Việc “nâng sao” gắn với kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP 3 sao hiện có ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) là rất cần thiết, nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn.
Bánh vừng Tâm Anh của cơ sở sản xuất Tâm Anh Bakery (thôn Thống Nhất, xã Ích Hậu) là sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020. Đây là sản phẩm được đánh giá có triển vọng với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao.
Thế nhưng, cơ sở sản xuất này vẫn đang bỏ ngõ khả năng xây dựng sản phẩm đạt chuẩn 4 sao. Nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế về nguồn lực, mặt bằng sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ…
Công nhân cơ sở sản xuất Tâm Anh Bakery (Ích Hậu) đang sản xuất bánh vừng đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Phan Văn Đô – Chủ cơ sở Tâm Anh Bakery chia sẻ: “Để có sản phẩm OCOP 4 sao, chúng tôi phải đầu tư thêm khoảng 800 – 900 triệu đồng nữa (hiện đã đầu tư gần 2 tỷ đồng) để mua sắm máy móc, tăng khâu tự động hóa, giảm nhân công, giảm giá thành sản xuất.
Chúng tôi còn phải mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh từ 400 m2 hiện nay lên trên 3.000 m2 và đào tạo 10 – 15 công nhân có tay nghề tại chỗ. Nhưng, nguồn lực đang rất khó khăn nên khó thực hiện. Bởi vậy, cơ sở rất mong muốn được tạo điều kiện tối đa về mặt bằng, tiếp cận các nguồn tín dụng, hỗ trợ kết nối thị trường”.
Công nhân cơ sở sản xuất dầu lạc Lý Úy (Thạch Mỹ) đóng chai sản phẩm sau chưng cất.
Hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất có sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao ở Lộc Hà chưa mặn mà với việc “nâng sao” vì còn nhiều vướng mắc. Nhiều chủ cơ sở phản ánh, dù rất muốn lan tỏa thương hiệu, tăng khả năng cạnh tranh, phát triển lên sản phẩm 4 sao, thậm chí là 5 sao nhưng một số sản phẩm hiện chưa được quảng bá, kết nối, liên kết tiêu thụ như kỳ vọng.
Ngoài ra, để “nâng sao”, mỗi sản phẩm phải đầu tư 400 – 800 triệu đồng để cải thiện dây chuyền sản xuất theo hướng chuyên sâu, tạo đột phá về chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã theo hướng độc đáo… trong khi nguồn lực của các cơ sở còn hạn chế.
Chị Nguyễn Thị Trung (chủ cơ sở mực Ngọc Diệp ở thôn Hoa Thành, xã Thạch Kim) chia sẻ: “Việc xây dựng sản phẩm hướng tới đạt chuẩn OCOP 4 sao và tăng khả năng tiêu thụ đang gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu (mực ống tươi, chất lượng cao) thiếu hụt, không đủ đáp ứng yêu cầu sản xuất. Mặt khác, để mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi cần thêm nguồn lực đầu tư nhưng hiện nay chưa có chính sách ưu đãi vay vốn, việc tiếp cận các kênh tín dụng gặp khó khăn”.
Gian hàng trưng bày sản phẩm mực khô Ngọc Diệp và các sản phẩm OCOP của huyện Lộc Hà trong các hội chợ.
Đến thời điểm này, Lộc Hà có 11 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao (40% trong số này có thể phát triển thành 4 sao) và tất cả đều đã được hưởng chính sách của tỉnh, huyện về xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, in ấn bao bì, đào tạo tập huấn, xúc tiến thương mại… Tuy nhiên, hiện nay chưa có sản phẩm nào đạt chuẩn 4 sao, một số sản phẩm sau khi đạt chuẩn vẫn chưa thực sự phát triển, chưa tăng được giá trị sản xuất, đầu ra hạn chế.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn và người dân chưa mặn mà với việc “nâng sao” được xác định do tình hình dịch bệnh COVID-19 mấy năm trước diễn biến phức tạp, hầu hết các sản phẩm gặp khó trong việc giao thương, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Nhiều cơ sở khi đạt chuẩn không tích cực trong việc quảng bá hình ảnh, thực hiện xúc tiến thương mại, chưa đa dạng hoá trong việc bán hàng. Các sản phẩm đã đạt chuẩn chưa có sự khác biệt, nổi trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường…
Các phòng, ngành chức năng hướng dẫn cơ sở sản xuất Rượu nếp sim Thành Tuấn (Hồng Lộc) dán nhãn mác sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và quảng bá thương hiệu.
Để “nâng sao” các sản phẩm OCOP gắn với mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, ngoài tăng cường tuyên truyền, động viên, khuyến khích, huyện Lộc Hà sẽ tăng cường đồng hành, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong xúc tiến, quảng bá sản phẩm, tham gia hội chợ, xây dựng các gian hàng trưng bày, đề xuất các tổ chức tín dụng hỗ trợ lãi suất…
Đặc biệt, huyện Lộc Hà đang ưu tiên bố trí nguồn lực để từ năm 2021 đến năm 2025 thực hiện mức hỗ trợ sản phẩm OCOP 5 sao (50 triệu đồng/sản phẩm), 4 sao (40 triệu đồng/sản phẩm), 3 sao (30 triệu đồng/sản phẩm) và hỗ trợ thuê đất, thuê cửa hàng, xây dựng, mua sắm dụng cụ trưng bày sản phẩm OCOP (30 triệu đồng/cửa hàng/năm)…
Hội đồng đánh giá, chấm điểm và phân hạng sản phẩm OCOP huyện Lộc Hà chấm điểm và ra quyết định công nhận đạt chuẩn 3 sao đối với 2 sản phẩm vào tháng 5/2023.
Ông Phan Bá Ninh – cán bộ Văn phòng NTM huyện Lộc Hà thông tin: Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, hướng đến đạt chuẩn 4 sao và 5 sao gắn với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành hỗ trợ đào tạo quản lý, tập huấn kỹ năng marketing, nâng cao khả năng bán hàng và khuyến kích các cơ sở chủ động tham gia các lớp đào tạo tập huấn, đưa các sản phẩm của cơ sở đi giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Các phòng, ngành chức năng, chính quyền địa phương cũng sẽ tiếp tục động viên, đồng hành với các cơ sở sản xuất khắc phục khó khăn, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng sản xuất và chủ động tìm đối tác để hợp tác tiêu thụ”.
Tiến Phúc