Được công nhận đạt chuẩn OCOP, các sản phẩm nông nghiệp của Vũ Quang (Hà Tĩnh) không chỉ có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ ổn định mà còn giúp người sản xuất nâng cao thu nhập và có điều kiện mở rộng quy mô.
Ông Phùng Đăng Anh ở thôn 3 (xã Ân Phú) thu hoạch mật ong của gia đình.
Được thành lập vào năm 2015 với 10 thành viên, đến nay, HTX Nuôi ong Ân Phú đã có 27 thành viên. Để sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường, ổn định đầu ra cho bà con, đầu năm 2019, HTX bắt tay vào xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP.
Ông Phùng Đăng Anh ở thôn 3 (xã Ân Phú) – thành viên HTX cho biết, được các cấp tập huấn về kỹ thuật, kinh nghiệm và sự quyết tâm nâng tầm mật ong Ân Phú của các thành viên nên đầu năm 2020, HTX đã xây dựng thành công sản phẩm mật ong Ân Phú đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ khi xây dựng thành công thương hiệu, bà con trong HTX không còn lo lắng về đầu ra, cứ vào vụ là thương lái đến tận nhà thu mua.
Bình quân mỗi năm, gia đình ông Anh cung cấp ra thị trường hơn 350 lít mật, với giá 250 nghìn đồng/lít, thu về hơn 75 triệu đồng.
Ông Anh cho biết: “Gia đình tôi hiện nuôi gần 40 đàn ong, bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường hơn 350 lít mật, với giá 250 nghìn đồng/lít, tôi thu về hơn 75 triệu đồng. Thu nhập từ nuôi ong đã giúp gia đình từ hộ khó khăn vươn lên trở thành hộ khá của địa phương. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình OCOP, sản phẩm mật ong của gia đình đã có chỗ đứng trên thị trường, đến mùa, thương lái và “mối quen” đến đặt hàng cả vụ, không còn phải lo tìm đầu ra như trước”.
Được biết, toàn xã Ân Phú hiện có trên 40 hộ nuôi ong, với hơn 550 đàn. Trong đó, HTX Nuôi ong Ân Phú đã xây dựng thành công sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để nghề nuôi ong lấy mật ở địa phương ngày một phát triển, sản phẩm mật ong ngày càng vươn ra các thị trường lớn, chính quyền địa phương đang vận động các hộ tham gia HTX nhằm đồng nhất chất lượng sản phẩm, từ đó có thể nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Sản phẩm mật mía của HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ được công nhận OCOP 3 sao vào năm 2023.
Năm 2020, sản phẩm mật mía của HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đây được xem là bước đệm để sản phẩm được khẳng định chất lượng và có thêm nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Chị Đoàn Thị Nhàn – Giám đốc HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ cho biết: “Được các cấp định hướng, hỗ trợ, chúng tôi đã mạnh dạn xây dựng thương hiệu. Từ khi mật mía Sơn Thọ được công nhận OCOP 3 sao, các thành viên trong HTX ai cũng phấn khởi vì nhờ đó, sản phẩm kết nối thị trường tiêu thụ rộng rãi trong và ngoài tỉnh, giá thành cũng cao hơn trước”.
Mỗi năm, HTX Dịch vụ mật mía Sơn Thọ tiêu thụ khoảng 450 tấn mía tươi cho bà con trên địa bàn.
Cũng theo chị Nhàn, bình quân mỗi năm, HTX tiêu thụ khoảng 450 tấn mía tươi cho bà con trên địa bàn, chiết xuất được khoảng 45 tấn mật, doanh thu đạt khoảng 1,8 tỷ đồng. Có thể nói, OCOP đã giúp sản phẩm mật mía của bà con được vươn xa, cuộc sống nhờ đó cũng ổn định hơn trước.
Ông Nguyễn Đăng Nhàn – Chủ tịch UBND xã Thọ Điền cho hay: “Toàn xã sản xuất gần 30 ha mía, trung bình mỗi năm, làng mía Thọ Điền cung cấp ra thị trường gần 160 tấn mật thương phẩm, mang về cho người dân nguồn thu khá. Để giúp người dân nâng cao thu nhập từ nghề trồng mía và ép mật, chính quyền địa phương đang vận động người dân tham gia vào HTX để mở rộng quy mô, sản xuất tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Được biết, ngoài mật ong Ân Phú, mật mía Sơn Thọ, trên địa bàn Vũ Quang còn 11 sản phẩm OCOP tiêu biểu khác như: cam Thân Thành và hồng Bình Du (xã Đức Lĩnh); cam Huân Tâm (xã Đức Giang); cam Thành Đạt (xã Đức Liên); cam Thượng Bồng (xã Đức Bồng); cam Bảo Lê (xã Đức Hương); tinh bột nghệ và dầu lạc Hải Lợi (thị trấn Vũ Quang); cam Bảo Phương, cam Hoài Luân và nước chấm Thanh Mai (xã Quang Thọ)… Đây đều là những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, nhờ được đầu tư về kỹ thuật, quy trình sản xuất đảm bảo nên các sản phẩm làm ra luôn được khách hàng đánh giá cao, tin tưởng sử dụng.
Cam Bảo Phương – sản phẩm OCOP 3 sao của Vũ Quang.
Bà Nguyễn Thị Lương – Phó Chánh Văn phòng NTM huyện Vũ Quang đánh giá: “OCOP như chiếc vé “thông hành” giúp các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của địa phương tiếp cận được nhiều thị trường, khách hàng. Qua đó, không chỉ giúp người sản xuất cải thiện thu nhập mà còn giúp địa phương đa dạng các sản phẩm OCOP. Đồng hành cùng người dân trên hành trình “nâng tầm” sản phẩm nông nghiệp, những năm qua, huyện đã có nhiều chính sách hỗ trợ.
Theo đó, ngoài hỗ trợ kỹ thuật, quy trình, hồ sơ… để xây dựng sản phẩm OCOP, huyện còn hỗ trợ các sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao số tiền 30 triệu đồng, 40 triệu đồng đối với sản phẩm đạt 4 sao và 50 triệu đồng đối với sản phẩm đạt 5 sao. Bên cạnh đó, huyện còn khuyến khích, hỗ trợ nông dân hình thành các vùng sản xuất tập trung, mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch cho giá trị kinh tế cao để tăng giá trị sản xuất, góp phần tăng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM của huyện”.
Văn Chung