Nửa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã khẳng định bước chuyển mới thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Hà Tĩnh đang tiến bước vững chắc trong lộ trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Xây nền tảng bền vững
Phát biểu tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh với chủ đề “Hà Tĩnh – Hiện thực hóa tiềm năng và khát vọng” (diễn ra ngày 28/5/2023), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá: “Hà Tĩnh là một trong những địa phương có nhiều giải pháp, cách làm thiết thực, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, nhất là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo bộ, ngành Trung ương và Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh.
Bằng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, chú trọng đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng thiết thực, mang lại lợi ích chính đáng cho người dân, Hà Tĩnh đã thực hiện tốt “mục tiêu kép”, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, BCH Đảng bộ tỉnh và BTV Tỉnh ủy đã hoàn thành 57/58 nội dung trong chương trình trọng tâm toàn khóa.
Hệ thống cảng nước sâu là lợi thế lớn nhất của KKT Vũng Áng trong hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Đình Nhất
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, bao gồm những nguyên nhân bất khả kháng do khách quan, Hà Tĩnh vẫn phục hồi mạnh mẽ nền kinh tế, duy trì tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 5,65% trong giai đoạn 2021-2023; chấp thuận chủ trương đầu tư 82 dự án trong nước tổng vốn đăng ký gần 17 nghìn tỷ đồng, 4 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký gần 2,5 tỷ USD. Con số này so với cùng kỳ giai đoạn trước, vốn đăng ký tăng khá.
Bổ sung vào những tín hiệu lạc quan của nền kinh tế, từ 2021-2023, trên địa bàn đã thành lập mới gần 3.600 doanh nghiệp (DN), bình quân mỗi năm hơn 1.200 DN, vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra (mỗi năm thành lập mới trên 1.000 DN). Động lực tăng trưởng của nền kinh tế xuất hiện các yếu tố mới. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt 7,2%.
Có thể nhận thấy, kết quả đạt được là thành quả xứng đáng cho quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, đặc biệt là nỗ lực trong kết nối, thu hút nhà đầu tư lớn vào địa bàn nhằm tạo động lực phát triển như: Vingroup, Sungroup, VSIP, Silk Path, Hoàng Thịnh Đạt, Quế Lâm, Ecopark, FPT…
Đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút tại lễ động thổ động thổ dự án Nhà máy liên doanh sản xuất Pin Lithium VinES-Gotion tại Khu Kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh).
Trong bức tranh toàn cảnh đó, thương mại, dịch vụ, du lịch bổ sung những thành quả quan trọng, mang về tốc độ tăng trưởng gần 6%. Nông nghiệp có nhiều đột phá với điểm nhấn là các mô hình tích tụ ruộng đất được nhân rộng ở các địa phương, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích. Lĩnh vực văn hóa – xã hội được chú trọng và đạt nhiều thành tựu. Nhiều sự kiện văn hóa, thể thao tạo được dấu ấn tích cực; chất lượng giáo dục đại trà chuyển biến rõ nét; giáo dục mũi nhọn đạt kết quả cao; an sinh xã hội có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả.
Dưới định hướng của Nghị quyết 06, xã Vượng Lộc (Can Lộc) đã thực hiện cải tạo đồng ruộng gắn với cấp đổi lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với gần 100 ha đất sản xuất lúa của 2 thôn Đông Mỹ và Hạ Vàng.
Tiếp thu tinh thần vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của tỉnh, các địa phương đã ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nghị quyết đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Nhiều huyện, thành phố, thị xã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu nghị quyết đại hội đề ra như: Can Lộc 24/29; Cẩm Xuyên 24/28; Lộc Hà 21/27; TX Hồng Lĩnh 25/30; TX Kỳ Anh 18/20…
Nhất quán quan điểm, rõ chiến lược
Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh gặp những khó khăn chưa từng có như đại dịch COVID-19 kéo dài và trận lũ lịch sử trong tháng 10/2020 ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu.
Nhà văn hóa cộng đồng trở thành “phao cứu sinh” cho người dân thôn Tiền Phong, xã Quang Vĩnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) khi cơn lũ về.
Trước các vấn đề đặt ra, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh khẳng định rõ quan điểm ngay khi bước vào nhiệm kỳ mới: phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức để đề ra các giải pháp đồng bộ, căn cơ; tuyệt đối không làm chiếu lệ, hình thức, tô hồng thành tích. Trong xây dựng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động phải thể hiện quyết tâm cao nhưng phải sát thực tiễn. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phải luôn đổi mới theo hướng thiết thực, mang lại lợi ích chính đáng cho người dân; dành thời gian tối đa cho việc huy động nguồn lực, kêu gọi thu hút đầu tư, giải quyết tồn đọng ở cơ sở.
Nghi Xuân là địa phương đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn huyện NTM. Ảnh Đậu Hà
Chính từ quan điểm này, Hà Tĩnh đã tập trung rất cao để ban hành các nghị quyết, cơ chế chính sách hướng tới mục tiêu phát triển KT-XH và vì cuộc sống người dân. 15 nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã được ban hành, cùng đó là ra đời 23 đề án cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực KT-XH với kinh phí bố trí, thực hiện gần 5.400 tỷ đồng. 3 đột phá chiến lược được xác định rõ nét. 5 chương trình trọng điểm được tính toán căn cơ, rõ lộ trình.
Cùng với định hướng chiến lược, tỉnh cũng đã xác định mục tiêu quan trọng của nhiệm kỳ là phải khơi dậy sức mạnh văn hóa, con người Hà Tĩnh. Logic của tư duy này chính là quan điểm coi trọng tiềm lực con người, con người là hạt nhân của sự phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng và Chủ tịch UBND tỉnh Võ Trọng Hải tặng hoa tri ân các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm tiêu biểu, có nhiều đóng góp vào Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học” (tối 18/10/2021).
Với một tỉnh có nhiều điều kiện tự nhiên khó khăn như Hà Tĩnh, để vững vàng đi lên trong bối cảnh hiện tại, rõ ràng, chỉ trông chờ vào tiềm năng KT-XH là chưa đủ. Sức mạnh và sự sáng tạo của con người nơi mảnh đất giàu truyền thống văn hóa là tiềm năng có thể tạo ra đột phá cho quãng “bứt tốc” cũng như “đường trường”.
Nhờ sức mạnh này mà thời gian qua, Hà Tĩnh đã đạt nhiều thành tựu nói chung, trong đó triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội thiết thực, lan tỏa tinh thần nhân văn, nhân nghĩa, được cộng đồng xã hội dành nhiều sự ủng hộ như: hỗ trợ làm nhà ở cho người nghèo; xây dựng nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão, lũ; chương trình “Sóng và máy tính cho em”; thành lập Quỹ “Hỗ trợ học sinh đạt điểm cao, gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học”…
Khát vọng lớn, trách nhiệm cao
Nhiệm vụ đặt ra cho tỉnh trong nửa sau nhiệm kỳ là rất lớn, càng khó khăn hơn khi bối cảnh trong nước và thế giới tiếp tục có những biến động. Tại cuộc làm việc với BCH Đảng bộ tỉnh hồi đầu tháng 8/2023 về công tác tổ chức xây dựng Đảng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, đồng chí Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “BTV, BCH Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh phải tiếp tục quyết tâm phấn đấu, nỗ lực hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, xứng đáng là quê hương cách mạng, quê hương của 2 cố Tổng Bí thư và các anh hùng hào kiệt”.
Đồng chí Trương Thị Mai – Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng quà cho 24 hộ dân làng vạn chài Tiền Phong.
Cùng với các kế hoạch cụ thể hóa, lãnh đạo tỉnh cũng chỉ rõ: Để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, mỗi người dân và cộng đồng DN phải nỗ lực cao hơn nữa. Trong đó, phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn với nêu cao trách nhiệm của tổ chức và cá nhân, nhất là người đứng đầu; tạo chuyển biến rõ nét về công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIX và Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 8/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh. Tập trung triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trọng tâm là “4 ngành trọng điểm, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 1 trung tâm động lực tăng trưởng”; thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; tạo đột phá trong thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân, chăm lo thực hiện tốt an sinh xã hội.
Trong quá trình thực hiện khát vọng xây dựng Hà Tĩnh trở thành một trong những tỉnh phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, các cấp luôn chú trọng đảm bảo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”, nêu cao tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”, tạo đồng thuận cao trong xã hội.
Trước những hệ lụy nhãn tiền, cán bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đang rất mong muốn dừng dự án khai thác mỏ sát Thạch Khê.
Trên hành trình còn nhiều gian khó, Hà Tĩnh đang rất cần sự hỗ trợ của Trung ương bằng các chủ trương, chính sách như: hỗ trợ, giới thiệu các DN, tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn với những lĩnh vực Hà Tĩnh có lợi thế (công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép, logistics, cảng biển, du lịch biển…); hỗ trợ chương trình thí điểm xây dựng tỉnh NTM. Đặc biệt, cần đưa ra quyết định dứt khoát về việc dừng dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, tạo cơ sở quan trọng để Hà Tĩnh bổ sung chiến lược phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế vốn có, tạo nền tảng vững chắc trong phát triển KT-XH.
Mạnh Hà