Ngay sau khi Đảng lãnh đạo Nhân dân giành được độc lập cho dân tộc, để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chính trị, chào đón niềm vui lớn của dân tộc, Xuân Diệu viết liền hai bản trường ca “Ngọn Quốc kỳ” và “Hội nghị non sông”.
Việc treo cờ Tổ quốc, cờ Đảng là thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; là ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân.
Cách mạng tháng Tám đã tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ, cuốn cái tôi lãng mạn của Xuân Diệu đến với ngọn gió cách mạng đang rào rạt thổi trên đất nước mới hồi sinh. “Ngọn quốc kỳ”, khúc tráng ca gồm 300 câu thơ được mở đầu bằng điệp khúc âm thanh diễn tả tiếng reo vui trong tâm hồn nhà thơ, cũng là không khí chung của hàng triệu triệu người trước ngọn cờ độc lập: “Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo/ Mây bay, mây bay, mây hồng tươi sáng/ Gió ca trên non, gió ngợi trên đèo… Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt… Gió đã lên! Gió dậy khắp sơn hà!/ Gió đã nổi! Gió thổi cờ vun vút/ Như tất cả ngọn sóng triều ngùn ngụt/… Một luồng vui căng hết ngực thanh niên/ Những men mới trộn vào lòng đất nước…”.
Vẫn là những hình ảnh gió mây, núi sông hoa cỏ nhưng chúng không chỉ tắm trong trí tưởng tượng, men say cuộc đời của cái tôi lãng mạn mà tồn tại một cách đầy hiện thực, đầy sức sống trong cái nhìn mới, tâm thế mới. Mỗi câu thơ trong “Ngọn quốc kỳ” đều dâng tràn niềm phấn khích, náo nức tột độ trước hình ảnh mới của đất nước, sức sống mới của dân tộc được biểu tượng qua ngọn quốc kỳ, lá cờ đỏ sao vàng: “Mấy phen từng gian khổ với chua cay/ Có một buổi cờ về Hà Nội/ Về ngự trị ở trên đài sáng chói/ Giữa dân gian trong những tiếng hoan hô…”.
Cờ Tổ quốc được treo trang trọng trên những tuyến đường ở các miền quê của Hà Tĩnh để chào đón những ngày lễ lớn của đất nước.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho độc lập dân tộc, sức mạnh của Đảng, những người chiến sĩ cộng sản, dân quân, du kích đã trải qua biết bao hy sinh đổ máu, vượt qua những tháng ngày gông cùm xiềng xích đen tối nhất mới giành lại được. Dựa trên hình tượng, chủ đề đó, nhà thơ triển khai mạch trữ tình mang âm hưởng anh hùng ca nhằm hướng tới khái quát được chặng đường gian khổ đi tới thắng lợi rực rỡ của dân tộc, lý giải sức mạnh chiến thắng của cuộc cách mạng.
Ánh sáng chân lý của Đảng đã soi đường, đã tạo nên sức mạnh chính nghĩa lớn lao quy tụ được sự đồng lòng của cả dân tộc bước đi trên con đường cách mạng giành độc lập, tự chủ. Theo đó, với “Ngọn quốc kỳ”, lần đầu tiên, những tư liệu lịch sử cùng hình ảnh của hiện thực cuộc sống, các địa danh mang ý nghĩa lịch sử, mang ý nghĩa biểu tượng về sự lãnh đạo của Đảng và những cuộc đấu tranh của Nhân dân trên mọi miền đất nước từ Việt Bắc đến Rạch Giá – Kiên Giang, Sài Gòn – Chợ Lớn, từ Nhị Hà, Cửu Long cho đến Ngự Bình, Tản Viên, Hồng Lĩnh… bước vào thơ ông một cách tự nhiên và gần gũi: “Ai từng nghe nói quân du kích?/ Nhắc đến lòng son tràn cảm kích/ Ôi những chiến sĩ, những anh hùng/ Những kẻ hồn xanh như ngọc bích/ Đi theo tiếng gọi nước non thiêng…”.
Trên mạch cảm hứng cuồn cuộn chảy chứa đựng “niềm vui bất tuyệt”, những suy tư về đất nước, về Nhân dân được nhà thơ khái quát và lý giải sâu sắc: “Ôi lịch sử! Mấy ngày tháng Tám/ Khắp Việt Nam cờ mọc với lòng dân/… Những cửa lều xơ xác cũng ra hoa/ Trên gốc cũ nảy một chồi sống mới/… Một trăm năm tan nát tựa mù sương!/ Việt Nam! Việt nam! Cờ đỏ sao vàng!/ Những ngực nén hít thở ngày độc lập… Bốn nghìn năm, trông mặt Mẹ không già/ Chúng con vẫn sẵn một lòng trẻ ấy”. Có thể nói đây là trường ca dài hơi đầu tiên viết về Cách mạng tháng Tám và sức mạnh của Đảng, của những người chiến sĩ cách mạng và những người dân cần lao. Những câu thơ đậm chất triết lý này của Xuân Diệu về Đảng, đất nước, Nhân dân được các nhà thơ trẻ thế hệ chống Mỹ kế thừa, triển khai hoàn thiện hơn trong các trường ca viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ngọn Quốc kỳ là sự sống của người dân Việt Nam ở trong tôi, là mối tình đầu của tôi với những ngày đầu của chính quyền Nhân dân cách mạng…”.
Xuân Diệu đã thuyết minh thêm về trạng thái tâm hồn say sưa ngây ngất không khí cách mạng khi viết về hoàn cảnh ra đời của trường ca “Ngọn quốc kỳ”: “Những ngày thứ nhất ấy, tất cả tươi mới trong lòng người, trên đất nước như tập trung hiện bật lên trên lá cờ đỏ sao vàng, chúng ta đã say ngọn quốc kỳ độc lập, tự do như say men rượu (…). Ngọn quốc kỳ là sự sống của người dân Việt Nam ở trong tôi, là mối tình đầu của tôi với những ngày đầu của chính quyền Nhân dân cách mạng…”. \
Từ sự vồ vập và những đắm đuối trong tình yêu của cái tôi lãng mạn đến niềm phấn khích, say mê với lý tưởng, cuộc hồi sinh mới của đất nước, Nhân dân đều là biểu hiện thống nhất của một trái tim chân thành và thủy chung rất mực với đời, với những đổi thay tươi mới từ cuộc sống. Vì thế, Xuân Diệu, chứ không phải ai khác đã chào đón cách mạng bằng tất cả niềm xúc động và say mê của mình. Lần đầu tiên trong văn học hiện đại, hình tượng đất nước, dân tộc như một hình tượng thẩm mỹ, được khắc họa trong một tầm vóc lớn lao, sâu rộng và với dung lượng dài hơi của một thể loại trường ca.
Nguyễn Thị Nguyệt