Bà con trồng trầu không ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang bước vào giai đoạn thu hoạch phục vụ thị trường rằm tháng 7.
Ông Phạm Công Nhớ thường thu hoạch trầu vào lúc sáng sớm.
Trên diện tích hơn 500 m2 , gia đình ông Phạm Công Nhớ (thôn Văn Sơn) trồng hơn 360 gốc trầu. Ông Nhớ cho biết: “Những ngày này, làng trầu nhộn nhịp người vào ra. Vườn trầu của gia đình tôi hầu như ngày nào cũng có thu nhập từ 1 – 1,5 triệu đồng/ngày. Để đáp ứng đủ số lượng hàng vào đợt cao điểm rằm tháng 7, chúng tôi lên kế hoạch thu hái, chăm sóc để cây ra lá đều đặn”.
Bà Nguyễn Thị Liêu thu hoạch lá trầu bán cho thương lái.
Không nằm ngoài không khí tất bật của thôn Văn Sơn vào dịp này, bà Nguyễn Thị Liêu vừa tưới xong gần 400 gốc trầu của gia đình. Bà Liêu cho biết: “Vụ trầu rằm tháng 7 sôi động nhất là từ ngày 11 – 15 (âm lịch). Trầu thu hoạch đến đâu có 4 – 5 người thu mua tận vườn đến đó. Tôi hái khá nhanh, hơn 1.000 lá/ngày nhưng vẫn không đáp ứng nhu cầu của khách nên phải huy động thêm 1 – 2 người cùng hái mới kịp. Tôi đang tập trung chăm sóc để phục vụ khách vào cao điểm rằm tháng 7″.
Đang tỉ mẩn chăm sóc giàn trầu, ông Phạm Công Thi (thôn Văn Sơn) chia sẻ: “Để có sản phẩm đảm bảo chất lượng, chúng tôi thường xuyên tỉa bỏ những lá nhỏ, lá hỏng, mỗi cành chỉ để từ 3 – 5 lá. Cây trầu thích hợp bón phân hữu cơ, phân vi sinh, không phun thuốc hóa học. Vườn trầu luôn được rào lưới kín để ngăn gia súc, gia cầm gây hại. Khi hái lá, người dân không sử dụng dao kéo mà dùng móng tay bấm vào cuống lá, giữ lại cuống dài khoảng 2-3 cm”.
Cây trầu thích hợp bón phân hữu cơ, phân vi sinh, không phun thuốc hóa học.
Theo người dân địa phương, thôn Văn Sơn nằm sát núi, mùa đông ấm, mùa hè thoáng mát, nắng vừa phải nên thích hợp cho cây trầu phát triển. Điều đặc biệt, cây chỉ sinh trưởng tốt khi sử dụng giống trầu của thôn Văn Sơn và trồng tại đây. Nếu nhân giống ở vùng khác hoặc đưa giống trầu mới về thôn Văn Sơn trồng đều không mang lại hiệu quả, cây còi cọc rồi chết.
“Trồng trầu có chi phí đầu tư ít nhưng thu nhập ổn định quanh năm. Trầu thường được bán từng tấm (khoảng 50 lá trầu) với giá 3.000 – 5.000 đồng/tấm vào ngày thường, dịp rằm tháng 7 có thể tăng lên 6.000 – 7.000 đồng/tấm. Trung bình ngày cao điểm, mỗi hộ bán ra từ 100 – 200 tấm trầu”, ông Phạm Công Thắng (thôn Văn Sơn) cho biết.
Dịp này, không khó bắt gặp những tiểu thương đến làng trầu tìm hiểu nhập hàng. Chị Nguyễn Mai Anh – chuyên kinh doanh trầu cau tại chợ TP Hà Tĩnh chia sẻ: “Trầu không ở thôn Văn Sơn, xã Đỉnh Bàn nổi tiếng thơm ngon với lá dày, to, mùi thơm và có vị cay đặc trưng nên khách hàng rất ưa chuộng. Tôi phải gọi điện trao đổi, đặt hàng với chủ vườn từ sớm và ngày nào cũng đến tận nơi để chọn mua từng tấm trầu”.
Mỗi tấm trầu có khoảng 50 lá được bán với giá 3.000 – 5.000 đồng/tấm vào ngày thường, dịp rằm tháng 7 có thể tăng lên 6.000 – 7.000 đồng/tấm.
Đến nay, toàn xã Đỉnh Bàn có khoảng 100 hộ trồng cây trầu “tiến vua”, tập trung ở thôn Văn Sơn (phần lớn là con cháu dòng họ Phạm Công) với 46 hộ, diện tích trung bình mỗi hộ trồng 100 – 400 m2, một số hộ trồng với quy mô lớn trên 1.000 m2.
Năm 2016, nghề trồng trầu tiến vua của dòng họ Phạm Công được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng Bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam. Năm 2021, tỉnh Hà Tĩnh công nhận nghề truyền thống trồng trầu đối với làng quê này.
Nhu cầu sử dụng trầu cau trở nên sôi động khi bước sang tháng 7 âm lịch.
Ông Phạm Công Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn thông tin: “Làng nghề trồng trầu ở thôn Văn Sơn có tuổi đời hàng trăm năm, kinh tế của bà con địa phương nhờ rất nhiều vào loại cây này. Hiện nay, các hộ hái lứa sớm và dồn sức chăm sóc để có hiệu quả kinh tế cao nhất vào rằm tháng 7 tới”.