Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 22/12/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới” được ban hành đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để đưa văn hóa lên tầm cao mới.
Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở VH-TT&DL về công tác triển khai nghị quyết.
Ông Bùi Xuân Thập – Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh.
P.V: Là đơn vị chủ quản ngành văn hóa, sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 22/12/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới”( sau đây gọi là Nghị quyết số 18) được ban hành, Sở VH-TT&DL đã tiến hành các bước triển khai như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Xuân Thập: Sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 18, Sở VH-TT&DL đã và đang tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Để xây dựng kế hoạch, chúng tôi đã lấy ý kiến từ các đơn vị, cơ sở để có thể xây dựng các nội dung một cách sát thực tiễn và toàn diện trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết.
Trong đó, kế hoạch tập trung vào các nội dung trọng tâm như: Xây dựng con người Hà Tĩnh phát triển toàn diện; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa; bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển ngành công nghiệp văn hóa đồng thời đưa ra 4 giải pháp chính để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên.
Về phía trách nhiệm là đơn vị chủ quản ngành văn hóa, sở tập trung vào 5 nhiệm vụ cốt yếu. Đó là chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tham mưu hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực văn hóa trên địa bàn tỉnh theo quy định; tổng hợp, rà soát đề xuất danh mục dự án đầu tư, các nội dung nhiệm vụ thực hiện; xây dựng kế hoạch, kinh phí bảo đảm phù hợp với chương trình tổng thể, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và khả năng thu hút các nguồn lực.
Đồng thời trực tiếp tham mưu tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển các ngành thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của sở đã được UBND tỉnh phê duyệt.
Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm các danh nhân văn hóa dòng họ Nguyễn Huy và đón bằng di sản Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc Chương trình ký ức thế giới Châu Á – Thái Bình Dương, năm 2023.
Cùng với đó, sở cũng tiến hành tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách; bổ sung hoàn thiện các chính sách đặc thù trong thu hút, đãi ngộ, đào tạo nguồn nhân lực như: chính sách hỗ trợ sáng tác công trình, tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật; đãi ngộ, tôn vinh các nghệ nhân dân gian, các tổ chức, cá nhân có công gìn giữ, trao truyền và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng các công trình văn hóa, du lịch…
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Ban (thứ 3 từ trái sang) được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021-2023.
Trong vai trò của mình, sở sẽ thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn, đảm bảo thực hiện hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Nghị quyết số 18. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, thị xã có liên quan tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm thực hiện kế hoạch; tổng kết việc thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh theo quy định. Phối hợp với Sở KH&ĐT Sở Tài chính cân đối và bố trí ngân sách Nhà nước hằng năm cho lĩnh vực văn hóa để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của kế hoạch.
P.V: Theo ông, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18 giúp Sở VH-TT&DL tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nào trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa hiện nay?
Ông Bùi Xuân Thập: Do nhiều yếu tố, thực tiễn việc triển khai các nhiệm vụ về phát triển văn hóa của Hà Tĩnh những năm qua gặp khá nhiều khó khăn. Trong đó có một số nguyên nhân như: thiếu nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa; một số cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến lĩnh vực văn hóa, việc lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt; thiếu chiến lược tổng thể khai thác, phát huy giá trị văn hóa, phẩm chất con người. Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển văn hóa chưa cao; công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lĩnh vực văn hóa chưa được quan tâm đúng mức…
Do chưa được xây dựng riêng, hiện Bảo tàng Hà Tĩnh thiếu chỗ trưng bày, bảo quản hiện vật. Trong ảnh: 2 súng thần công là bảo vật quốc gia được bảo quản tại nhà kho trưng dụng của Bảo tàng tỉnh.
Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 18 ra đời đã đặt ra các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những hạn chế đó. Đặc biệt, nghị quyết đã đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ như: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội, tham gia của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới; ban hành các cơ chế, chính sách, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh; tạo dựng, phát triển các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, du lịch đặc sắc…
Với những giải pháp cụ thể và sát thực với tình hình hiện nay, chúng tôi tin tưởng sau khi Nghị quyết số 18 được triển khai sẽ tháo gỡ được những khó khăn, hạn chế trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển văn hóa thời gian qua.
P.V: Để Nghị quyết số 18 thực sự phát huy vai trò, đi vào đời sống, cơ sở cần làm gì, thưa ông?
Ông Bùi Xuân Thập: Nghị quyết số 18 ra đời thể hiện tầm nhìn mới với nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới. Vì vậy, để thực hiện thành công các nội dung nghị quyết, yếu tố tiên quyết là cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong triển khai các nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền và chủ thể người dân cần nhận thức đúng và đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của quê hương, đất nước; quan tâm, chú trọng xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững của địa phương, “văn hóa phải hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội”. Qua đó góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Dù nỗ lực nhưng thiếu nguồn lực nên hiện, hệ thống thiết chế văn hóa các cấp được đầu tư khang trang hiện đại chưa nhiều. Trong ảnh: Nhà văn hóa cộng đồng thôn Nam Bắc Thành (Cẩm Thành, Cẩm Xuyên).
Cụ thể: Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở VH-TT&DL triển khai các nhiệm vụ của kế hoạch thực hiện nghị quyết; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, xây dựng môi trường văn hóa trong lĩnh vực, ngành phụ trách. Các huyện, thị xã, thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tại địa phương, đơn vị.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phát triển sự nghiệp văn hóa. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả nội dung kế hoạch. Hằng năm lập kế hoạch và cân đối ngân sách bảo đảm cho đầu tư xây dựng và tổ chức hoạt động của các thiết văn hóa trên địa bàn. Phối hợp với các ngành của tỉnh quy hoạch đất xây dựng các thiết chế văn hóa. Có kế hoạch bố trí đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa. Chủ động phối hợp với cơ quan chủ trì kế hoạch triển khai các nhiệm vụ liên quan…
P.V: Xin cảm ơn ông!
Thiên Vỹ
(Thực hiện)