sinh hoạt cho Nhân dân và đảm bảo cho sản xuất ở một số vùng khó khăn, như: ở vùng núi, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, có thể hiểu nước sinh hoạt là mặt hàng thiết yếu, cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để đảm bảo đời sống của Nhân dân.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan chức năng rà soát các văn bản hướng dẫn, các điều kiện “cần và đủ” để triển khai thực hiện chính sách tiền lương mới từ 01/7/2024. Trong đó, cần quan tâm giải quyết kịp thời bất cập, vướng mắc phát sinh để chính sách tiền lương mới thực sự động viên cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận được 63/63 báo cáo phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố; 37/63 báo cáo của các đoàn đại biểu Quốc hội; 23 báo cáo của các tổ chức thành viên; 16 ý kiến, kiến nghị của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, với tổng số 1.502 lượt ý kiến.
|
Theo Vy Anh/ĐCSVN.vn
Link bài gốc