Hội nghị phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo đã cung cấp những kiến thức cần thiết, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác tôn giáo ở Hà Tĩnh.
Sáng 19/10, Sở Nội vụ khai mạc hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn Hà Tĩnh. Đại diện Ban Tôn giáo Chính phủ; lãnh đạo các sở, ban, ngành và gần 200 cán bộ phụ trách công tác tín ngưỡng, tôn giáo tại các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tham dự hội nghị. |
Đại biểu tham dự chương trình.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Quang Dương thông tin, Hà Tĩnh hiện có 2 tôn giáo được Nhà nước công nhận là Công giáo và Phật giáo với hơn 192.000 tín đồ (chiếm 14,2% dân số toàn tỉnh). Toàn tỉnh có 370 cơ sở thờ tự, 168 chức sắc. Ngoài ra, có một số tín đồ theo đạo Tin lành tại gia và các tôn giáo khác nhưng chưa được công nhận.
Phần lớn người dân Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của Phật giáo và theo tín ngưỡng dân gian. Hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng nhưng ổn định, trật tự, thuần túy tôn giáo; diễn ra trong khuôn khổ pháp luật.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bùi Quang Dương phát biểu khai mạc hội nghị.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, cụ thể của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước được triển khai thực hiện đúng đắn; tín đồ, chức sắc, nhà tu hành các tôn giáo yên tâm, phấn khởi hành đạo và chăm lo phát triển kinh tế; khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố; an ninh chính trị và trật tự xã hội ở vùng giáo được giữ vững.
Tuy nhiên, hoạt động tôn giáo vẫn còn một số vấn đề phải tiếp tục quan tâm như: việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo của các chức sắc trong các tổ chức tôn giáo; hoạt động của một số “đạo lạ”; các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách dụ dỗ, lôi kéo và lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền để chống phá Nhà nước, đặc biệt liên quan tới đất đai, xây dựng các công trình tôn giáo; đội ngũ làm công tác tôn giáo chưa thực sự theo kịp tình hình, xu thế, còn lúng túng trong công tác tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh tại cơ sở…
Trong thời gian 1 ngày, đại biểu sẽ được cán bộ đến từ Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin tình hình tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; quan điểm, chính sách của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; một số quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Định – Trưởng phòng Pháp chế – Thanh tra Ban Tôn giáo Chính phủ trực tiếp truyền đạt các vấn đề liên quan công tác tôn giáo, tín ngưỡng tại hội nghị.
Cùng với đó, hội nghị tập trung phân tích, làm rõ những khó khăn, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay; giải pháp thực hiện và dự kiến các nội dung quy định tại dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hội nghị là dịp để cán bộ, công chức làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn nắm bắt thông tin, tình hình tín ngưỡng, tôn giáo; chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ được giao.
K.M