Tích cực xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực đã và đang góp phần tạo sự đồng thuận, sức mạnh đoàn kết của Nhân dân Hà Tĩnh trong phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Từ một xã thuần nông khá khó khăn, đường sá giao thông chật hẹp, nhiều năm nay, Thiên Lộc là điểm sáng của huyện Can Lộc trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Không dừng lại ở đó, người dân xã Thiên Lộc đang chung sức đồng lòng nâng chất các tiêu chí NTM với phương châm “Đường có hoa, nhà có số, chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu”.
Xã Thiên Lộc nâng chất các tiêu chí NTM với phương châm “Đường có hoa, nhà có số, chuyển đổi số là mục tiêu hàng đầu”.
Có được kết quả đó là nhờ cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị xã Thiên Lộc đã vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng lòng, hiến đất, hiến tài sản, tham gia ngày công để triển khai từng phần việc. Cũng chính làm tốt công tác dân vận, từ năm 2020 đến nay, toàn xã có hơn 1.000 hộ dân hiến đất, hiến tài sản, tiến hành mở rộng, nâng cấp được gần 70 tuyến đường, mặt đường rộng 5m trở lên, xây dựng 10/10 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2021.
Ông Phan Văn Tiếu – Bí thư Đảng uỷ xã Thiên Lộc cho biết: “Trong tất cả mọi việc, chúng tôi đều chú trọng công tác dân vận và coi đó là tiền đề để phát động, triển khai các phong trào thi đua. Khi người dân hiểu và nhận thức đầy đủ thì mọi việc sẽ được triển khai thành công. Nhờ đó, không chỉ xây dựng NTM thành công, xã Thiên Lộc còn thực hiện tốt chuyển đổi ruộng đất lần 3, thực hiện chuyển đổi số gắn với phát triển sản xuất và ổn định tình hình trên địa bàn”.
“Dân vận khéo” trong xây dựng NTM cũng là cách làm được các địa phương trên địa bàn huyện Can Lộc thực hiện. 9 tháng năm 2023, toàn huyện đã vận động Nhân dân ra quân làm mới hơn 7,1km kênh mương nội đồng; nạo vét, khơi thông hơn 36,2km kênh mương nội đồng; giải tỏa gần 1,2km hành lang giao thông, mương rảnh thoát nước; làm mới 916m đường giao thông nông thôn; huy động ngày công giúp cải tạo 34 vườn tạp; chỉnh trang 750 vườn hộ, giúp 45 vườn mẫu, 12 khu dân cư NTM kiểu mẫu…
Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Can Lộc Võ Thành Chung cho biết: “Năm 2023, trên cơ sở công văn, hướng dẫn của Ban Dân vận Huyện ủy, các xã, thị trấn đã triển khai xây dựng 119 mô hình “Dân vận khéo”. Các mô hình được thực hiện trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong xây dựng NTM, đô thị văn minh; giải phóng mặt bằng, di dời tái định cư để triển khai các công trình, dự án; xây dựng đời sống văn hoá khu dân cư; thực hiện các hoạt động an sinh, xã hội…”.
Cùng với chú trọng xây dựng mô hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, nhiều địa phương ở Hà Tĩnh cũng tập trung xây dựng mô hình trên lĩnh vực an ninh trật tự. Trong đó, mô hình “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và điểm chữa cháy công cộng” tại tổ liên gia 8 (tổ dân phố 3, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) là một điển hình.
Điểm chữa cháy công cộng tại tổ liên gia 8 (tổ dân phố 3, phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh).
Ông Bùi Đức Thông – người dân phường Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) chia sẻ: “Nhờ thực hiện mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng”, bà con chúng tôi được nâng cao ý thức và trách nhiệm hơn trong công tác PCCC. Cách làm này cũng đã huy động sức mạnh toàn dân, xây dựng lực lượng tại chỗ, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ, sự cố bất ngờ xảy ra”.
Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng thành công hơn 19.300 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực kinh tế có gần 8.000 mô hình; văn hóa – xã hội có hơn 5.800 mô hình; quốc phòng – an ninh hơn 3.300 mô hình; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có 2.200 mô hình.
Nhiều mô hình hiệu quả được lan tỏa và nhân rộng như: mô hình chăn nuôi hươu khép kín ở xã Sơn Giang (Hương Sơn); tổ hợp tác chế biến nước mắm ở xã Thạch Kim (Lộc Hà); mẹ đỡ đầu của Hộ LHPN các cấp trong toàn tỉnh; kêu gọi, vận động nguồn lực xây dựng nhà ở cho người dân, nhà văn hóa cộng đồng tránh trú bão, lũ; gìn giữ, phát huy bản sắc ca trù Cổ Đạm, dân ca ví giặm ở huyện Nghi Xuân; mô hình camera giám sát an ninh ở các thôn, tổ dân phố…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Mai Thủy và Bí thư Huyện ủy Cẩm Xuyên Nguyễn Văn Thành vinh danh mô hình “CLB ngân hàng máu sống” của Huyện đoàn Cẩm Xuyên.
Phó Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Hải Nam khẳng định: “Thời gian qua, các nội dung, lĩnh vực trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã bám sát yêu cầu thực tiễn, phương thức tổ chức phong trào được đổi mới phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tỉnh, của các địa phương trong từng thời điểm; đã gắn công tác tuyên truyền, vận động với chăm lo lợi ích thiết thực của các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, thi đua “Dân vận khéo” đã tiếp tục khơi dậy và phát huy được vai trò chủ thể của người dân, tập hợp được sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân; góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh”.
Thời gian tới, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tăng cường tham mưu, phối hợp thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” theo hướng thực chất, có chiều sâu, tạo sức lan toả trong cộng đồng. Tiếp tục duy trì, phát triển bền vững những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã có; đồng thời, phát động các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, xây dựng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đảm bảo tính bền vững, hiệu quả và có sức lan toả.
Thu Hà