Các địa phương ở Hà Tĩnh đã chú trọng phát huy lợi thế hồ đập, sông suối, ao hồ để nuôi, đánh bắt các loại cá, tôm… với sản lượng đạt hơn 9.200 tấn tính đến thời điểm hiện tại của năm 2023.
Mô hình nuôi cá lồng bè cho thu nhập cao trong lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang của ông Ngô Văn Minh (thị trấn Vũ Quang).
Tận dụng lợi thế mặt hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang rộng lớn, chất lượng nước tốt, cách đây 3 năm, ông Ngô Văn Minh ở tổ dân phố 4, thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang) đã mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng để nuôi cá lồng bè. Mô hình của ông chủ yếu nuôi cá leo, cá trắm, cá chép trong 14 lồng nhựa, hằng ngày cho ăn bằng nguồn tôm, cá nhỏ đánh bắt ngoài tự nhiên và bổ sung bằng thức ăn công nghiệp.
Ông Minh chia sẻ: “Mỗi năm, tôi thả nuôi 2 lứa cá trắm và cá chép, 1 lứa cá lăng. Mỗi lứa từ 500 – 2.000 con cá giống (tùy loại cá) trong 1 lồng bè thể tích 120 m3. Khi xuất bán, mỗi lồng có sản lượng khoảng 1 tấn sản phẩm, được tiêu thụ ở thị trường cả trong và ngoài tỉnh. Nếu thuận lợi, trừ chi phí sản xuất, mỗi năm lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng”.
Người dân Vũ Quang đánh bắt các loại cá nước ngọt quanh khe suối chảy ra lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang.
Ông Lê Ngọc Trung – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang thông tin: “Phát huy lợi thế vùng lòng hồ Ngàn Trươi – Cẩm Trang, 50 hộ dân trên địa bàn đã làm lồng bè nuôi cá lăng, cá leo, cá chép, cá trắm, cá mè… Các hộ này đã liên kết với nhau thành lập 1 HTX và 4 THT để thuận lợi cho sản xuất, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm thị trường, bảo vệ môi trường sản xuất. Để khuyến khích sản xuất, thị trấn đã có chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng/lồng bè và luôn tạo điều kiện thuận lợi nhất để bà con làm ăn”.
Với lợi thế có hồ chứa đa mục tiêu lớn thứ 3 toàn quốc và hệ thống đập thủy lợi, ao hồ tự nhiên, sông ngòi, khe suối dày đặc, những năm gần đây, Vũ Quang đã đẩy mạnh hoạt động nuôi, đánh bắt thủy sản. Hiện nay, cùng với sản lượng đánh bắt ngoài tự nhiên đạt khoảng 85 tấn/năm, huyện miền núi này còn duy trì 166 ha lồng nuôi, ao nuôi, cho sản lượng 144 tấn/năm; riêng từ đầu năm đến nay, nuôi được 108 tấn, khai thác được 65 tấn.
Người dân thị trấn Xuân An (Nghi Xuân) đánh bắt cá trên sông Lam.
Cùng với Vũ Quang, các địa phương khác trong toàn tỉnh cũng đã tận dụng các tiềm năng, lợi thế vốn có để duy trì sản lượng khai thác và đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng vùng nước ngọt. Trong vùng nội địa ngày càng có nhiều mô hình nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho hàng nghìn lao động.
Hoạt động phát triển nuôi trồng được các địa phương gắn liền với tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản để tăng sản lượng khai thác; trong đó nổi bật nhất là: Thạch Hà, Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên…
Ông Nguyễn Đình Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà cho biết: “Ở địa phương hiện có 155 ha nuôi trồng thủy sản nước ngọt, mỗi năm cho sản lượng trên 120 tấn. Đối tượng nuôi chủ yếu là các loài cá truyền thống (trắm, trôi, mè, chép, rô phi, tôm càng xanh, ốc bươu…), hình thức nuôi chủ yếu là quảng canh và quảng canh cải tiến. Các địa phương nuôi nhiều là: Ích Hậu, Phù Lưu, Thạch Mỹ, Hồng Lộc, Tân Lộc…
Ngoài ra, khai thác vùng nước ngọt ở Lộc Hà mỗi năm cũng cho sản lượng khoảng 30 – 35 tấn tôm, cá các loại. Hoạt động này chủ yếu do các thuyền công suất nhỏ, thuyền không có động cơ hoặc đánh bắt thủ công thực hiện”.
Thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ở hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên).
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy – Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản) thông tin: “Cùng với hoạt động nuôi trồng vùng nước mặn lợ, khai thác biển thì hoạt động sản xuất ở vùng nội địa (nước ngọt) cũng luôn được ngành NN&PTNT, các địa phương, bà con quan tâm.
Năm 2022, ngoài khai thác được 4.840 tấn thủy sản, toàn tỉnh cũng đã nuôi 4.654 ha cá, tôm trong vùng nước ngọt, cho sản lượng đạt 6.862 tấn, mang về nguồn thu hàng trăm tỷ đồng. Đến thời điểm này của năm 2023, các địa phương đang duy trì nhịp độ sản xuất ổn định, thả giống nuôi 4.706 ha, cho sản lượng đạt 5.714 tấn và đánh bắt được 3.500 tấn”.
Tiến Dũng