Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ khoảng 20 cuốn hồi ký cách mạng của các chiến sỹ Xô viết tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, hơn một nửa các tác giả là đảng viên trên quê hương Can Lộc – nơi được xem là “thủ đô” của phong trào Xô viết ở Hà Tĩnh. Những cuốn hồi ký đã làm sống lại những ngày hừng hực khí thế đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc nói riêng, Hà Tĩnh nói chung trong cao trào cách mạng 1930-1931 và con đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh mà sáng ngời lý tưởng của các nhà cách mạng tiền bối.
Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ khoảng 20 cuốn hồi ký cách mạng của các chiến sỹ Xô viết tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, hơn một nửa các tác giả là đảng viên trên quê hương Can Lộc – nơi được xem là “thủ đô” của phong trào Xô viết ở Hà Tĩnh. Những cuốn hồi ký đã làm sống lại những ngày hừng hực khí thế đấu tranh của Đảng bộ và Nhân dân Can Lộc nói riêng, Hà Tĩnh nói chung trong cao trào cách mạng 1930-1931 và con đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh mà sáng ngời lý tưởng của các nhà cách mạng tiền bối.
Dù đã từng đọc hàng trăm trang sách về lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc, trong đó có Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), thấu hiểu và tự hào về truyền thống vẻ vang của đất nước nhưng cho đến khi tìm đến những cuốn hồi ký của các chiến sỹ cộng sản đầu tiên, được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, chúng tôi mới cảm nhận hết lòng dũng cảm, kiên trung và ý chí quật cường của các bậc cha ông giữa màn đêm nô lệ. Hoạt động cách mạng, bị địch bắt, cùm kẹp, tra tấn dã man, cận kề sinh tử nhưng những đảng viên cộng sản non trẻ vẫn tuyệt đối trung thành với Đảng, với tổ chức, kiên gan, vững chí, bền bỉ đấu tranh vì lý tưởng cho đến ngày độc lập.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đề lời tựa cho Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1964. Ảnh tư liệu
Qua những cuốn hồi ký cho thấy, đa phần các chiến sỹ cộng sản đầu tiên đều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo khổ, bị áp bức đến cùng như các đồng chí: Lê Bảng, Trần Xy (xã Hồng Lộc), Đặng Nghiệm (xã Tùng Lộc), Trần Hữu Khán (xã Thiên Lộc, Can Lộc)… Tuy nhiên, cũng có những người xuất thân từ thành phần trung nông, trí thức như: Nguyễn Cứ, Hoàng Liên, Mai Cát (xã Tân Lộc, Can Lộc, nay là Lộc Hà), Trần Mạnh Táo (xã Xuân Phổ, Nghi Xuân), Trần Chí Tín (xã Sơn Mai – nay là xã Kim Hoa, Hương Sơn), Nguyễn Thị Khương (thị xã – nay là TP Hà Tĩnh), thậm chí là con nhà địa chủ như Đào Kha (xã Yên Vượng – nay là xã An Dũng, Đức Thọ)… Điểm chung được ghi lại trong các cuốn hồi ký là ánh sáng cách mạng đã giúp họ thấu tỏ lý tưởng của Đảng mà vùng lên đấu tranh chống lại đế quốc, phong kiến, quyết tâm giành độc lập dân tộc với chủ trương: đánh đổ đế quốc, phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng…
Từ “Ước mơ phải biến thành hiện thực, nếu bản thân mình chỉ có ước mơ mà không hành động thì đó cũng chỉ là ước mơ viễn vông mà thôi” (trích “Hồi ký của đồng chí Trần Hữu Khán”, đảng viên năm 1930-1931 (xã Thiên Lộc, Can Lộc), những chiến sỹ cộng sản kiên trung đã bền bỉ đấu tranh, giữ vững chí khí chiến đấu, vượt qua gian khổ, một lòng trung thành với lý tưởng cách mạng.
Lần giở những trang hồi ký đã úa màu thời gian, qua những dòng ký ức mộc mạc mà hùng tráng của các đảng viên quê hương Can Lộc (nay một số xã thuộc huyện Lộc Hà), chúng tôi trở về với những ngày đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh mà sáng ngời lý tưởng của những nhà cách mạng tiền bối.
Bộ sưu tập những cuốn hồi ký cách mạng của các đồng chí cán bộ cộng sản kiên trung ghi lại quá trình chiến đấu từ năm 1930 -1945 và sau này được lưu giữ tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
“Tôi sinh năm 1905, trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ đã phải sống trong cảnh đói khát. Bố mẹ tôi đi làm quần quật suốt ngày không về, đến tối gia đình mới tụ tập đông đủ quanh mâm cơm. Nhưng cơm ăn không đủ no, 1 phần cơm 10 phần khoai, vừa ăn xong bố mẹ lại phải lo nghĩ đến việc kiếm sống ngày mai. Cuộc sống khốn khó, đến năm tôi lên 7 tuổi thì bố mẹ đều vì đói khát, bệnh tật qua đời. Năm 20 tuổi, tôi lấy vợ, cuộc sống lại càng khổ cực hơn. Ruộng đất không có, hai vợ chồng phải “ăn cơm vay, cày ruộng rẽ” qua ngày… Tôi nghĩ cũng là một kiếp người, sao bọn địa chủ, cường hào lại sướng thế, ruộng đất thừa thãi, đến mùa thóc lúa chất đầy nhà. Trong khi mình làm quần quật không đủ ăn, lại suốt ngày bị chúng chửi mắng. Chẳng lẽ đời mình phải chịu cực khổ như thế này mãi…” – cụ Lê Bảng, đảng viên năm 1930-1931, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Lộc (Can Lộc) giai đoạn 1954-1959 đã mở đầu hồi ký đấu tranh của mình như thế.
Đồng chí Lê Bảng (1905-1978), quê thôn Quan Nam, xã Phù Lưu Thượng (Can Lộc), nay là xã Hồng Lộc (Lộc Hà) sinh ra trong một gia đình bần nông. Bố mẹ mất sớm, như bao nông dân lúc bấy giờ, cụ Lê Bảng lớn lên trong cảnh lầm than, nô lệ. Cuộc sống cơ cực khi không có ruộng để cày, lại còn phải nộp sưu cao, thuế nặng cho bọn thực dân phong kiến. Trước những áp bức, bất công, cụ Lê Bảng tự cường, “biến mình” từ một nông dân hiền lành thành “anh Bảng ngạnh” (lời cụ Lê Bảng trong hồi ký), sẵn sàng chống lại bọn tay sai.
Từ ý chí nung nấu muốn “thay đổi” số phận, đồng chí Lê Bảng đã gặp nhà cách mạng Phạm Triện, một trong những đảng viên đầu tiên của Chi bộ xã Phù Lưu Thượng (thành lập tháng 4/1930) đã hướng cho ông nhìn thấy ánh sáng cách mạng và trở thành một đảng viên cộng sản vào tháng 5/1930. Hoạt động sôi nổi, tháng 9/1931 – 12/1934, đồng chí Lê Bảng bị địch bắt giam tại Nhà lao Hà Tĩnh với đủ cực hình tra tấn dã man như: đánh bằng roi da bò, dùng tuýp sắt đánh vào ống chân, buộc dây ngang bụng treo ngược lên xà nhà nhưng ông vẫn giữ vững chí khí chiến đấu. “Khi tên mật thám tra khảo, tôi nghĩ đến lời thề của mình trong buổi lễ kết nạp Đảng: “Suốt đời trung thành với sự nghiệp của Đảng, dù có bị bắt, tra tấn đến chết vẫn không khai nửa lời”… Nhớ đến lời thề, dù nhiều lần bị địch đánh đập đến chết đi sống lại, tôi vẫn một mực không khai” (trích Hồi ký của đồng chí Lê Bảng).
Nền Huyện đường Can Lộc – nơi diễn ra cuộc biểu tình sôi nổi của Nhân dân Can Lộc trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Từ tháng 1/1935 – 6/1937, sau khi được thả tự do, đồng chí Lê Bảng trở về địa phương tiếp tục hoạt động bí mật trong các hội nhóm. Tháng 7/1937 – 3/1938, đồng chí tiếp tục bị địch bắt giam lần 2 tại Nhà lao Hà Tĩnh và huyện Kỳ Anh; từ giữa năm 1938 đến tháng 4/1945, hoạt động bí mật tại địa phương, sau đó tham gia Mặt trận Việt Minh, trà trộn vào tổ chức thanh niên Phan Anh. Ngày 16/8/1945, Lê Bảng là người được Ủy ban Khởi nghĩa Việt Minh huyện Can Lộc giao nhiệm vụ chớp thời cơ hạ cờ chính quyền, treo cờ Việt Minh lên cột cờ huyện đường Can Lộc, chính thức khẳng định chính quyền bù nhìn bị lật đổ, Nhân dân Can Lộc khởi nghĩa thành công.
Thôn Quan Nam (Hồng Lộc, Lộc Hà) – quê hương cụ Lê Bảng khang trang trong sắc nắng thu.
Với đồng chí Nguyễn Cứ (hay Nguyễn Đình Cứ, 1902-2001) ở làng Đỉnh Lự (xã Tân Lộc, Ủy viên BCH Đảng bộ lâm thời huyện Can Lộc tháng 4/1930), con đường giác ngộ lý tưởng cách mạng dường như ăn sâu trong từng huyết quản. Sinh ra trong một gia đình trung nông, được sự dẫn dắt của người thầy, người anh trong làng là ông Hoàng Khoái Lạc – sau là cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, đồng chí Nguyễn Cứ đã gia nhập vào tổ chức Tân Việt và hoạt động sôi nổi từ năm 1926. Tháng 2/1930, ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đồng chí cùng các thành viên trong tổ chức Tân Việt của làng Đỉnh Lự như: Hoàng Khoái Lạc, Hoàng Kỳ, Hoàng Liên, Mai Cát, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Hữu Thiều (bí danh Trần Lai, Nguyễn Trung Thiên) đã thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Can Lộc, là 1 trong những chi bộ được thành lập đầu tiên ở Hà Tĩnh.
Trong cuốn hồi ký của mình, đồng chí Nguyễn Cứ đã phần nào tái hiện quá trình đấu tranh đầy gian khổ, thấm đầy máu nhưng cũng rất đỗi vinh quang, tự hào. Dù 2 lần bị địch bắt giam, lần 1 từ tháng 8/1930 đến đầu năm 1933 và lần 2 từ tháng 1/1940 – 3/1945 tại Nhà lao Hà Tĩnh và Nhà lao Vinh, bị hành hạ, tra tấn dã man với đủ cực hình nhưng đồng chí vẫn một lòng kiên trung, không ngừng đấu tranh trong tù cho đến khi ra ngoài bắt mối liên lạc với các đồng chí và tổ chức lại cơ sở Đảng. Tháng 8/1945, đồng chí Nguyễn Cứ cùng với đồng chí Lê Hồng Cơ, Ngô Đức Mậu là thành viên trong Ủy ban Khởi nghĩa của Tổng bộ Việt Minh lãnh đạo quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền thành công tại Can Lộc vào ngày 16 và 17/8/1945. “Đó là kết quả của 15 năm đấu tranh không ngừng nghỉ của các chi bộ Đảng, của quần chúng nhân dân Can Lộc. Trong thời gian đó, có biết bao chiến sỹ, đồng bào đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng cao cả. Sự hy sinh đó đưa cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng” (trích Hồi ký của đồng chí Nguyễn Cứ).
Đình Đỉnh Lự – nơi cụ Nguyễn Cứ cùng các đồng chí tổ chức thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tĩnh vào tháng 2/1930.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Tâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định: “Điều quý giá ở các cuốn hồi ký của những chiến sỹ Xô viết Nghệ Tĩnh là đã kể lại hành trình đấu tranh cách mạng của mỗi cá nhân với người thực việc thực một cách sinh động, chân thực, từ thời kỳ Đảng mới ra đời cho đến sau này. Đây là nguồn tư liệu quý giá, giúp những người nghiên cứu, biên soạn lịch sử tham khảo, bổ sung thêm vào lịch sử Đảng”.
…
Theo các tư liệu lịch sử, Can Lộc với các địa danh như: đình Đỉnh Lự (xã Tân Lộc), miếu Biên Sơn, nhà cụ Hồ Đôi, Truông Gió (xã Hồng Lộc), bến đò Thượng Trụ, cầu Hạ Vàng (xã Thiên Lộc), nền Huyện đường, ngã ba Nghèn (thị trấn Nghèn)… là nơi ghi dấu sự ra đời của tổ chức Đảng và phong trào đấu tranh Xô viết đầu tiên ở Hà Tĩnh. Can Lộc cũng là địa phương có nhiều làng Xô viết sớm trong toàn tỉnh, thực thi bộ máy chính quyền Nhân dân như ở Tân Lộc, Hồng Lộc, Thuần Thiện…
Tượng đài Xô viết Nghệ Tĩnh tại thị trấn Nghèn (Can Lộc).
Trong đó, đình Đỉnh Lự được xem là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà Tĩnh; tại bến đò Thượng Trụ vào cuối tháng 3/1930 đã diễn ra Hội nghị thành lập Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh; nhà cụ Hồ Đôi (tức thầy Hồ Khoái, ở thôn Trung Sơn, xã Hồng Lộc) là nơi diễn ra Đại hội Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ nhất vào tháng 4/1930.
Về phong trào đấu tranh sau khi Đảng ra đời, những cuộc biểu tình đấu tranh Xô viết có quy mô lớn đầu tiên đã diễn ra ở Can Lộc, tiêu biểu là cuộc mít tinh trên nhiều xã vào ngày Quốc tế Lao động (1/5/1930), các cuộc tuần hành thị uy trong tháng 6 và 7/1930. Đặc biệt, vào ngày 1/8/1930, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh và các chi bộ Đảng ở Can Lộc, gần 1.000 nông dân vùng hạ Can đã tập trung tại Truông Gió (xã Hồng Lộc) kéo lên cầu Hạ Vàng, kết hợp với hàng trăm người dân vùng thượng Can biểu tình rầm rộ. Khí thế cách mạng “ngút trời” khiến tên tri huyện Trần Mạnh Đàn phải khúm núm ra đón tiếp. “Lúng túng trong chiếc áo thụng xanh và đôi dép hạ, tên tri huyện đã mất đi vẻ bệ vệ, hống hách thường ngày. Hắn tỏ ra khúm núm, sợ sệt trước sức mạnh của Nhân dân và chấp nhận 10 yêu sách của đoàn biểu tình” (trích Hồi ký của đồng chí Đặng Nghiệm, xã Tùng Lộc). Thành công của phong trào Xô viết trên quê hương Can Lộc đã lan tỏa mạnh mẽ đồng thời trên khắp các địa phương trong tỉnh như: Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Hương Sơn, Hương Khê, Nghi Xuân, Đức Thọ…, kết thành ngọn lửa Xô viết Nghệ Tĩnh, tạo nên cuộc nổi dậy “long trời lở đất” đầu tiên trong lịch sử cách mạng dân tộc.
Bến đò Thượng Trụ (xã Thiên Lộc, Can Lộc) – nơi diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh tháng 3/1930.
Trong những ngày cả nước náo nức chào mừng kỷ niệm 78 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, chúng tôi về với quê hương Xô viết Can Lộc, bồi hồi đặt chân đến các địa danh đã đi vào lịch sử và đến thăm thân nhân của các chiến sỹ cộng sản anh hùng. 93 năm đã trôi qua, những làng quê xưa từng xơ xác trong nghèo đói bởi áp bức, những tên đất, tên làng thấm máu đào của bao con người quả cảm, nay đã bừng lên sức sống mới bởi diện mạo tươi sáng, khang trang. Các địa phương như: Hồng Lộc, Tân Lộc (Lộc Hà), Tùng Lộc, Thiên Lộc, Thuần Thiện (Can Lộc), quê hương của các chiến sỹ Xô viết hiện đã xây dựng thành công xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Các di tích như đình Đỉnh Lự, miếu Biên Sơn, bến đò Thượng Trụ… đã được chứng nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Quê hương đổi mới, phát triển, người dân nơi đây, trong đó có con cháu, gia đình, dòng họ của các chiến sỹ Xô viết kiên trung cũng đang không ngừng tiếp bước truyền thống cha ông, ngày càng nỗ lực học tập, lao động, sáng tạo, vươn lên đóng góp sức lực và trí tuệ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Truông Gió (Hồng Lộc, Lộc Hà) – nơi diễn ra nhiều cuộc tập hợp quần chúng vùng Hạ Can biểu tình đấu tranh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 (ảnh 1). Mùa thu cách mạng thắm xanh trên miền quê NTM xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà (ảnh 2). Quê hương Tân Lộc (Lộc Hà) ngày nay – nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ở Hà Tĩnh tháng 4/1930 (ảnh 3). Khu dân cư NTM kiểu mẫu thôn Tân Thượng (Tân Lộc) có đình Đỉnh Lự là nơi diễn ra phong trào đấu tranh sôi nổi trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 (ảnh 4).
Một trong những người con của các chiến sỹ Xô viết Can Lộc đã thành danh và có nhiều đóng góp cho đất nước, đó là Thiếu tướng, Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng quốc gia – con trai cụ Lê Bảng. Giáo sư, Tiến sỹ Lê Năm (SN 1952, xã Hồng Lộc), tốt nghiệp Học viện Quân y, sau đó bảo vệ thành công luận án tiến sỹ về y học tại Liên Xô (cũ). Ông có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học các cấp được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, là tác giả của 8 đầu sách nghiên cứu, hơn 100 bài báo khoa học được trình bày tại các hội thảo trên khắp thế giới. Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cùng nhiều huân, huy chương, bằng khen khác. Năm 2013, ông được vinh danh là trí thức tiêu biểu Việt Nam trên mặt trận KT-XH. Hiện đã nghỉ hưu nhưng Thiếu tướng Lê Năm vẫn tích cực tham gia nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh cho người nghèo… Ông có 4 người con, hiện có 6 người gồm cả con trai, gái và dâu, rể là bác sỹ.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Năm thăm lại ngôi nhà nơi ông và người bố là cụ Lê Bảng từng sống tại thôn Quan Nam (Hồng Lộc, Lộc Hà).
Nhắc đến người bố là cụ Lê Bảng và những dòng hồi ký cách mạng của bậc sinh thành, Thiếu tướng Lê Năm xúc động: “Từ nhỏ, tôi đã phải sống trong hoàn cảnh khó khăn, vất vả khi bố thường xuyên đau yếu do di chứng từ những cuộc tra tấn của kẻ thù; mẹ cũng bệnh tật, mù lòa… Nhưng chính khí chất cách mạng, sự cống hiến, hy sinh của bố đã truyền cho tôi ngọn lửa nhiệt huyết và động lực tinh thần để vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và vươn tới thành công, không ngừng nỗ lực cống hiến cho đất nước”.
Video: GS-TS Lê Năm, nguyên Giám đốc Viện Bỏng quốc gia – chia sẻ những kỷ niệm về người bố – chiến sỹ Xô viết Lê Bảng.
Những ngày tháng 9 lịch sử, đi giữa đất trời quê hương Can Lộc anh hùng trong sắc nắng mùa thu; bên những làng quê khang trang là những cánh đồng thẳng cánh cò bay rực vàng lúa chín, chúng tôi thêm tự hào về truyền thống Xô viết. Những trang hồi ký của các chiến sỹ cộng sản đầu tiên ngày ấy, dường như vẫn đang rừng rực ngọn lửa cách mạng. Ngọn lửa ấy đã, đang và sẽ mãi cháy để tiếp thêm sức mạnh, nhiệt huyết cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: Nhóm P.V. CT-XH
Thiết kế – kỹ thuật: huy tùng – khôi nguyễn
(Còn nữa)
5:08:09:2023:08:03