Để chuẩn bị cho lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, từ cuối năm 2023, nhiều phần việc đã được huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) triển khai. Đến nay, công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, sẵn sàng chờ ngày khai hội.
Các hoạt động được triển khai tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.
Năm nay, lễ hội Hải Thượng Lãn Ông sẽ được tổ chức từ ngày ngày 22-24/2/2024 (tức ngày 13 – 15 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Lễ hội là một trong những hoạt động hướng tới kỷ niệm 300 năm ngày sinh (1724-2024), tưởng niệm 233 năm ngày mất (1791-2024) của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Các băng rôn, pano được treo tại trục đường chính nhằm quảng bá, tuyên truyền về lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.
Ngay từ trước tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, huyện Hương Sơn đã tổ chức treo hệ thống pano, áp phích, băng rôn, cờ, trang trí tiểu cảnh, thảm hoa, cây cảnh… tạo điểm nhấn, nhất là các khu vực trung tâm nhằm tuyên truyền cho lễ hội.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cũng đã và đang được các địa phương trên toàn huyện tổ chức nhằm chào đón năm mới 2024, mừng Đảng, mừng Xuân Giáp Thìn gắn với lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.
Nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác ở thôn Bảo Thượng (xã Quang Diệm) được trồng thêm các loại hoa, trang trí khuôn viên tạo điểm nhấn.
Bà Lê Thị Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Quang Diệm cho biết: “Để chuẩn bị tốt cho lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, địa phương đã bố trí nhân lực làm tốt công tác vệ sinh môi trường, chỉnh trang tuyến đường Hải Thượng Lãn Ông đoạn đi qua xã Quang Diệm và các tuyến đường khác trên địa bàn.
Bên cạnh đó, địa phương cũng đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện thống nhất kịch bản, cơ sở vật chất để tổ chức lễ rước, dâng hương, lễ tế. Chuẩn bị các điều kiện để tổ chức hội thi vật tay nam mở rộng, các trò chơi dân gian phù hợp với không gian văn hóa, lễ hội tại nhà thờ Lê Hữu Trác (thôn Bảo Thượng) từ ngày 20-23/02 (tức từ ngày 11-14 tháng Giêng năm Giáp Thìn)”.
Việc trang trí, sửa sang khuôn viên khu mộ và tượng đài Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác tại xã Sơn Trung đã được hoàn thiện từ trước tết Nguyên đán để đón du khách thập phương tới tham quan, lễ bái.
Tại xã Sơn Trung, đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Trên các trục đường chính của xã, đặc biệt là các tuyến đường dẫn tới khu mộ của Đại danh y Lê Hữu Trác cũng được vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường đi, treo cờ, băng rôn…
Được biết, xã Sơn Trung đã phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Truyền thông huyện xây dựng kịch bản, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất để tổ chức lễ cúng và dâng hương; lễ rước, lễ tế kỷ niệm 233 năm Ngày mất Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông tại khu mộ vào chiều ngày 22/2 (tức ngày 13 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực bố trí cho hội thi gói bánh chưng, các trò chơi dân gian, giải việt dã leo núi Minh Tự… đã được chuẩn bị chu tất.
Huyện Hương Sơn đã chuẩn bị thuyền và các điều kiện cơ sở vật chất khác nhằm tổ chức tốt nhất hội đua thuyền tại lễ hội Hải Thượng Lãn Ông.
Tại Sơn Giang, các điều kiện để tổ chức hội đua thuyền trên sông Ngàn Phố, các trò chơi dân gian trong thời gian từ ngày 20-23/02/2024 (tức ngày 11-14 tháng Giêng) cũng đã được chuẩn bị chu tất. Được biết, hội đua thuyền năm nay có sự tham gia của 25 đội nam và 14 đội nữ đến từ xã, thị trấn trên toàn huyện.
Háo hức, phấn khởi khi được tham gia đội đua thuyền của xã Sơn Bằng, ông Phạm Đình Xất, chia sẻ: “Năm nay, đội đua thuyền nam xã Sơn Bằng sẽ so tài cùng với 24 đội đua thuyền trong toàn huyện, hiện chúng tôi đang rất chờ mong đến ngày khai hội. Ngay từ trước tết Nguyên đán Giáp Thìn, đội chúng tôi đã tranh thủ thời gian luyện tập trên sông Ngàn Phố. Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị chu đáo, đội đua thuyền xã Sơn Bằng sẽ đạt kết quả tốt trong giải đua năm nay”.
Đến nay, chùa Tượng Sơn đã chuẩn bị chu đáo, đầy đủ các điều kiện để tổ chức lễ cầu an.
Bên cạnh sự chuẩn bị tích cực, chu đáo của các địa phương, chùa Tượng Sơn (xã Sơn Giang) cũng đã hoàn tất kế hoạch tổ chức lễ cầu an tại chùa. Theo đó, lễ cầu an, cầu sức khỏe tại chùa Tượng Sơn sẽ được tổ chức vào tối ngày 23/2 (tức ngày 14 tháng Giêng).
Lễ cầu an, cầu sức khỏe dự kiến sẽ có nhiều người dân, phật tử tham gia, vì thế, chùa Tượng Sơn đã bố trí lại không gian, trang trí các tiểu cảnh, tạo điểm nhấn cho khu vực nhà chùa. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các hoạt động tuyên truyền về lễ hội thông qua các pano, băng rôn… và trên mạng xã hội để tạo sự lan tỏa.
Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, hi vọng lễ hội Hải Thượng Lãn Ông sẽ diễn ra thành công và để lại những ấn tượng đẹp trong lòng du khách. Việc tổ chức lễ hội sẽ góp phần giới thiệu về những giá trị di sản và tiềm năng lợi thế của huyện Hương Sơn để thu hút các tầng lớp nhân dân và du khách tới tham quan, lễ bái. Thông qua các hoạt động trong khuôn khổ lễ hội cũng sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ.
Tới thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội Hải Thượng Lãn Ông cơ bản đã hoàn tất, các địa phương, đơn vị đã sẵn sàng cho ngày khai hội. Bên cạnh đó, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho lễ hội cũng đã và đang được tích cực triển khai nhằm quảng bá hình ảnh tới gần hơn với người dân.
Tin rằng, với công tác chuẩn bị chỉn chu, lễ hội sẽ thành công tốt đẹp, góp phần lan tỏa hình ảnh về văn hóa, con người Hương Sơn tới du khách mọi miền. Đồng thời, nâng tầm vị thế của lễ hội Hải Thượng Lãn Ông, hướng tới sự kiện kỷ niệm 300 năm ngày sinh của Đại danh y vào cuối năm 2024.
Anh Thùy