Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng dịp cận tết tăng đột biến, nhiều người dân Hà Tĩnh đã ưu tiên lựa chọn hình thức thanh toán online để giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận lợi.
Tết này, gần như các giao dịch mua bán của chị Trần Thị Trang (thị trấn Nghèn, Can Lộc) đều được triển khai theo hình thức điện tử.
Chị Trang chia sẻ: “Năm nay, tôi mới sinh em bé nên ưu tiên đi chợ online để sắm tết. Theo đó, mọi mặt hàng từ lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, hoa quả… đều được các cửa hàng chuyển đến tận nhà và tôi chỉ việc thanh toán qua tài khoản. Nhờ sắm tết online, thanh toán qua mạng nên tôi không phải đi lại mua bán và có nhiều thời gian để chăm sóc con cái hơn”.
Người dân Hà Tĩnh ưu tiên sử dụng mua sắm, thanh toán online trong dịp tết.
Chị Lê Thị An (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cũng ưu tiên sử dụng hình thức thanh toán online. “Tôi nhận thấy chuyển tiền qua số tài khoản, quét mã QR… là các hình thức thanh toán hiện đại, không chỉ giúp giao dịch diễn ra nhanh chóng, thuận tiện mà còn giúp mình quản lý được số tiền chi tiêu, sinh hoạt hằng ngày. Hiện nay, hầu hết các đơn vị, cá nhân kinh doanh buôn bán các sản phẩm trên địa bàn đều sử dụng dịch vụ thanh toán online nên mọi giao dịch mua sắm diễn ra khá thuận lợi” – chị An cho hay.
Hoạt động thanh toán online không chỉ mang mại tiện ích cho người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp, cơ sở.
Anh Trần Đình Chung – Cán bộ phụ trách Marketing, siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh thông tin: “Những ngày cận tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lượng khách hàng giao dịch mua sắm tại siêu thị tăng đột biến. Tuy vậy, nhờ chủ động các giải pháp, liên kết với các ngân hàng, nhà mạng tổ chức các hình thức thanh toán hiện đại nên hoạt động thanh toán tại siêu thị diễn ra thông suốt, không gây ùn tắc”.
Sử dụng hình thức thanh toán online giúp hoạt động mua bán tại siêu thị Co.opmart Hà Tĩnh diễn ra thuận lợi.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Hà – Trưởng phòng Dịch vụ khách hàng, Vietcombank Hà Tĩnh: Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số, như: ví điện tử, mobile banking, internet banking, mã QR, thanh toán qua đơn vị chấp nhận thẻ hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng.
Thực tiễn cho thấy, việc thanh toán không dùng tiền mặt giúp hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình mua bán hàng hóa và dịch vụ. Đến nay, có khoảng 212.000 khách hàng của Vietcombank Hà Tĩnh đăng ký sử dụng Vietcombank Digibank, chiếm khoảng 60% tổng số khách hàng cá nhân toàn chi nhánh. Không chỉ người dân ở thành phố, thị xã, thị tứ mà các khu vực nông thôn cũng đã bắt đầu bắt nhịp với hình thức thanh toán hiện đại này, nhất là trong dịp tết.
Khách hàng khi đến giao dịch tại Vietcombank Hà Tĩnh đều được nhân viên khuyến khích sử dụng ngân hàng điện tử.
Bà Phan Thị Minh Thái – Trưởng phòng Dịch vụ Khách hàng – Kho quỹ, Bắc Á Bank Hà Tĩnh cho biết: “Chi nhánh hiện đang phục vụ hơn 12.000 khách hàng, trong đó số lượng khách hàng sử dụng các dịch vụ trên ngân hàng điện tử ngày càng gia tăng, nhất là dịp tết Nguyên đán. Thời gian qua, Bắc Á Bank đã chú trọng nâng cấp giao diện ngân hàng điện tử theo hướng tiện ích, giúp khách hàng dễ thao tác sử dụng và triển khai các chương trình ưu đãi khi khách hàng sử dụng giao dịch trên ngân hàng điện tử”.
Theo ghi nhận, tất cả ngân hàng trên địa bàn Hà Tĩnh đều đã chú trọng các giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt như: phối hợp với chính quyền địa phương các cấp tổ chức ngày hội chuyển đổi số, đồng loạt ra quân phủ sóng mã QR, ưu tiên về tài chính khi mở và duy trì số dư tài khoản…
Nhân viên Bắc Á Bank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025.
Theo đó, các ngân hàng thương mại đã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động thanh toán; áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán. Cùng đó, các tổ chức tín dụng không ngừng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng, nhất là khu vực nông thôn; tăng cường giới thiệu, quảng bá, hướng dẫn khách hàng mở tài khoản, giao dịch thanh toán qua các phương tiện điện tử, nhất là người dân khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Thảo Hiền