Đến hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh đạt hơn 2,28 tỷ USD, tăng 60,2% so với cùng kỳ năm trước và đạt 114% kế hoạch đề ra của năm nay.
Kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm trên 90% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh.
Tháng 10/2023, hoạt động xuất khẩu của Hà Tĩnh đón tín hiệu vui khi kim ngạch đạt 182,6 triệu USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Riêng xuất khẩu từ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã đạt hơn 172,7 triệu USD (chiếm 94,59% kim ngạch xuất khẩu), tăng 6,2% so với tháng trước và tăng đến 60,8% so với cùng kỳ.
Nhìn chung, trong những tháng gần đây, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đều ghi nhận sự tăng trưởng khá. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 10/2023, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 2,28 tỷ USD, tăng 60,2% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng xuất khẩu thép và phôi thép tăng 70,5%, chè tăng gần 2% so với cùng kỳ. Hàng dệt và may mặc gần đây phải đối mặt với khó khăn nhưng tính chung từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng hơn 2%.
10 tháng năm 2023, Công ty CP Chè Hà Tĩnh đã xuất khẩu hơn 1.740 tấn chè khô.
Theo đại diện Công ty CP Chè Hà Tĩnh, thị trường chính của công ty là các nước Trung Đông như Afghanistan, Pakistan, Arab Saudi… Trong 10 tháng, công ty đã xuất khẩu hơn 1.740 tấn chè khô, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4 triệu USD. Chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là kết thúc năm 2023, trong khi kế hoạch xuất khẩu đặt ra là 2.300 tấn chè, đơn vị đang tăng tốc để đạt kết quả cao nhất có thể.
Bên cạnh những mặt hàng có sự tăng trưởng thì trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của nhiều nhóm hàng bị giảm mạnh so với cùng kỳ như: nhóm hàng xơ, sợi dệt (giảm 19,3%); dăm gỗ (giảm 14,8%); thủy sản (giảm 10,8%). Nguyên nhân chính là do tác động của bối cảnh suy thoái nền kinh tế toàn cầu, dẫn đến lượng đơn hàng và giá sản phẩm sụt giảm.
Ông Võ Tá Nghĩa – Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2022, thị trường thép trên thế giới sụt giảm nên sản lượng thép, phôi thép tồn kho cao. Sang năm 2023, sức tiêu thụ khả quan hơn nên xuất khẩu sản phẩm thép, phôi thép tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh chiếm hơn 90% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Do đó, dù một số mặt hàng xuất khẩu khó khăn nhưng kim ngạch xuất khẩu chiếm phần nhỏ nên không tác động lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ vậy, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vẫn tăng trưởng đáng kể.
Ngành may mặc xuất khẩu hiện đang đối mặt với khó khăn do đơn hàng sụt giảm mạnh.
Đến nay, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã đạt 114% kế hoạch năm 2023 đề ra (kế hoạch 2 tỷ USD). Theo tính toán của Sở Công thương, dự kiến, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt khoảng 2,4 tỷ USD, đạt 120% kế hoạch.
Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đang nỗ lực sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu để đạt kết quả cao nhất.
Anh Lê Hữu Sơn – Kế toán trưởng Công ty Trồng rừng và Sản xuất nguyên liệu giấy HANVIHA (Khu kinh tế Vũng Áng) cho biết: “Khoảng nửa đầu năm 2023, ngành dăm gỗ gặp nhiều khó khăn do thị trường thu hẹp, giá sản phẩm giảm mạnh. Khoảng tháng 6 đến nay, thị trường và giá ổn định trở lại, hoạt động xuất khẩu dăm gỗ vì thế cũng có nhiều khởi sắc. Trong 10 tháng, công ty đã xuất khẩu khoảng 110.000 tấn dăm gỗ, kim ngạch xuất khẩu đạt 16 triệu USD, tương đương so với cùng kỳ năm trước. Hiện, công ty đang nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo nguồn hàng để thực hiện mục tiêu xuất khẩu 150.000 tấn dăm gỗ như kế hoạch đã đề ra”.
Xuất khẩu dăm gỗ từ giữa năm 2023 đến nay khởi sắc hơn về thị trường và giá.
Với ngành dệt và may mặc, trong bối cảnh hết sức khó khăn, các doanh nghiệp đang xoay xở bằng nhiều giải pháp như: nhận đơn hàng nội địa, sản xuất theo hướng linh hoạt, đáp ứng đơn hàng nhỏ lẻ, cải thiện chất lượng sản phẩm để có đơn hàng nhằm duy trì sản xuất và giữ chân người lao động, sẵn sàng đón cơ hội khi thị trường phục hồi.
Với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, phát triển hoạt động xuất khẩu trên địa bàn, Sở Công thương tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng tính cạnh tranh; nắm bắt hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là với những ngành khó khăn như dệt may; kịp thời cung cấp thông tin về thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp. Cùng đó, tăng cường xúc tiến thương mại để hỗ trợ tìm kiếm thị trường cho sản phẩm xuất khẩu; tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa…
Ngọc Loan