Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã tạo ấn tượng cùng những cảm xúc trong lòng khán giả về một nhân cách, tài năng của quê hương Hà Tĩnh.
Video: Trích đoạn ca kịch “Ẩn sỹ núi Bùi Phong”
Chương trình mở màn bằng diễn xướng “Kẻ sỹ La Sơn” do ca sỹ Đăng Thuật – Thu Hà cùng tốp múa Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) Hà Tĩnh thể hiện. Tiết mục tái hiện quê hương núi Hồng, sông La với truyền thống hiếu học và lời ru ví giặm của mẹ đã nuôi dưỡng, hun đúc nên con người và nhân cách Nguyễn Thiếp.
Dưới triều đại Tây Sơn, Nguyễn Thiếp ra phò vua, giúp nước, trở thành vị phu tử của dân tộc ở thế kỷ XVIII. Tiết mục còn là những lời ca của thế hệ hôm nay gửi gắm tấm lòng tri ân đến bậc hiền tài, là nén tâm hương thành kính dâng lên vị danh nhân của dân tộc – La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Trích đoạn ca kịch “Ẩn sỹ núi Bùi Phong” dẫn khán giả trở về với vùng quê xứ Nghệ trên dãy Thiên Nhẫn. Nơi ghi dấu những năm tháng La Sơn phu tử sau khi từ quan đã về đây ẩn cư nhưng lòng vẫn đau đáu với thế sự non sông. Trong ảnh: Hình tượng của La Sơn phu tử được tái hiện qua sự thể hiện của diễn viên Hữu Thể (Nhà hát NTTT Hà Tĩnh).
Diễn viên Thanh Nguyên (Nhà hát NTTT Hà Tĩnh) thể hiện vai người vợ hiền của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là bà Đặng Thị Nghi. Người phụ nữ luôn tần tảo sát cánh bên chồng, luôn mong muốn ông đem tài năng của mình ra giúp đời.
Phân cảnh vua Quang Trung Nguyễn Huệ (diễn viên Dư Quang Hưng thể hiện) bày tỏ sự tha thiết cầu hiền khi 3 lần sai cận thần đến núi Bùi Phong cầu Nguyễn Thiếp ra giúp nước. Trước thái độ xem thường Nguyễn Thiếp của cận thần, ông đã trách mắng và bày tỏ lòng kính trọng với bậc hiền tài.
Đến lần thứ 3, khi Lê Chiêu Thống kéo 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta, vua Quang Trung từ Phú Xuân ra Bắc dẹp giặc, Nguyễn Thiếp mới xuống núi hội kiến. Khi Nguyễn Thiếp diện kiến, vua Quang Trung tỏ rõ sự vui mừng khôn xiết.
Tin tưởng và nghe theo hiến kế của Nguyễn Thiếp, vua Quang Trung quyết định nhanh chóng xuất quân đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giữ nguyên bờ cõi núi sông, giành độc lập cho dân tộc vào mùa xuân 1789.
Khép lại trích đoạn ca kịch “Ẩn sỹ núi Bùi Phong” là ca khúc “Tây Sơn bước chân hào kiệt” của nhạc sỹ Lê Quang, do ca sỹ Tiến Hưng cùng tốp múa Nhà hát NTTT Hà Tĩnh thể hiện. Màn biểu diễn mang âm hưởng hào hùng với những bước chân thần tốc của đội quân Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của vua Quang Trung tiến quân ra Bắc đánh tan quân xâm lược, giành lại bờ cõi Tổ quốc thiêng liêng.
Trích đoạn ca kịch “Phượng Hoàng – Trung Đô” thể hiện khát vọng của vua Quang Trung trong việc chọn đất lập đô để bình định giang sơn. Nhà vua đã triệu Nguyễn Thiếp và hỏi ý kiến của ông. “Được lời như cởi tấm lòng” khi Nguyễn Thiếp chỉ rõ vùng đất Phượng Hoàng – Trung Đô là vùng đất lam sơn tụ khí, vua Quang Trung vô cùng phấn khởi. Ông đã quyết định giao Nguyễn Thiếp cùng các danh sỹ khác chuẩn bị các công việc để xây dựng kinh đô mới.
Ca khúc “Về quê em Hà Tĩnh” của nhạc sỹ Phan Huy Hà và “Hà Tĩnh đất phượng hoàng” của nhạc sỹ An Thuyên do Đăng Thuật, Thu Hà cùng tốp múa Nhà hát NTTT Hà Tĩnh biểu diễn đã khép lại chương trình nghệ thuật kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đầy sâu lắng.
Khán giả theo dõi chương trình nghệ thuật “Danh bất hư truyền” tại Lễ kỷ niệm 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp.
Chương trình nghệ thuật “Danh bất hư truyền” do Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh thực hiện. Nghệ sỹ ưu tú An Ninh làm tổng đạo diễn, nhạc sỹ Quốc Dũng phụ trách âm nhạc; với sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ: Đăng Thuật, Thu Hà, Tiến Hưng cùng các ca sỹ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh. |
Thiên Vỹ