Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang tạo điều kiện tiếp vốn để doanh nghiệp Hà Tĩnh đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, sớm về đích kế hoạch năm 2023.
Hà Tĩnh đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, trong đó có dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025. Đây được xem là lợi thế để doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu (CCN Bắc Cẩm Xuyên) mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Trần Châu được Vietcombank Hà Tĩnh tài trợ vốn đầu tư.
Bà Trần Thị Thanh – Kế toán trưởng công ty cho hay: “Doanh thu của doanh nghiệp 9 tháng đã đạt 100 tỷ đồng. Những tháng cuối năm đơn hàng tăng mạnh nên đơn vị đang tập trung sản xuất lượng lớn bê tông thương phẩm, gạch không nung, ống cống… Vốn vay từ Vietcombank Hà Tĩnh là nguồn lực quan trọng để doanh nghiệp sớm hoàn thành mục tiêu doanh thu 130 tỷ đồng trong năm 2023. Theo đó, Vietcombank vừa nâng hạn mức cho vay thêm 15 tỷ đồng và giảm mạnh lãi suất cho vay. Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 5,5 – 6,3%/năm (tương đương lãi suất cùng kỳ năm 2022)”.
Ông Dương Quốc Khánh – Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp, Vietcombank Hà Tĩnh cho biết: “Dư nợ doanh nghiệp đến ngày 21/9/2023 của chi nhánh đạt 8.038 tỷ đồng, tăng 2.145 tỷ đồng so với đầu năm. Dư nợ doanh nghiệp tăng trưởng cao do Vietcombank Hà Tĩnh chủ động thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giảm lãi suất cho vay ở mức thấp và ổn định trên thị trường. Theo đó, lãi suất cho vay hiện tại từ 5 – 7,5%/năm (gói ngắn hạn) và từ 7,5 – 9,5%/năm (gói trung và dài hạn).
Bên cạnh ưu đãi lãi suất cho vay mới, Vietcombank đã 2 lần giảm lãi suất cho cả các khoản vay cũ, góp phần giảm chi phí tài chính cho doanh nghiệp. Ngoài ra, chi nhánh luôn chú trọng đơn giản hoá thủ tục cho vay, nâng cao hiệu quả thẩm định nhằm tăng cưởng cho vay các khách hàng có phương án khả thi nhưng tỷ lệ tài sản bảo đảm thấp. Nhìn chung, tín dụng doanh nghiệp tăng trưởng lớn chủ yếu thuộc ngành nghề sản xuất, thương mại sắt thép, vật liệu xây dựng…”
Dư nợ doanh nghiệp của Vietcombank Hà Tĩnh đến 21/9/2023 đạt 8.038 tỷ đồng.
Với mục tiêu đưa vốn ra nền kinh tế, loạt “ông lớn” ngân hàng khác cũng đang “tung” nhiều sản phẩm tín dụng dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp. Cụ thể: BIDV Hà Tĩnh đang triển khai gói tín dụng trung hạn dành cho khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp lĩnh vực năng lượng tái tạo, xây dựng khu công nghiệp, vay xây dựng nhà xưởng cho thuê, kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, sản xuất và chế biến thực phẩm, cơ sở hạ tầng phục vụ logistic, dược phẩm… Với gói tín dụng này, BIDV áp dụng lãi suất cho vay thấp hơn từ 1 – 1,5% so với lãi suất niêm yết.
Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cũng áp dụng các chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng doanh nghiệp như: với doanh nghiệp nhỏ và vừa, lãi suất ưu đãi giảm từ 0,3 – 0,7%/năm so với sàn lãi suất hiện hành của Agribank. Với khách hàng xuất nhập khẩu, lãi suất ưu đãi thấp hơn đến 1%/năm so với lãi suất hiện hành của Agribank. Ngoài ra, lĩnh vực lâm, thuỷ sản, lãi suất ưu đãi của chương trình thấp hơn tối thiểu từ 1 – 2%/năm so với lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của Agribank.
Cùng đó, các ngân hàng thương mại cổ phần như: Bắc Á Bank, HDBank, ACB… đều nỗ lực “rót vốn” cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất – kinh doanh chặng đường cuối năm.
Khách hàng đến giao dịch tại Bắc Á Bank Hà Tĩnh.
Ông Phan Công Huân – Giám đốc Bắc Á Bank Hà Tĩnh thông tin: “Đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực ngân hàng; công khai, minh bạch hồ sơ, thủ tục vay vốn, biểu phí, lệ phí nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng doanh nghiệp trong quan hệ giao dịch và tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Ngoài ra, Bắc Á Bank đã giảm lãi suất cho vay từ 2 – trên 3%/năm so với đầu năm để tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp. Dư nợ doanh nghiệp của chi nhánh hiện đạt trên 50% trong tổng dư nợ”.
Theo ghi nhận, hiện nay, những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi đang gặp nhiều thách thức từ thị trường và dịch bệnh. Trước bối cành đó, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đang tích cực đồng hành giúp các doanh nghiệp gỡ khó, ổn định sản xuất.
Ông Mai Khắc Mại – Giám đốc Công ty CP Phát triển nông lâm Hà Tĩnh (Can Lộc) cho biết: “Hiện đang là giai đoạn giao mùa, nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao nên chi phí phòng dịch phải tăng 3 – 4 lần so với thời điểm thường. Cùng đó, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục duy trì ở mức cao (tăng trên 35% so với trước dịch COVID-19), song giá lợn hơi lại giảm sâu (53.000 – 54.000 đồng/kg) nên doanh nghiệp phải chịu lỗ.
Trong điều kiện khó khăn, rất may các ngân hàng đã đồng hành cấp vốn lưu động hàng chục tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay (hiện lãi suất đã về 6%/năm) nên doanh nghiệp có nguồn lực để duy trì sản xuất, không đứt gãy chuỗi liên kết chăn nuôi tại 18 trang trại vệ tinh với khoảng 2.500 con lợn nái và 3.500 con lợn thịt/lứa”.
Các doanh nghiệp chăn nuôi đang đối mặt nhiều khó khăn, cần vốn đầu tư phát triển.
Thời gian qua, NHNN tỉnh thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường truyền thông chính sách đến các doanh nghiệp. Tiếp cận, nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và trong quan hệ tín dụng với ngân hàng; kịp thời có các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp như: cho vay mới, điều chỉnh hạn mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, cơ cấu nợ… Đến đầu tháng 9, dư nợ cho vay doanh nghiệp của ngành Ngân hàng Hà Tĩnh đạt 32.661 tỷ đồng, chiếm 36,10% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục quán triệt các tổ chức tín dụng thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ lãi suất của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, chính sách hỗ trợ 50% lãi suất vay vốn theo Nghị quyết số 51/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cùng đó, tích cực thực hiện các giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, chủ động triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng và chương trình tín dụng ưu đãi lâm sản, thủy sản (15.000 tỷ đồng).
Thu Phương