Tính đến đầu tháng 10/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh ước tăng 11,22% so với thời điểm cuối năm 2022.
Thời gian qua, công tác huy động vốn trên địa bàn tiếp tục được đẩy mạnh. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp nên nguồn vốn huy động có sự tăng trưởng tốt.
Ngay từ đầu năm, các tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy nguồn vốn huy động gia tăng.
Qua theo dõi, mặc dù lãi suất huy động vốn từ quý II có xu hướng giảm nhưng với việc chủ động triển khai các giải pháp ngay từ đầu năm nên tổng nguồn vốn huy động của ngành ngân hàng Hà Tĩnh vẫn tăng trưởng tốt.
Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh, ước đến đầu tháng 10/2023, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn ước đạt 93.725 tỷ đồng, tăng khoảng 11,22% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng 13,71% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là nguồn lực quan trọng để các TCTD tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ.
Vốn huy động tăng là nguồn lực quan trọng để các tổ chức tín dụng tiếp tục hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Với việc chấp hành nghiêm túc các quy định về điều hành lãi suất của Thống đốc NHNN Việt Nam, thời gian qua, trên địa bàn Hà Tĩnh không có hiện tượng các TCTD cạnh tranh không lành mạnh, vượt trần. Cụ thể: Lãi suất huy động tiền gửi bằng VNĐ ở mức 0,1-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3-4,75% đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,7-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; 5,8-6,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Lãi suất huy động USD ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và dân cư. |
Thảo Hiền