Các địa phương ở Hà Tĩnh đang tập trung đốc thúc bà con nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất lúa xuân đảm bảo khung lịch thời vụ.
Can Lộc là địa phương dẫn đầu về tiến độ sản xuất lúa xuân ở Hà Tĩnh đến thời điểm này. Với diện tích 9.167 ha lúa, huyện đã hoàn thành gieo cấy 7.854 ha, đạt tỷ lệ 85,7%.
Năm nay, huyện Can Lộc tiếp tục tập trung tích tụ ruộng đất gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, hữu cơ, hàng hóa với hơn 5.900 ha lúa sản xuất tập trung. Địa phương cơ cấu các giống như: Nếp 98, Hà Phát 3, Bắc Thịnh, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, HT1…. Để hạn chế rủi ro trong sản xuất, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn cơ cấu 1 giống quá 30% diện tích gieo, cấy và phải đa dạng về chủng loại loại giống dựa trên thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng, tính chống chịu, đặc biệt là bệnh đạo ôn.
Huyện Cẩm Xuyên có diện tích sản xuất lúa vụ xuân 2024 lớn nhất tỉnh với 9.560,1 ha. Vụ này, địa phương mở rộng diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng công nghệ máy cấy, mạ khay liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp tại các xã Cẩm Bình, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Thành, thị trấn Cẩm Xuyên với tổng diện tích 85 ha. Với mô hình liên kết này, người dân được doanh nghiệp cung ứng đầu vào sản xuất và bao tiêu đầu ra sản phẩm.
Tham gia liên kết sản xuất tại Cẩm Xuyên, Công ty CP Hòa Lạc IEC (Thạch Hà) đã tổ chức bắc mạ tập trung tại xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) trên tinh thần đồng nhất một loại giống ST25. Đây là giống lúa có khả năng chịu mặn, kháng đạo ôn cấp 2 và bệnh bạc lá tốt, cho chất lượng gạo ngon.
Khi mạ đạt tiêu chuẩn, Công ty CP Hòa Lạc IEC vận chuyển ra đồng ruộng và huy động máy cấy giúp nông dân Cẩm Xuyên giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất, tạo ra sản phẩm lúa gạo hữu cơ chất lượng cao để phục vụ thị trường.
Là hộ dân sản xuất quy mô lớn, anh Trần Hữu Toàn (thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình) chia sẻ: “Với diện tích 16 sào, trước đây gia đình tôi phải mất cả tuần để xuống giống song hiện nay mùa vụ trở nên nhẹ nhàng. Doanh nghiệp không chỉ cung ứng giống, dịch vụ cấy mà còn cho nông dân chậm trả chi phí và thu mua sản phẩm vào cuối vụ. Đây là động lực để bà con bám đồng ruộng, mở rộng diện tích lúa hữu cơ, nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp“.
Vụ xuân năm nay, huyện Thạch Hà tập trung sản xuất 7.970 ha lúa, đến nay đã hoàn thành 3.058 ha, đạt gần 38% diện tích. Vụ này, địa phương tiếp tục cơ giới hóa đồng bộ các khâu nhằm giảm áp lực mùa vụ từ sản xuất đến thu hoạch.
Để nhân rộng diện tích giống lúa mới, chất lượng cao như: Bắc Thịnh, Hà Phát 3, BT09, Hana số 7…, huyện Thạch Hà đã hỗ trợ chi phí mua giống, tạo động lực để nông dân bám đồng ruộng, gia tăng hiệu quả sản xuất.
Thời điểm này, nông dân thành phố Hà Tĩnh cũng đang “chạy đua” với thời gian để nhanh chóng khép lại diện tích sản xuất 1.368 ha lúa vụ xuân theo khung lịch thời vụ.
Bà Nguyễn Thị Hoan (70 tuổi), trú tại thôn Nam Phú, xã Thạch Trung (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Vụ này, gia đình tôi gieo mạ giống Bắc Thịnh, dự kiến sẽ cấy xong trước tết Nguyên đán. Ra đồng bắc mạ vào thời điểm không khí lạnh đang áp sát nên chúng tôi phải tỉ mẩn che chắn, giằng néo ni lông cẩn thận để tránh thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra“.
Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng bộ giống, từ ngày 10/1/2024 đến ngày 8/2/2024, nông dân các địa phương ở Hà Tĩnh đồng loạt ra đồng để nhanh chóng khép lại hơn 59.107 ha lúa vụ xuân. Năm nay, toàn tỉnh phấn đấu sản lượng lúa vụ xuân phấn đấu đạt 34,2 vạn tấn, năng suất dự kiến đạt trên 57,92 tạ/ha.
Sau khi xuống giống, nông dân tập trung các biện pháp để bảo vệ lúa trước sự phá hoại của chuột. Tất cả công đoạn đều được nhà nông chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, họ mang theo niềm tin, hi vọng về một mùa vụ bội thu, thắng lợi.
Theo ông Phan Văn Huân – Trưởng phòng Trồng trọt (Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh), toàn tỉnh đã hoàn thành sản xuất 25.416 ha lúa xuân, chiếm 43% tổng diện tích; trong đó, diện tích gieo thẳng là 24.595 ha và diện tích cấy là 821 ha. Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo bà con bắc mạ có che phủ nilon 100% diện tích đúng quy trình kỹ thuật để chống rét; khuyến khích cấy mạ non (3 lá), áp dụng phương thức mạ xúc, sử dụng máy cấy đối với những vùng đã hoàn thành chuyển đổi ruộng đất. Đối với vùng gieo thẳng, cần khuyến khích nông dân gieo tăng 5-10% mạ dự phòng góc ruộng có phủ nilon để dặm và chuẩn bị thóc giống ngắn ngày để dự phòng khi rét đậm, rét hại hoặc ngập úng cục bộ gây chết lúa…
Thu Phương – Anh Tấn