Sau 6 tháng phát động, Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa năm 2023″, do Hội LHPN tỉnh tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của chị em trên toàn tỉnh.
Ý tưởng sản xuất dầu gội thiên nhiên cô đặc Mộc Đồng của chị Lê Nguyễn Khánh Diệp là 1 trong 14 ý tưởng xuất sắc lọt vào chung kết cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2022.
Những ngày này, các thí sinh có ý tưởng lọt vào chung kết cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa năm 2023” đang tích cực chuẩn bị kỹ các điều kiện để bước vào vòng thi cuối cùng.
Chị Lê Nguyễn Khánh Diệp (SN 1996, xã Cẩm Hà, Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Từng theo dõi cuộc thi ”Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022”, tôi cảm thấy cuộc đây là một sân chơi vô cùng ý nghĩa dành cho phụ nữ có ước mơ và khát vọng khởi sự sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, năm nay, ngay sau khi các cấp hội phụ nữ phát động, tôi đã lên kế hoạch tham gia. Đặc biệt, với chủ đề “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa”, tôi cảm thấy ý tưởng của mình rất phù hợp, đó chính là sản xuất sản phẩm dầu gội đầu thảo mộc, được làm từ những nguyên liệu có sẵn trên quê hương”.
Chị Diệp từng tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành Tâm lý học – Học viện Quản lý Giáo dục (Hà Nội) năm 2020 và có một thời gian ngắn làm việc ở Thủ đô. Khi dịch COVID-19 bùng phát, chị trở về quê. Nhận thấy tiềm năng về nguyên liệu thảo mộc có sẵn tại quê hương cũng như nhu cầu sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng cao trên thị trường, chị quyết tâm học hỏi, nghiên cứu và sản xuất sản phẩm dầu gội từ thảo mộc.
Phát huy tài nguyên bản địa trong sản xuất là chủ đề chính trong cuộc thi năm nay.
Sau nhiều lần thất bại, hiện chị Diệp đã sản xuất thành công loại dầu gội thảo dược Mộc Đồng, được cô đặc từ các loại nguyên liệu như: trái bồ kết, chanh, bồ hòn, sả… Cùng với đưa sản phẩm xuất bán ra thị trường, chị Diệp còn xây dựng vùng nguyên liệu để tạo nguồn cho việc sản xuất lâu dài. Với trang trại rộng 37.000 m2, đến nay, chị đã trồng được 800 gốc bồ kết, cùng hàng trăm gốc các loại cam, chanh, bưởi, ổi và các thửa ruộng sả, hoa ngũ sắc… Đồng thời liên kết với bà con địa phương mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu.
Quá trình tham gia cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa năm 2023″, ý tưởng khởi nghiệp từ sản phẩm dầu gội cô đặc thiên nhiên Mộc Đồng được đánh giá khá cao và lọt vào vòng chung kết. Cùng với các khóa tập huấn bồi dưỡng về xây dựng dự án từ Hội LHPN tỉnh trong suốt quá trình cuộc thi diễn ra, hiện chị Diệp đang háo hức chuẩn bị bài thuyết trình bằng slide trong phần thi chung kết.
Các thành viên THT Sản xuất lúa gạo hữu cơ thôn Vân Cửu (Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc) phấn khởi sau vụ hè thu đạt kết quả cao.
Cùng với các ý tưởng khởi nghiệp mang tính cá nhân, cuộc thi năm nay cũng đã nhận được nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp từ các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) do phụ nữ làm chủ. Trong đó, ý tưởng sản xuất gạo hữu cơ của của các hội viên phụ nữ THT thôn Vân Cửu (xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc) được đánh giá mang nhiều triển vọng.
Chị Nguyễn Thị Hiếu – Chủ tịch Hội LHPN Khánh Vĩnh Yên đồng thời là thành viên THT cho biết: “Với mong muốn khai thác ưu thế của địa phương trong sản xuất nông nghiệp – chủ yếu là cây lúa, ý tưởng của chúng tôi là sẽ mang đến sản phẩm gạo hữu cơ chất lượng, đảm bảo an toàn cho người dân, đồng thời nâng cao thu nhập cho bà con trên 1 đơn vị diện tích”.
Mô hình sản xuất gạo hữu cơ của THT phụ nữ thôn Vân Cửu gồm 40 thành viên, phối hợp với Tập đoàn Quế Lâm áp dụng chặt chẽ quy trình sản xuất hoàn toàn bằng sinh học, được thực hiện từ tháng 6/2023. Với diện tích canh tác 2 ha, vụ lúa hè thu đầu tiên đã cho thu hoạch 10 tấn lúa, xấp xỉ bằng với phương thức sản xuất thông thường.
Ước tính 10 tấn lúa tươi sẽ cho 4,55 tấn gạo, với giá bán dự kiến 30.000 đồng/kg gạo sẽ cho thu nhập hơn 136 triệu đồng, gấp 3 lần so với phương thức sản xuất lúa gạo truyền thống. Thời điểm này, sau khi thu hoạch, lúa đang còn giai đoạn phơi, sấy nhưng số gạo hữu cơ dự kiến của THT đã được khách đặt hàng gần hết.
Các hội viên THT sản xuất lúa gạo hữu cơ thôn Vân Cửu thảo luận với cán bộ Hội LHPN huyện Can Lộc về phần thuyết trình ý tưởng tại vòng chung kết cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp- Phát huy tài nguyên bản địa”.
Cuộc thi Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa được phát động từ tháng 3/2023, nhằm tìm kiếm những ý tưởng, dự án khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh do phụ nữ làm chủ, mang tính triển vọng, đưa lại hiệu quả kinh tế, gắn với góp phần gìn giữ, phát triển nâng cao tài nguyên bản địa (tài nguyên sẵn có, đặc trưng của các địa phương). Từ đó hỗ trợ, đầu tư để hiện thực hóa việc sản xuất, nâng cao chất lượng, thương hiệu sản phẩm ra thị trường.
Đối tượng tham gia là những hội viên, phụ nữ có ý tưởng, dự án, mô hình, sản phẩm sản xuất, doanh trên địa bàn toàn tỉnh. Với các tập thể khởi sự sản xuất, kinh doanh không quá 5 năm, tính từ thời gian đăng ký dự thi.
Sau 6 tháng phát động, trải qua vòng sơ loại cấp huyện, Hội LHPN tỉnh đã nhận được 75 ý tưởng. Sau quá trình chấm, ban tổ chức đã chọn được 14 ý tưởng tiềm năng bước vào vòng chung kết. Trong quá trình diễn ra cuộc thi, tại các vòng thi, Hội LHPN tỉnh cũng đã tổ chức nhiều chương trình tập huấn, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho chị em trong xây dựng, hoàn thiện và thuyết trình ý tưởng.
Dự kiến, chung kết và trao giải cuộc thi sẽ diễn ra đầu tháng 10/2023.
Nối tiếp thành công từ cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp năm 2022”, cuộc thi năm nay đã nhận được sự hưởng ứng sôi nổi của các cấp hội phụ nữ trên toàn tỉnh. Trong đó, bên cạnh có sự gia tăng về số lượng thì chất lượng các ý tưởng, dự án, mô hình được nâng cao, đa dạng về lĩnh vực, mang tính khả thi cao được trình bày ngày càng chuyên nghiệp.
Đặc biệt, nhiều ý tưởng đã bám sát chủ đề “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa” để xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh dựa trên lợi thế tài nguyên sẵn có, hoặc tiềm năng mang tính đặc thù của địa phương. Đây là một trong những tiêu chí quan trọng mà cuộc thi đề ra”.
Bà Trương Thị Lượng
Phó Chủ tịch Hội LHPN Hà Tĩnh
Thiên Vỹ