Những giá trị văn hóa, giáo dục, tư tưởng hội tụ đầy đủ trong con người La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (Hà Tĩnh) đã khẳng định ông là một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm, là nhà hiền triết, nhà giáo có vai trò quan trọng đối với nền văn hóa, giáo dục Việt Nam.
Đại biểu tham dự chương trình.
Diễn văn kỷ niệm do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trình bày khẳng định: Hà Tĩnh là vùng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử – văn hoá và cách mạng, thời nào cũng sản sinh ra những bậc hiền tài làm rạng danh quê hương, đất nước; là mảnh đất hội tụ nhiều di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được cả nước và thế giới biết đến.
Một trong những danh nhân nổi tiếng của quê hương Hà Tĩnh là La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp. Ông sinh năm 1723 trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, có nhiều người đỗ đạt thành danh ở làng Mật – xã Nguyệt Ao, nay là xã Kim Song Trường – huyện Can Lộc (Hà Tĩnh).
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Châu trình bày diễn văn lễ kỷ niệm.
Truyền thống của gia đình, dòng họ đã thôi thúc Nguyễn Thiếp chí thú học hành, nghiền ngẫm sách vở. Năm 1743, Nguyễn Thiếp đi thi và đậu Hương giải. Năm 1748, ông dự thi Hội và đậu Tam trường nhưng ông không ra làm quan mà ở nhà đọc sách, dạy học.
Năm 1756, Nguyễn Thiếp nhận chức Huấn đạo ở Anh Đô (Nghệ An). Sau 6 năm làm Huấn đạo, Nguyễn Thiếp được bổ làm Tri huyện Thanh Giang (Thanh Chương – Nghệ An ngày nay). Đến năm 1768, Nguyễn Thiếp xin từ quan, trở về núi Thiên Nhẫn (Nam Đàn – Nghệ An) tiếp tục cuộc sống ẩn cư và dạy học.
Khán giả theo dõi phim tài liệu “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Danh sỹ đất Hồng Lam”.
Qua nhiều năm dạy học trong Nhân dân, uy tín và tiếng tăm của Nguyễn Thiếp ngày càng nức tiếng, lan xa khắp cả nước. Chúa Trịnh đã mời ông ra làm quan nhưng ông từ chối. Chỉ đến khi vua Quang Trung – một lãnh tụ kiệt xuất, có nhãn quan tinh tường, biết quý trọng nhân tài và tiết tháo của kẻ sĩ kiên nhẫn cầu hiền, ông mới nhận lời giúp.
Bằng trí tuệ uyên thâm, lỗi lạc, Nguyễn Thiếp đã phò vua, giúp nước, góp phần quan trọng đánh bại quân Thanh. Sau khi đại thắng quân Thanh, Nguyễn Thiếp đã cùng vua Quang Trung lo việc chấn hưng, xây dựng đất nước.
Ông dốc sức giúp việc thi cử, tuyển chọn nhân tài, chọn đất lập đô. Dưới triều đại Quang Trung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã dành nhiều tâm sức dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức một thời của nước ta.
Chương trình nghệ thuật “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Danh bất hư truyền” là những trích đoạn kịch dân ca, tổ khúc dân ca và các ca khúc đặc sắc. Trong ảnh: Cảnh trong trích đoạn “Kẻ sỹ La Sơn”.
Những giá trị văn hóa, giáo dục, tư tưởng hội tụ đầy đủ trong con người La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp đã khẳng định ông là một nhân cách lớn, một trí tuệ uyên thâm. La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp xứng đáng là một nhà hiến triết, nhà giáo có vai trò quan trọng đối với nền văn hóa, giáo dục Việt Nam cuối thế kỷ XVIII.
Nguyễn Thiếp mất năm 1804. Năm 1994, di tích đền thờ Nguyễn Thiếp tại xã Kim Song Trường – Can Lộc và phần mộ tại xã Nam Kim – Nam Đàn (Nghệ An) đã được xếp hạng di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Năm 2016, cùng với các danh nhân: Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và Đại thi hào Nguyễn Du, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp để đúc tượng và đưa vào thờ tại Văn Miếu Hà Tĩnh.
Tại lễ kỷ niệm, khán giả cũng được tìm hiểu về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của danh nhân qua bộ phim tài liệu “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Danh sỹ đất Hồng Lam”.
Cảnh trong trích đoạn “Hà Tĩnh đất phượng hoàng”.
Chương trình nghệ thuật với với tên gọi “La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Danh bất hư truyền” đã mang đến cho khán giả những trích đoạn kịch dân ca, tổ khúc dân ca và các ca khúc đặc sắc viết về mảnh đất Can Lộc nói riêng, quê hương Hà Tĩnh nói chung như: Về miền nhân kiệt; Kẻ sỹ núi Bùi Phong – “Vua Quang Trung cầu hiền”; Tây Sơn bước chân hào kiệt; Danh bất hư truyền; Hà Tĩnh đất phượng hoàng.
Các tiết mục nghệ thuật nhằm ca ngợi vùng địa linh, nhân kiệt đã sinh ra bậc hiền tài; khắc họa đức tài và sự cống hiến, công lao phò vua, giúp nước của La Sơn phu tử cũng như những đóng góp to lớn của ông với triều đại Tây Sơn.
Chương trình do Nghệ sỹ ưu tú An Ninh làm tổng đạo diễn, nhạc sỹ Quốc Dũng phụ trách âm nhạc; với sự tham gia biểu diễn của các ca sỹ: Đăng Thuật, Lương Nguyệt Anh, Thanh Quý, cùng các ca sỹ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh đã mang đến cho khán giả những cảm xúc sâu lắng, niềm tự hào về lịch sử, truyền thống của quê hương, con người Hà Tĩnh.