Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay hợp tác xã của các tổ chức tín dụng đạt 142,92 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,16% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Dư nợ tín dụng của HTX đạt thấp
Đi vào hoạt động từ năm 2012, đến nay, Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan (xã Thạch Châu, Lộc Hà) đã không ngừng lớn mạnh. Với ngành nghề nuôi ngao thương phẩm tại các vùng bãi bồi ven sông Cửa Sót, 9 thành viên của HTX đã nỗ lực góp vốn để mở rộng quy mô sản xuất. Từ chỗ vài ha khi mới thành lập đến nay tổng diện tích khai thác của HTX đã tăng lên 40 ha. Nếu điều kiện thuận lợi, bình quân mỗi năm, HTX thu hoạch trên 800 tấn ngao thương phẩm, doanh thu khoảng 10 tỷ đồng.
Công nhân HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan phân loại ngao sau thu hoạch.
Bà Lê Thị Loan – Giám đốc HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan cho hay: “Phương án sản xuất kinh doanh khoa học, quy mô và hiệu quả hoạt động ngày càng được khẳng định nên HTX đủ điều kiện để tiếp cận vốn ngân hàng. Ngoài Agribank, chúng tôi còn được ACB Hà Tĩnh cho vay với hạn mức 5 tỷ đồng. Nhờ vậy, HTX có nguồn lực để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho gần chục lao động địa phương và đưa nguồn thu không ngừng tăng trưởng”.
HTX Nuôi trồng, thu mua, xuất nhập khẩu thủy hải sản Loan Hoan là một trong số rất ít HTX trên địa bàn Hà Tĩnh đủ lớn mạnh để tiếp cận vốn vay ngân hàng. Trên thực tế, nhiều HTX không đủ điều kiện để vay vốn từ phía các “nhà băng”.
Ông Lê Ngọc Trung – Giám đốc HTX Nông, lâm nghiệp và môi trường Sơn Hàm (Hương Sơn) chia sẻ: “Đơn vị chuyên sản xuất và cung ứng cây lâm nghiệp, cây bóng mát… trong và ngoài tỉnh. Tuy vậy, tình hình sản xuất ngày càng khó khăn khi thị trường tiêu thụ giảm dần. Cùng với đó, HTX chưa được cấp đất, chưa có tài sản đảm bảo nên ngân hàng từ chối cho vay vốn”.
Đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay HTX của các tổ chức tín dụng chỉ chiếm 0,16% tổng dư nợ toàn địa bàn.
Ông Trần Văn Anh – Giám đốc HTX Môi trường xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: “Đơn vị hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn các xã Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quan, Cẩm Quang, Cẩm Lộc, Cẩm Duệ… Mô hình hoạt động chủ yếu mang tính công ích, chưa đủ nguồn lực để đầu tư hoạt động sang các lĩnh vực khác nên doanh thu không đáng kể. Ngoài ra, HTX không có tài sản đảm bảo nên các ngân hàng thương mại đều từ chối khi chúng tôi đề nghị vay vốn”.
Nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tập thể phát triển, thời gian qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn đã chủ động cho các HTX đủ điều kiện tiếp cận vốn vay. Tuy vậy, điều đáng tiếc là khu vực kinh tế tập thể Hà Tĩnh chưa đủ mạnh để ”chạm” tới nguồn vốn của các “nhà băng”.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay HTX của các tổ chức tín dụng đạt 142,92 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,16% tổng dư nợ toàn địa bàn. Với 1.030 HTX đang hoạt động thì số dư nợ này là quá khiêm tốn.
Làm gì để tăng khả năng hấp thụ vốn?
Theo ông Võ Minh Mạnh – Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II: Với thế mạnh tín dụng nông nghiệp, nông thôn, nông dân, chi nhánh luôn tạo điều kiện để khu vực kinh tế tập thể tiếp cận vốn vay. Tuy vậy, số HTX hoạt động hiệu quả khiêm tốn nên dư nợ lĩnh vực này còn thấp. Đến nay chỉ có 10 HTX đang phát sinh dư nợ tại chi nhánh với tổng số tiền 21,8 tỷ đồng. Bởi vậy, việc đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho khu vực kinh tế tập thể là việc làm bức thiết.
Người dân đến giao dịch tại Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II.
Nói về những “rào cản” trong tiếp cận tín dụng, ông Nguyễn Ngọc Hùng – Chủ tịch Liên minh HTX Hà Tĩnh phân tích: “Năng lực tài chính, năng lực quản lý điều hành yếu kém, quy mô nhỏ lẻ, hạ tầng lạc hậu, hiệu quả thấp… là những nguyên nhân chính khiến nhiều HTX chưa tạo được niềm tin đối với các tổ chức tín dụng. Qua rà soát, đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong số 1.030 HTX đang hoạt động chỉ có 128 HTX xếp loại tốt. Ngoài ra, muốn vay vốn ngân hàng phải có tài sản đảm bảo, tuy vậy số HTX được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn còn ít (trên 100 HTX)”.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hùng, muốn tiếp cận vốn ngân hàng, đòi hỏi nội tại mỗi HTX phải tự nâng cao “chỉ số năng lực” bằng cách vươn lên đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực quản trị điều hành, năng lực tài chính. Cùng đó, các thành viên cần chủ động góp vốn, xây dựng và triển khai phương án sản xuất – kinh doanh phù hợp với thực tiễn, chuẩn hoá sản phẩm gắn với xúc tiến thương mại, mở rộng quy mô, gia tăng nguồn thu. Các HTX cũng cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt thông tin về các cơ chế, chính sách có liên quan, chủ động trong quan hệ giao dịch với các ngân hàng…
Về phía các sở, ban, ngành, địa phương cần vào cuộc quyết liệt, tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, có giải pháp hỗ trợ HTX về thủ tục hồ sơ; định hướng, tư vấn phương án sản xuất, kinh doanh, đường hướng hoạt động; hỗ trợ hạ tầng, công nghệ, xúc tiến thương mại. Đồng thời, tăng cường phối hợp với ngành Ngân hàng trong hoạt động thông tin, tuyên truyền cơ chế chính sách đến khu vực kinh tế tập thể, HTX; trong hoạt động kết nối – đối thoại; trong công tác xử lý tài sản đảm bảo, xử lý nợ xấu…
Liên minh HTX tỉnh cần tăng cường tập huấn cho các HTX trong việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Hà Tĩnh và các ngân hàng thương mại.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh phải thực sự là ”bà đỡ” của các HTX, trở thành cầu nối giữa cấp uỷ, chính quyền các cấp với HTX. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực cho HTX, đẩy mạnh tập huấn “cầm tay chỉ việc” cho HTX trong việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX, các ngân hàng thương mại…
Thu Phương