Trước tình trạng, tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính vẫn chưa đạt như kỳ vọng và chưa có sự đồng đều giữa các địa phương, đơn vị, Hà Tĩnh đang tập trung nhiều giải pháp để nâng cao tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Người dân đến nộp hồ sơ trực tiếp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Thời gian qua, các cấp, ngành trên địa bàn Hà Tĩnh triển khai nhiều biện pháp để nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính song kết quả vẫn chưa đạt kỳ vọng và chưa có sự đồng đều giữa các địa phương, đơn vị.
Cho đến nay, ở cấp huyện, TX Hồng Lĩnh đang là địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính cao nhất. Cập nhật từ Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến ngày 7/8, tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến của TX Hồng Lĩnh đạt 46,2%.
Ông Hoàng Thế Hùng – Chánh văn phòng HĐND – UBND thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, thị xã đã lên kế hoạch và giao chỉ tiêu cho từng phòng, ban và các xã, phường trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn, triển khai thanh toán trực tuyến. Đặc biệt, thị xã đã mời Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh về tập huấn các kỹ năng, kiến thức về thanh toán trực tuyến cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại các bộ phân giao dịch hành chính. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ thanh toán trực tuyến đã có sự chuyển biến rõ nét”.
Ngoài thị xã Hồng Lĩnh, một số địa phương cũng đang có tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở mức khá cao như: Hương Khê với 23,02%, TP Hà Tĩnh trên 22,35%. Đối với khối sở, ngành, qua cập nhật từ Cổng Dịch vụ công quốc gia đến ngày 7/8, có nhiều đơn vị đạt tỷ lệ thanh toán trực tuyến rất cao như: Sở Tài nguyên và Môi trường với tỷ lệ 90,09%, Sở Tư pháp đạt 90,09%, Sở Giao thông vận tải đạt 85,75%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 61,9%, Sở TT&TT đạt 61,54%…
Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến cập nhật trên Công Dịch vụ công quốc gia của Hà Tĩnh đạt 13,88%. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, bên cạnh các địa phương và sở, ngành có tỷ lệ thanh toán trực tuyến ở mức cao thì nhiều đơn vị đang có kết quả thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính đạt ở mức thấp như: huyện Thạch Hà mới đạt 0,44%, huyện Hương Sơn 0,66%, huyện Cẩm Xuyên 2,03%, huyện Kỳ Anh 2,39%, huyện Nghi Xuân 3,23%, huyện Can Lộc 7,97%, huyện Lộc Hà 8,28%, Sở VH-TT&DL 7,41%, Sở Xây dựng 15,91%.
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng là giải pháp quan trọng để nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Việc nhiều sở, ngành, địa phương có tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính đạt mức thấp khiến cho tỷ lệ của toàn tỉnh không đạt được kết quả kỳ vọng. Đến nay, tỷ lệ thanh toán trực tuyến toàn tỉnh chỉ mới đạt 13,88%, trong khi theo kế hoạch CCHC năm 2023 do UBND tỉnh ban hành vào ngày 23/12/2022, thì tối thiểu 50% thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 40% trở lên.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo các trung tâm hành chính công cấp huyện, việc tỷ lệ thanh toán trực tuyến trong giải quyết thủ tục hành chính còn thấp là do nhận thức của một bộ phận người dân chưa thay đổi. Vẫn còn duy trì thói quen giao dịch hành chính và nộp lệ phí trực tiếp. Bên cạnh đó là điều kiện về thiết bị, kiến thức về CNTT để triển khai thanh toán trực tuyến của một bộ phận người dân còn có những hạn chế và chưa đồng đều.
Để khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, tại Kỳ họp thứ 14 vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết 101/2023/NQ-HĐND về sửa đổi, bổ sung một số khoản phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Theo đó, nhiều loại thủ tục hành chính khi người dân nộp qua môi trường mạng sẽ được giảm 50% phí và lệ phí.
Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chuyển đổi số trong cộng đồng để tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính bằng dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến.
Ông Dương Văn Tuấn
Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Tĩnh
Phúc Quang