Cuộc đời ông Trần Hữu Duyệt – Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên ở Hà Tĩnh vắt qua 2 chế độ, trải qua nhiều biến thiên dâu bể, chịu nhiều cực khổ, gian nan nhưng ý chí cách mạng, lòng yêu nước, thương dân thì vẫn tràn đầy.
Đồng chí Trần Hữu Duyệt – Chủ tịch UBND tỉnh đầu tiên ở Hà Tĩnh. Ảnh tư liệu
Đồng chí Trần Hữu Duyệt sinh ngày 2/10/1906 tại làng Nhượng Bạn, một làng nhỏ của dân chài lưới nằm cạnh cửa biển Kỳ La. Đất lành chim đậu, dân cư ngày càng đông đúc, đến thế kỷ XIX trở thành xã Nhượng Bạn, thuộc Tổng Lạc Xuyên, huyện Kỳ La (nay là xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên).
Linh khí quê hương, truyền thống văn hóa của vùng đất Nhượng Bạn đã hun đúc nên cốt cách Trần Hữu Duyệt. Bố của ông là một nhà Nho. Thuở nhỏ, ông đã được bố gửi vào Huế theo học tại trường Cô-le (trung học). Hồi còn học đệ tam, Trần Hữu Duyệt đã tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng ở Huế. Năm 1927, ông chính thức trở thành đảng viên Đảng Tân Việt. Cuối năm 1929, ông được giao nhiệm vụ lên Đà Lạt tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt của liên tỉnh Ngũ Trang (gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Lâm Đồng), thuộc Kỳ bộ Nam Kỳ.
Chi bộ Đảng Tân Việt của liên tỉnh Ngũ Trang do ông làm Bí thư đã nhanh chóng vận động công nhân và gây dựng cơ sở cách mạng ở Nhà máy Đèn, Khách sạn Ba Lát, Hỏa Sa. Đầu năm 1930, khi các tổ chức Đảng Tân Việt được giải thể để thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, ông Trần Hữu Duyệt đã trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương. Thời gian này, ông được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa và tiếp tục chỉ đạo Chi bộ Đảng Cộng sản Đà Lạt.
Cũng trong thời gian này, tại quê nhà, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là từ ngày 1/5/1930. Thực dân Pháp và phong kiến Nam triều thực hiện cuộc khủng bố trắng vô cùng khốc liệt, phong trào đã bị dìm trong biển máu. Sự khủng bố của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều không chỉ dừng ở vùng Nghệ An, Hà Tĩnh mà lan ra khắp nơi. Đồng chí Trần Hữu Duyệt bị bắt ở Nha Trang và bị kết án tù chung thân. Ông bị đày lên ngục Kon Tum, sau đó chúng chuyển ông ra giam ở nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị). Đấy là những tháng ngày Trần Hữu Duyệt chịu vô vàn cực hình tra tấn dã man của địch nhưng ý chí cách mạng của ông đã chiến thắng.
Năm 1936, ông ra tù trở về Hà Tĩnh trong sự quản thúc của chính quyền thực dân và phong kiến Nam triều địa phương. Năm 1941, Trần Hữu Duyệt liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ và tham gia Việt Minh Nghệ Tĩnh.
Ngày 20/5/1945, được sự giúp đỡ của Xứ ủy Trung Kỳ, Ban Vận động thành lập Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ra đời. Thực hiện chỉ thị của Trung ương, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh họp, quyết định nhiều biện pháp tích cực để khẩn trương chuẩn bị lãnh đạo quần chúng giành chính quyền khi thời cơ đến, đồng thời quyết định triệu tập Đại hội Việt Minh liên tỉnh Nghệ – Tĩnh.
Đồng chí Trần Hữu Duyệt (thứ 3 từ phải sang) và Chủ tịch Fidel Castro trong một chuyến thăm và làm việc tại Cuba. Ảnh tư liệu.
Ở Hà Tĩnh, theo quyết định của Đại hội Việt Minh liên tỉnh được chia làm 2 khu vực: phân khu Bắc Hà Tĩnh (còn gọi là Bắc Hà) gồm các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, do Ban Việt Minh liên tỉnh trực tiếp chỉ đạo và phân khu Nam Hà Tĩnh (còn gọi là Nam Hà) gồm: Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, do Việt Minh Nam Hà lãnh đạo.
Ngày 13/8/1945, hội nghị cán bộ Việt Minh Nam Hà họp tại nhà ông Nguyễn Xuân Bường ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), thảo luận kế hoạch khởi nghĩa và thành lập Ủy ban Khởi nghĩa. Đến ngày 15/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hà Tĩnh được thành lập gồm các đồng chí: Lê Lộc, Phạm Thể, Trần Hữu Duyệt, do đồng chí Lê Lộc làm Chủ tịch.
Chiều hôm đó, nhận được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Ủy ban Khởi nghĩa ban hành lệnh khởi nghĩa. Cùng với lệnh khởi nghĩa là lời kêu gọi đồng bào: “Hãy đoàn kết dưới ngọn cờ đỏ sao vàng của Việt Minh, đứng dậy đánh đổ chính phủ việt gian, lập chính quyền nhân dân cách mạng, sẵn sàng lực lượng đối phó với bọn phản động”(1).
Sau lệnh khởi nghĩa được ban hành, ủy ban khởi nghĩa các huyện được thành lập và nhanh chóng thống nhất kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Mít tinh, biểu tình, tuần hành vũ trang lôi cuốn hàng vạn người tham gia rầm rộ khắp nơi. Mọi vùng miền trong tỉnh không ai ngủ, náo nức, rộn ràng. Quan lại, tay sai địch hoang mang, công chức trong bộ máy địch bỏ việc hoặc tự nguyện tham gia Việt Minh. Bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến tê liệt.
Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 16 – 21/8/1945, chính quyền cách mạng, chính quyền của Nhân dân được thành lập. Ngày 18/8/1945, hàng nghìn quần chúng nhân dân đã mít tinh trọng thể ở sân vận động thị xã Hà Tĩnh, chào mừng sự ra đời của Chính phủ Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh. Trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng, nhiệt tình, thông minh trong công tác, gắn bó với phong trào quần chúng, ông Trần Hữu Duyệt là vị Chủ tịch đầu tiên của chính quyền non trẻ – chính quyền của Nhân dân (đến ngày 24/8/1945, chính quyền lâm thời cách mạng được đổi thành Ủy ban Nhân dân cách mạng tỉnh Hà Tĩnh). Cũng nhờ những phẩm chất trên, sau cuộc bầu cử ngày 17/2/1946, HĐND tỉnh bầu ra Ủy ban Hành chính tỉnh và ông lại được bầu làm Chủ tịch. Ông cũng là 1 trong 7 đại biểu Quốc hội khóa I được bầu tại Hà Tĩnh.
Cuối năm 1949, ông rời Hà Tĩnh ra làm Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Thanh Hóa. Rồi Khu ủy viên Liên khu IV, đặc trách phụ trách Mặt trận Bình Trị Thiên. Năm 1954, ông là Giám đốc Sở Công thương Liên khu IV. Sau đó, ông làm Chánh Văn phòng Bộ Ngoại thương, Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Ủy viên Trung ương Đoàn Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký MTTQ Việt Nam. Ông là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, khóa II. Với những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, ông được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Ngày 29/11/1986, ông đi vào cõi vĩnh hằng, hưởng thọ 80 tuổi. Cuộc đời ông vắt qua 2 chế độ, trải qua nhiều biến thiên dâu bể, chịu nhiều cực khổ, gian nan, nhưng ý chí cách mạng, lòng yêu nước, thương dân thì xuyên suốt cuộc đời.
Cử nghĩa hùng tâm khinh đỉnh hoạch
Trì dân, bảo đức đối giang sơn
(Nghĩa là: Làm việc nghĩa tỏ khí cao, chẳng màng chung đỉnh
Cứu nạn dân giữ đức cả, tỏ với giang sơn) (2).
Linh khí quê hương, cốt cách người Nhượng Bạn đã hun đúc nên cốt cách Trần Hữu Duyệt.
(Bài viết có sử dụng tư liệu trong Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh – NXB Chính trị Quốc gia, 1993; Lịch sử Hà Tĩnh – NXB Chính trị Quốc gia, 2001; Làng cổ Hà Tĩnh – Sở VHTT và Hội VHTT, XB, 2006 và do ông Trần Hữu Nhuần cung cấp).
(1). Trích Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh – NXB Chính trị Quốc gia, 1997, trang 142.
(2). Câu đối trong đền thờ Ông Văn Hiền ở làng Nhượng Bạn – Thái Kim Đỉnh dịch – Rút trong Làng cổ Hà Tĩnh, Sở VHTT và Hội VHNT, XB, 2006, trang 119.
Đức Ban