Vào thu, tiết trời ở thị trấn Phố Châu (Hương Sơn) dịu nhẹ. Trong màn sương mỏng buổi sớm mai, những con đường ở phố núi bừng lên bởi màu cờ Đảng, cờ Tổ quốc mừng tết Độc lập. Vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng đang vươn mình trong sức sống mới…
Từ những ngày sục sôi làm cách mạng…
Mảnh đất Phố Châu có khá nhiều tên gọi như: Hàm Phố (1945), Sơn Phố (1960) và từ năm 1989 mang tên thị trấn Phố Châu. Nhưng dù ở tên gọi nào, ký ức và niềm tự hào về những tháng ngày sục sôi của người dân đứng lên quyết tâm giành độc lập vẫn luôn sống mãi trong mỗi người con trên quê hương cách mạng.
Thị trấn Phố Châu hôm nay.
Ông Bùi Hải Anh – Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Châu tự hào: “Năm 1930, Chi bộ ghép Phố Châu – Tĩnh Diệm được thành lập. Đây là kết quả tất yếu của quá trình đấu tranh liên tục, của ý thức dân tộc và truyền thống yêu nước mà Nhân dân nơi đây hết thế hệ này đến thế hệ khác bồi đắp. Cùng với sự ra đời của chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng như: nông hội, tự vệ cũng lần lượt được thành lập”.
Ông Bùi Hải Anh – Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Phố Châu (trái) và ông Tống Trần Khiêm – Bí thư Chi bộ TDP 3 ôn lại lịch sử Đảng bộ thị trấn.
Dưới sự áp bức, đô hộ của thực dân, phong kiến, ngọn lửa căm thù trong trái tim những người cộng sản đã bùng cháy, lan rộng trên khắp vùng rừng núi Hương Sơn. Cùng với phong trào khởi nghĩa trên toàn tỉnh, chiều 18/8/1945, Mặt trận Việt Minh thị trấn Phố Châu họp để phổ biến chủ trương giành chính quyền. Đúng 5h sáng 19/8, sau 3 hồi trống thúc giục, hàng trăm người dân thị trấn Phố Châu đã xuống đường, hòa vào biển người hô vang các khẩu hiệu.
Trước khí thế xung thiên của biển người cùng với tiếng trống mõ liên thanh, bộ máy cai trị của thực dân Pháp buộc phải nằm im. Trước đông đảo quần chúng, Tri huyện Nguyễn Thạc Cường nộp ấn tín, tuyên bố giao chính quyền cho Nhân dân.
Đến hành trình xây dựng đô thị văn minh
Về Phố Châu hôm nay, những tuyến phố lớn nhỏ được “phủ kín” bằng bê tông, thảm nhựa sạch đẹp. Những ngôi nhà khang trang ngói mới đỏ tươi ẩn hiện vừa tạo nét yên bình mà vẫn thể hiện sự sung túc của phố núi.
Những con đường rực rỡ cờ hoa tại thị trấn Phố Châu mừng Tết Độc lập.
Từ địa phương chỉ vẻn vẹn 62,3 ha với gần 1.000 người được chia làm 9 tiểu khu (năm 1960), đến nay, diện tích toàn thị trấn đã tăng lên 463,62 ha với số dân gần 11.000 người sinh sống tại 11 tổ dân phố (TDP).
Tỷ lệ hộ nghèo từ trên 6% (năm 2018) nay chỉ còn 2,3%. Đời sống văn hóa ở khu dân cư, dòng họ có nhiều chuyển biến tích cực; hầu hết các TDP, đơn vị trên địa bàn thị trấn đều đạt danh hiệu “Văn hóa cấp tỉnh”.
Cụ Trần Thị Sinh (83 tuổi đời, 54 năm tuổi Đảng, trú TDP 5) phấn khởi: “Gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này, chứng kiến bao thăng trầm, đổi thay, tôi thật vui khi nhìn thấy thị trấn không ngừng phát triển, cuộc sống của Nhân dân ngày càng ấm no”.
Thị trấn hiện có trên 1.100 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó có khoảng trên 160 cơ sở có doanh thu từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong ảnh: Công ty TNHH Thủy Mộc Organic (TDP 5, thị trấn Phố Châu) sản xuất xúc xích, tạo thu nhập và việc làm cho người lao động.
Năm 2020, thị trấn Phố Châu đạt chuẩn văn minh đô thị (theo Thông tư số 02/2013/TT-BVHTTDL ngày 24/1/2013). Hiện nay, chính quyền và Nhân dân thị trấn lại dồn sức cho mục tiêu đạt chuẩn theo tiêu chí mới. Theo đánh giá, địa phương chỉ còn 2/7 tiêu chí chưa hoàn thiện là hệ thống giao thông kết nối vùng và tiêu chí nước sạch đô thị. Dù là các tiêu chí khó nhưng ý chí kiên cường được hun đúc từ vùng đất cách mạng, mỗi ngày, các TDP, từng người dân đều nỗ lực tạo ra những thành quả mới.
Ông Tống Trần Khiêm – Bí thư Chi bộ TDP 3 cho hay: “Cuối năm 2022, TDP là đơn vị đầu tiên của huyện đạt văn minh kiểu mẫu. Không dừng lại ở đó, chúng tôi tiếp tục rà soát, hoàn thiện các tiêu chí với mục tiêu xây dựng TDP ngày càng hiện đại, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Đến nay, 100% hệ thống ánh sáng đường phố đạt chuẩn, 50% ngã tư giao thông có camera giám sát; 100% tuyến phố được nhựa hóa; TDP không còn hộ nghèo…”.
Thị trấn Phố Châu có đa dạng hệ thống thương mại, dịch vụ, xây dựng, chế biến nông sản, các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp… Toàn thị trấn có trên 1.100 hộ sản xuất, kinh doanh, trong đó có 50% hộ thu hút từ 10 lao động trở lên, 30% trong số đó có doanh thu từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Đến thời điểm này, 100% tuyến đường ở thị trấn được bê tông hóa, 70% thảm nhựa; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 62 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 2,74%.
Thị trấn Phố Châu là đơn vị đầu tiên tổ chức ngày hội chuyển đổi số đầu tiên của huyện.
Chặng đường phát triển mới vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần tiếp bước truyền thống vùng quê cách mạng, dưới sự soi đường của Đảng, đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là nỗ lực của bà con, thị trấn quyết tâm hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn đô thị văn minh trong năm 2025, từng bước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đưa lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân”.
Ông Phan Xuân Định
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Phố Châu
Hoài Nam