Với việc áp dụng kỹ thuật nuôi lươn bằng bể không bùn, anh Phạm Ngọc Dung (SN 1990, xã Thạch Đài, Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã thu lãi hơn 100 triệu đồng mỗi năm và đang mở rộng diện tích thả nuôi.
Đầu năm 2023, anh Phạm Ngọc Dung đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua 45 bể composite phục vụ cho nuôi lươn không bùn.
Trở về quê hương sau bao năm lăn lộn làm ăn xa, cuối năm 2019, anh Phạm Ngọc Dung (SN 1990, tại thôn Nam Bình, xã Thạch Đài, Thạch Hà) đã quyết định đầu tư nuôi lươn thương phẩm. Tận dụng đất trống xung quanh nhà và vật liệu sẵn có, anh làm 5 ô bể lót bạt xung quanh, mỗi bể có diện tích 5m2 để nuôi lươn thương phẩm theo hình thức nuôi không bùn.
Anh Dũng đặt mua 1 vạn con giống từ tỉnh Phú Yên với trọng lượng 500 con/1kg, sau 8 – 10 tháng nuôi, lươn đạt 4-5 con/kg thì bắt đầu xuất bán. Lứa đầu tiên, anh Dung thu hoạch hơn 1,5 tấn lươn, mang lại nguồn thu hơn 200 trăm triệu, sau khi trừ chi phí anh lãi hơn 60 triệu đồng.
Nuôi lươn không bùn không tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao.
Những năm tiếp theo, mỗi năm anh thu hoạch trên 2,5 tấn lươn, sau khi trừ chi phí, anh lãi hơn 100 triệu đồng.
Nhận thấy thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng, đầu năm 2023, anh đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua 45 bể composite, các dụng cụ nuôi, thức ăn và lươn giống. Hiện tại, anh đang sở hữu hơn 120.000 con trong khu vực nuôi của mình.
Với kỹ thuật chăm sóc bài bản cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, anh Dung dự tính có thể thu về gần 1 tỷ đồng từ mô hình nuôi lươn không bùn này.
Anh Dung xây dựng hệ thống xả nước bài bản để đảm bảo môi trường sống cho lươn.
Anh Dung cho biết: “Để lươn sinh trưởng, phát triển tốt, bể nuôi phải đảm bảo yếu tố thoáng mát. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy, hằng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn; trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ.
Ngoài thức ăn là cám công nghiệp, tôi còn cho thêm giun quế, cá xay, trứng gà vừa giúp giảm tải lượng cám, vừa cung cấp chất dinh dưỡng giúp lươn khỏe mạnh, nhanh lớn. Ngoài ra, tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc phòng các loại bệnh thường gặp ở lươn như đi ngoài, xuất huyết đường ruột, nấm…”
Theo anh Dung, ưu điểm của nuôi lươn không bùn là không cần quá nhiều công chăm sóc, không tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao (120 -14 nghìn đồng/kg). Đặc biệt, lươn ít nhiễm bệnh do không tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường bùn đất.
Với kỹ thuật chăm sóc bài bản cùng thị trường tiêu thụ rộng lớn, anh Dung ước tính thu tiền tỷ từ nuôi lươn.
Để đảm bảo nguồn nước nuôi lươn an toàn, giúp lươn phát triển khỏe mạnh, anh Dung xây dựng hệ thống xả nước bài bản. Toàn bộ nước thải của lươn được cho vào bể lắng. Bể này nuôi cá trê và thả bèo đồng thời dùng thêm men vi sinh xử lý các chất bẩn giúp nguồn nước luôn sạch sẽ và giảm ô nhiễm môi trường.