Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu các địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị chết; hỗ trợ, động viên gia đình bị thiệt hại; đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, già cả neo đơn.
UBND tỉnh vừa ban hành văn bản truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải về việc chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh cùng đoàn đi kiểm tra tình hình mưa lũ và thực trạng hồ đập thủy lợi tại Hà Tĩnh.
Trong các ngày 28/10 đến 31/10/2023, trên địa bàn Hà Tĩnh đã có mưa to, có nơi mưa rất to; gây ngập lụt trên diện rộng. Mưa, lũ đã làm 3 người chết, nhiều cơ sở hạ tầng như: giao thông, thuỷ lợi, thuỷ sản, trường học, trạm y tế… bị thiệt hại nặng hiện chưa thống kê đầy đủ.
Trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, cấp ủy và chính quyền các cấp đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị để ứng phó, huy động hàng trăm cán bộ, chiến sỹ của lực lượng vũ trang và các sở, ban, ngành để tổ chức ứng cứu, sơ tán, cứu trợ khẩn cấp Nhân dân vùng ngập lụt… Do đó, việc tập trung khắc phục các thiệt hại, ổn định cuộc sống cho Nhân dân vùng lũ là yêu cầu cấp thiết.
Thực hiện Công điện số 1034/CĐ-TTg ngày 31/10/2023 của Thủ tướng Chính phủ, để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người bị chết; hỗ trợ, động viên gia đình bị thiệt hại; đặc biệt quan tâm đến các gia đình chính sách, những gia đình già cả neo đơn. Tổ chức cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân ở các vùng bị ngập lụt sâu…
Nước lũ tràn vào nhà dân ở Hương Khê
Đối với các địa phương đang bị ngập lụt tiếp tục bố trí lực lượng canh gác 24/24h, kiểm soát người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, đã sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Nghiêm cấm người dân đánh bắt cá, vớt củi tại các khu vực ngập lụt sâu, không đảm bảo an toàn. Tuyệt đối không để thiệt hại về người do bất cẩn.
Tiếp tục tổ chức rà soát những hộ dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là các hộ ở khu vực đã xảy ra hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu để chủ động các phương án di dời đến nơi an toàn.
Tổ chức khắc phục cơ sở hạ tầng, những công trình giao thông bức thiết như các đường thôn, xóm, các cầu tạm để giải quyết nhu cầu đi lại cho nhân dân; sửa chữa các trường học, trạm xá, bệnh viện để chăm sóc sức khỏe và cho học sinh sớm đi học trở lại.
Huy động lực lượng tại chỗ, các lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn, lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ nhân dân vùng lũ sửa chữa nhà bị hỏng; vệ sinh bốc dọn bùn đất trong nhà, trong trường học, trạm y tế, công sở để từng bước trở lại ổn định cuộc sống bình thường.
Sạt lở khiến đất đá vùi vào vườn nhà dân ở thôn Hợp Đức, xã Hương Minh, huyện Vũ Quang.
Phát động phong trào toàn dân tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, xử lý nước sạch đảm bảo sinh hoạt sau lũ, không để nhân dân thiếu nước uống, nước sinh hoạt; cấp thuốc điều trị, khám chữa bệnh và kiểm soát không cho dịch bệnh bùng phát.
Tổng hợp, đánh giá những thiệt hại do ảnh hưởng của mưa, lũ theo biểu mẫu quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ NN&PTNT và Bộ KH&ĐT về việc hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra. Trường hợp thiệt hại lớn, vượt quá khả năng cân đối, các địa phương, đơn vị đề xuất nhu cầu hỗ trợ gửi Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trước ngày 6/11/2023 để tổng hợp báo cáo BCĐ Quốc gia về phòng chống thiên tai.
Sở TN&MT chủ trì phối hợp Sở Y tế cử cán bộ xuống tận cơ sở để giúp các địa phương bị ngập lụt có các biện pháp xử lý môi trường, chuẩn bị đủ hóa chất để tiêu độc, khử trùng, xử lý môi trường, có biện pháp bảo đảm nước sạch cho dân ăn, uống, sinh hoạt.
Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cử cán bộ xuống tận thôn, xóm bị ngập lụt sâu trực tiếp khám chữa bệnh cho nhân dân; có kế hoạch, phương án tiếp nhận, cung cấp đầy đủ cơ số thuốc và dụng cụ y tế; không để xảy ra dịch bệnh bùng phát và lây lan tại các vùng bị ngập lụt.
Sở GTVT kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hư hỏng các tuyến đường giao thông, cầu, cống trên địa bàn toàn tỉnh đảm bảo yêu cầu sản xuất, đi lại, sinh hoạt của nhân dân trong thời gian sớm nhất; tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các phương tiện trên sông, các bến đò ngang, đò dọc, đặt biển báo những nơi nguy hiểm… để đảm bảo an toàn cho người và các phương tiện.
Đơn vị quản lý đường bộ tiến hành khắc phục các vị trí sạt lở trên tuyến tỉnh lộ 553.
Sở NN&PTNT kiểm tra, đánh giá tình hình thiệt hại công trình thủy lợi, thủy sản, nước sạch nông thôn, nông nghiệp để có các biện pháp chỉ đạo khắc phục kịp thời; tăng cường công tác kiểm tra, đề phòng dịch bệnh xảy ra đối với cây trồng, vật nuôi; tổ chức tiêm phòng, chữa bệnh cho gia súc, gia cầm sau lũ.
Sở GD&ĐT phối hợp với các địa phương bị ngập lụt kiểm tra cụ thể tình hình ngập lụt tại các trường học, mức độ thiệt hại về cơ sở vật chất, sách vở, thiết bị đồ dùng học tập. Trường hợp cấp thiết cần có kế hoạch hỗ trợ cho về sách vở, thiết bị đồ dùng học tập cho học sinh vùng bị thiệt hại để học sinh có thể tiếp tục đến trường học tập.
Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá lại quy trình vận hành, xả lũ của Nhà máy thủy điện Hố Hô (đặc biệt là những tác động tiêu cực do xả lũ trong thời gian qua); tham mưu đề xuất Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT xem xét điều chỉnh quy trình vận hành phù hợp, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến hạ du của việc xả lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng phối hợp với các địa phương bị thiệt hại tổ chức khắc phục hậu quả mưa lũ, sớm ổn định đời sống cho người dân. Tiếp tục duy trì lực lượng, phương tiện để ứng phó với các đợt thiên tai sắp tới.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, dự báo, cảnh báo, cung cấp thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng và các cơ quan có liên quan để kịp thời thông tin đến người dân và phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Các sở, ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chủ động phối hợp với các địa phương để ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Giao Cơ quan thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đôn đốc, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
P.V