Những ngày này, tại kinh đô Paris hoa lệ của nước Pháp, cùng với nhiều hoạt động trong khuôn khổ ngày văn hóa Việt – Pháp nhân kỷ niệm 50 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, thì tại Trụ sở Ủy ban UNESCO, hồ sơ vinh danh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam đã được đặt lên bàn Đại hội đồng, phiên toàn thể lần thứ 42.
Đoàn Hà Tĩnh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà (người ngồi giữa) dẫn đầu, tham dự phiên họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42.
Trong rất nhiều tiêu chí để được UNESCO cùng phối hợp vinh danh, kỷ niệm năm sinh/năm mất, có một tiêu chí rất quan trọng đó là sự ảnh hưởng ở tầm quốc tế của các danh nhân, sự kiện lịch sử. Và ở tiêu chí này, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam rất nổi bật.
Ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, Albert Sallet (1877 – 1948), vốn là bác sĩ quân y phục vụ ở Đông Dương từ năm 1903 đã được Chính phủ Pháp mời cộng tác nghiên cứu dược điển Nam y, tóm tắt dược liệu, các vị thuốc và tài liệu y tế ở miền Trung Việt Nam. Kết quả của sự hợp tác này là năm 1930, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã được Albert Sallet giới thiệu với giới y học và khoa học ở Pháp qua bài viết “Một danh y lớn của An Nam: Hải Thượng Lãn Ông”.
Sách Thượng Kinh ký sự được dịch sang tiếng Pháp năm 1972.
Tiếp sau Albert Sallet là Giáo sư – Bác sĩ Pierre Huard (1901 – 1983) cùng với Maurice Durand (1914 – 1966) thực hiện công trình “Lãn Ông với y học dân tộc Việt Nam” đăng trong Tạp chí Bulletin de la Société d’études indochinoises (1953).
Pierre Huard là bác sĩ, nhà sử học về y học và nhà nhân chủng học, chủ nhiệm một số khoa y (Hà Nội, Paris), Hiệu trưởng Đại học Cocody, ông cũng là một nhà tiên phong trong lịch sử y học. Pierre Huard cũng là người hướng dẫn Nguyễn Trần Huân (1921-2001, người Pháp gốc Việt) thực hiện luận án về Hải Thượng Lãn Ông, bảo vệ năm 1950 với đề tài: Góp phần nghiên cứu trị liệu cổ truyền của Việt Nam (Contribution l“étude de l”ancienne thérapeutique vietnamienne). Maurice Durand là nhà sử học, ngữ văn học, cựu Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Hà Nội, giáo sư sử học và ngữ văn Viện Khảo cứu cao cấp EPHE (Pháp).
Có thể nói, nếu như Albert Sallet là nhà khoa học phương Tây đầu tiên nghiên cứu về di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và giới thiệu nền y học cổ truyền Việt Nam đến với giới nghiên cứu Pháp thì bác sĩ Pierre Huard, các nhà nghiên cứu Maurice Durand, Nguyễn Trần Huân chính là những người đã thúc đẩy các nghiên cứu tiếp theo về Lê Hữu Trác và tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh tại châu Âu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà (thứ 3, từ trái sang) và Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Trương Thanh Huyền (thứ 2, từ trái sang) tặng sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh cho Thư viện thành phố Dinan (Pháp).
Ngoài các tác giả kể trên, rất nhiều công trình nghiên cứu về Hải Thượng Lãn Ông tiếp tục được thực hiện ở Pháp, Đức, Ý, Hà Lan… Tiêu biểu trong đó có thể kể đến như Tâm Langlet – giảng viên Viện Khảo cứu cao cấp (EPHE); Vũ Thịnh Cường ở Trung tâm bệnh viện Đại học Saint-Antoine; Tiến sĩ, bác sĩ Anita Bui ở bệnh viện Hotel-Dieu và Cochin; Tiến sĩ y khoa, bác sĩ Trịnh Thị Hoài Tú – nhà nghiên cứu Annick Guénel ở Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS)…
Tại Trung Quốc, năm 1962, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tặng Thư viện Bắc Kinh, Trung Quốc bộ sách “Tân thuyên Hải Thượng y tông tâm lĩnh toàn trật”. Từ đó về sau, Thư viện Bắc Kinh trở thành một trong những địa chỉ cung cấp tư liệu về bộ sách này cho các thầy thuốc và học giới của các nước châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…).
Trong các công trình nghiên cứu của mình, các tác giả nước ngoài đều đánh giá rất cao về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Trong cuốn sách L’Officine sino-annamite en Annam (Nhà thuốc cổ truyền ở An Nam), quyển I: Thầy thuốc người An Nam và việc chuẩn bị các phương thuốc, Albert Sallet đã viết: “Trong quá trình nghiên cứu dược liệu An Nam, tôi tiếp xúc thường xuyên với công việc của Hải Thượng”.
Albert Sallet đã từng về Hương Sơn (Hà Tĩnh) để tìm hiểu về Hải Thượng Lãn Ông: “Khu vườn nơi ngôi nhà nơi ông ấy ở, tại Bầu Thượng, được gọi là vườn đào. Từ khi tồn tại nơi này của vị danh y giờ chỉ còn lại một gò đất và một cái ao. Trên gò đất, ông ấy thường treo một dải vải dài ở đỉnh cột, mà sự hiện diện của nó chỉ có một mục đích, đó là chỉ cho người thầy thuốc biết được hướng gió (để điều chế thuốc) và các thông tin chỉ dẫn liên quan…”.
Quần thể Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bao gồm khu mộ và tượng đài tại thôn Hải Thượng (xã Sơn Trung). Ảnh: Đình Nhất
Pierre Huard và Maurice Durand thì nhận định: “Lãn Ông (cũng như Tuệ Tĩnh và nhiều nhà Đông y Việt Nam) mặc dù hấp thu sâu nền văn hoá Trung Hoa nhưng có tinh thần phê phán… Họ đã không chấp nhận tất cả các lý thuyết và cách điều trị Trung y, họ đã biến đổi nó dựa vào nguồn dược liệu thực vật, khoáng vật… Việt Nam mà họ cho rằng đặc biệt phù hợp với bệnh tật người Việt Nam, họ nhấn mạnh đến sự đối lập giữa y học phương Bắc (thuốc Bắc) và y học phương Nam (thuốc Nam)”.
Tiến sĩ Nguyễn Trần Huân nhận xét: “Ở Lãn Ông người ta có thể tìm thấy sự kết hợp tuyệt diệu giữa nhà Nho có tâm hồn cao thượng của cổ nhân với con người khoa học mà những kiến thức, sự uyên bác và phương pháp luận của nó, các nhà bác học châu Âu không thể mong đợi có hơn được”.
Trương Tú Dân 張 秀 民 (1908 – 2006), (Trung Quốc) hết lời ca ngợi: “Sách Lãn Ông Tâm Lĩnh vừa phong phú, vừa phát huy thêm được học thuyết của Feng Zhaozhang, vì thế có thể gọi ông là người đã tập hợp được kết quả tốt của mọi nhà làm thuốc, phát huy được nhiều điều mà người trước ông chưa phát hiện, có thể gọi ông là bậc “Thánh thuốc” của Việt Nam. Nếu ví Nguyễn Du là J. W. Goethe của Việt Nam, thì ta cũng có thể gọi Lê Hữu Trác là Li Shizhen (Lý Thời Trân, 1518 – 1593) – nhà y học lớn của Trung Hoa đời Minh) của Việt Nam”.
Tượng đài Hải Thượng Lãn Ông nằm trên ngọn núi Minh Tự – nơi gắn liền với cuộc đời làm thuốc, vui thú cảnh núi rừng Hương Sơn của đại danh y.
Hiện nay, bộ sách Hải Thượng y tông tâm lĩnh được đưa vào kho tư liệu của nhiều thư viện ở Pháp và châu Âu, là đề tài của nhiều luận án khoa học tại một số trường đại học trên thế giới. Tập “Thượng Kinh ký sự” cũng đã được Nguyễn Trần Huân dịch ra tiếng Pháp từ năm 1972. Ngoài ra, bộ “Trung Quốc Đại bách khoa toàn thư” và bộ từ điển “Tinh hoa thuật ngữ danh từ Đông y” của Trung Quốc cũng đều nhắc đến Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh của Việt Nam.
Điểm qua một số tác giả và những nhận định, đánh giá nêu trên về Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và tác phẩm Hải Thượng y tông tâm lĩnh cho thấy tầm ảnh hưởng của Đại danh y đã vượt xa khỏi biên giới Việt Nam từ cách đây hàng trăm năm. Những di sản của Hải Thượng Lãn Ông không chỉ được các thầy thuốc, học giả trong nước mà người nước ngoài cũng rất quan tâm, tìm hiểu, nghiên cứu và ứng dụng. Y đức, y lý, y thuật và cách hành xử trước thời cuộc của Lê Hữu Trác đến nay vẫn là bài học, là tấm gương sáng chói để người đời sau noi theo.
Hiện nay, hồ sơ về Lê Hữu Trác đã được tỉnh Hà Tĩnh và các bộ, ngành của Việt Nam xây dựng rất công phu, đã trình lên UNESCO. Tại phiên họp Ủy ban ưu tiên châu Phi và quan hệ đối ngoại (viết tắt là APX, diễn ra vào ngày 8/11/2023), các nước đã nhất trí kiến nghị Đại hội đồng UNESCO lần thứ 42 thông qua danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2024 -2025” để UNESCO cùng vinh danh và tham gia kỷ niệm năm sinh/năm mất, trong đó có Đại Danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác của Việt Nam.
Việc UNESCO cùng phối hợp vinh danh, kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận của các nước trên thế giới.
TS. Nguyễn Tùng Lĩnh
TS. Nguyễn Tùng Lĩnh