Sáng nay, Uỷ ban Chỉ đạo Quốc gia về thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã tổ chức kỳ họp thứ nhất theo hình thức trực tuyến toàn quốc để đánh giá tình hình 5 năm triển khai thực hiện chiến lược này và phương hướng thực hiện giai đoạn tiếp theo. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Uỷ ban Chỉ đạo; Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên & môi trường Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì kỳ họp. Đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh – Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Theo chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam thì đến năm 2030 kinh tế của 28 tỉnh, thành phố ven biển ước đạt 65-70% GDP cả nước. Trong giai đoạn 2011-2022, tăng trưởng bình quân các tỉnh ven biển là 6,95%/năm cao hơn so với Trung bình chung cả nước.
Điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội của các địa phương vùng biển đã có sự chuyển biến rõ rệt; công tác quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo được chú trọng. Du lịch biển phát triển nhanh chóng, khẳng định được vị thế, vai trò của du lịch biển trong phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.
Điểm cầu Hà Tĩnh
Kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, các tài nguyên khoáng sản, thuỷ sản, năng lượng tái tạo được đầu tư, khai thác có hiệu quả, đóng góp lớn vào kinh tế chung cả nước.
Đồng thời, công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng biển và ven biển; bảo vệ môi trường; phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm quốc phòng, an ninh; hợp tác quốc tế biển…được triển khai thực hiện đồng bộ.
Tại kỳ họp, các đại biểu cũng đã nêu lên một số khó khăn và đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kết luận hội nghị
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương có biển tiếp tục tập trung triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong đó từ nay đến năm 2030 cần tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa hệ thống đô thị biển; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; kết nối phát triển kinh tế biển giữa các vùng, địa phương; khuyến khích đầu tư phát triển, hình thành các trung tâm năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng, an ninh; chú trọng khai thác và nuôi trồng thủy sản.
Khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch không gian biển quốc gia; đâỷ mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển. Đồng thời khai thác hiệu quả đa dạng loại hình dịch vụ du lịch biển; tuyên truyền các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế biển; xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hình thành cơ sở dữ liệu thông tin biển quốc gia./.
Thanh Quý, Trần Khánh/HTTV