Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đặt ra mục tiêu đến năm 2025, Hà Tĩnh hoàn thành các tiêu chí tỉnh đạt chuẩn NTM. Đó cũng chính là hành trình phấn đấu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và vai trò chủ thể của cư dân nông thôn. Trong gần nửa thời gian còn lại của nhiệm kỳ 2020-2025, Hà Tĩnh sẽ huy động cả hệ thống chính trị, các nguồn lực xã hội và mỗi người dân cùng chung sức với quan điểm xuyên suốt xây dựng NTM ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và bền vững.
Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, Hà Tĩnh xác định lộ trình, đến năm 2024, tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đây cũng chính là bước đi quan trọng thúc đẩy tỉnh nhà từng bước hoàn thành các tiêu chí của Đề án xây dựng thí điểm tỉnh NTM.
Quyết định số 312/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đặt ra yêu cầu khá cao. Cả nước mới có 5 tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương). Tại Hà Tĩnh, các yêu cầu hoàn thành về số huyện, xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao; các tiêu chí về giao thông, cây xanh; chỉ số hài lòng của người dân đều đang trong chặng nước rút.
Theo đánh giá tiến độ, đến nay, tỉnh có 7/10 huyện đạt chuẩn NTM; 3 huyện chưa đạt chuẩn gồm: Lộc Hà, Kỳ Anh và Hương Khê. Trong đó, 2 huyện Lộc Hà, Kỳ Anh đã có 100% số xã đạt chuẩn; Lộc Hà cơ bản hoàn thành 9/9 tiêu chí cấp huyện, đang chờ thẩm định và Kỳ Anh đang nỗ lực đạt chuẩn vào cuối năm 2023.
Huyện Kỳ Anh đang nỗ lực đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2023 (trong ảnh: khu dân cư kiểu mẫu Phú Tân, xã Kỳ Phú).
Trong khí thế hào hứng khi hình hài huyện NTM đang dần hình thành, những ngày này, huyện Kỳ Anh đang “rốt ráo” hoàn thiện những chỉ tiêu, phần việc còn lại để xây dựng hồ sơ, trình thẩm định huyện đạt chuẩn NTM vào tháng 10/2023. Ông Trần Công Toàn – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh chia sẻ, là huyện khó khăn nên hành trình xây dựng NTM ở địa phương còn nhiều gian nan, khối lượng công việc lớn và nhiều tiêu chí đòi hỏi nguồn lực, sự đầu tư vào chiều sâu. Đơn cử, tiêu chí môi trường có đến 8 bộ chỉ tiêu – là tiêu chí khó không riêng với Kỳ Anh mà với hầu hết các huyện trong tỉnh. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, Kỳ Anh từng bước gỡ khó với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, trong đó, việc phân loại triệt để rác thải sinh hoạt đã trở thành một điểm sáng trong toàn tỉnh. Không chỉ phân loại tại nguồn, Kỳ Anh còn tổ chức thu gom riêng 2 loại rác hữu cơ và vô cơ với 2 xe chuyên dụng, từ đó giúp người dân có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường.
Việc phân loại triệt để rác thải sinh hoạt ở huyện Kỳ Anh đã trở thành một điểm sáng trong toàn tỉnh.
Về xã vùng biển Kỳ Phú (huyện Kỳ Anh) có thể cảm nhận mỗi người dân ở đây đều ra sức gìn giữ môi trường, làm đẹp cảnh quan thôn xóm. Đến nay, 100% hộ dân tự giác thực hiện phân loại rác tại nguồn; các tuyến đường trục xã, ngõ thôn có hàng rào xanh và thường xuyên sạch sẽ. Anh Hoàng Văn Lập (thôn Phú Thượng) chia sẻ: “Việc xử lý rác tại nguồn gặp một số khó khăn ban đầu do chưa quen. Tuy nhiên, khi đã trở thành nền nếp thì mọi việc trở nên dễ dàng. Hiện nay, việc làm sạch, đẹp từng khu dân cư trở thành thói quen, nhu cầu hằng ngày của gia đình tôi cũng như bà con trong xã”.
Cùng với tiêu chí môi trường, tiêu chí nước sạch tập trung ở huyện Kỳ Anh cũng đang tìm được hướng tháo gỡ khi tiến độ các dự án cấp nước tập trung tại xã Lâm Hợp và vùng phụ cận, tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng; tại xã Kỳ Lạc, tổng mức đầu tư 13 tỷ đồng đang được đẩy nhanh. Huyện đang đề xuất tỉnh sớm phê duyệt danh mục dự án xã hội hóa đầu tư dự án nước sạch Kỳ Đồng và vùng phụ cận, đồng thời, mở rộng mạng lưới cấp nước từ hệ thống nhà máy nước TX Kỳ Anh, cấp cho các xã: Kỳ Thọ, Kỳ Tân và Kỳ Văn. Đánh giá các tiêu chí huyện NTM, Kỳ Anh hiện có 4/9 tiêu chí (27/36 chỉ tiêu) cơ bản đạt, các chỉ tiêu còn lại đã tiệm cận chuẩn.
Đánh giá các tiêu chí huyện NTM, Kỳ Anh hiện có 4/9 tiêu chí (27/36 chỉ tiêu) cơ bản đạt, các chỉ tiêu còn lại đã tiệm cận chuẩn.
Toàn tỉnh chỉ còn Hương Khê hiện có 4 xã chưa đạt chuẩn NTM, gồm: Hương Liên, Hương Lâm, Hà Linh, Điền Mỹ. Đây là các xã miền núi, biên giới, thường xuyên gặp thiên tai, lũ lụt… Xã Hương Liên là địa phương nằm khá tách biệt với trung tâm huyện và các xã khác. Do địa hình bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối, giao thông cách trở nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Để làm “đòn bẩy” giúp Hương Liên cán đích, theo phân công của Chủ tịch UBND tỉnh, các đơn vị cấp tỉnh đã trực tiếp đỡ đầu, tài trợ xã thực hiện các tiêu chí. Với quan điểm “thôn tốt thì xã tốt”, các đơn vị đã phân công hỗ trợ từng thôn thực hiện các tiêu chí. Nhờ đó, Hương Liên thời gian qua như một “đại công trường”. Ngoài đường, người dân “nô nức” sẻ phát, mở rộng hành lang, đổ bê tông kiên cố; trong vườn tất bật phá bỏ vườn tạp, trồng cây ăn quả, di dời chuồng trại, chỉnh trang nhà cửa… Đặc biệt, trên mỗi công trình, mỗi mô hình sản xuất đều có hình bóng của bộ đội, cán bộ, giáo viên, đoàn viên…
“Là xã đặc biệt khó khăn, chúng tôi nhận được nhiều sự hỗ trợ của các cấp, ngành. Theo thống kê trong năm 2022, các sở, ngành đã hỗ trợ địa phương với nguồn lực gần 3 tỷ đồng, tạo “cú hích” quan trọng để người dân thay đổi nhận thức, chủ động thực hiện các phần việc. Đến nay, xã đã hoàn thành 20/20 tiêu chí và 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu “chạm” chuẩn, đang trình hồ sơ chờ đánh giá, công nhận”, ông Trần Phúc Anh – Bí thư Đảng ủy xã Hương Liên chia sẻ.
Người dân xã Hương Liên làm hàng rào xanh, xây dựng khu dân cư mẫu.
Thời gian qua, Hương Liên như một “đại công trường”, khắp nơi thi đua xây dựng NTM.
Với sự hỗ trợ, đỡ đầu của các cấp, ngành, đến nay, xã Hương Liên đã hoàn thành 20/20 tiêu chí, đang chờ công nhận đạt chuẩn.
Trong hơn 1 năm qua, thôn 3, xã Điền Mỹ đã nhận được sự hỗ trợ 300 lượt ngày công của cán bộ, nhân viên các phòng, ngành, đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT. Theo ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) vào mỗi cuối tuần, cán bộ, nhân viên các đơn vị thuộc sở về với thôn, vừa tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn bà con thực hiện các tiêu chí, vừa trực tiếp tham gia trong từng phần việc. Ngoài hỗ trợ bằng tiền mặt trị giá gần 80 triệu đồng, các đơn vị thuộc sở cũng kêu gọi hỗ trợ nhiều trang thiết bị nhà văn hóa, trường học, vật liệu xây dựng, cây xanh, con giống… với trị giá hàng chục triệu đồng.
Ông Phan Kỳ – Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê cho biết: “Tiến độ thực hiện ở những xã thuộc nhóm cuối đang rất khẩn trương. Đặc biệt, với sự đỡ đầu của các cấp, ngành, một số xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí như: Hương Lâm, Hương Liên. Với các xã còn lại, huyện đang tổ chức đánh giá, rà soát cụ thể, xây dựng giải pháp đối với một số nội dung, tiêu chí khó, như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, trường học, nhà ở dân cư, môi trường và an toàn thực phẩm, khu dân cư kiểu mẫu”.
Xã Hương Lâm, huyện Hương Khê cũng đã nỗ lực hoàn thành 20/20 tiêu chí, đang chờ đánh giá, thẩm định.
Những ngày này, không khí thi đua hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao cũng đang diễn ra sôi nổi trên toàn tỉnh, nhằm sớm đáp ứng yêu cầu có ít nhất 20% số huyện và 40% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 312/QĐ-TTg. Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà là 3 huyện được tỉnh lựa chọn xây dựng NTM nâng cao, hiện đang dồn sức thực hiện các tiêu chí.
Tại huyện Đức Thọ, trong 2 năm 2021 và 2022, BCH Đảng bộ huyện đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề và nhiều chính sách hỗ trợ thực hiện các tiêu chí. Đặc biệt, hằng năm, huyện thành lập các tổ công tác chuyên môn – là “đội đặc nhiệm” trực tiếp về chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ tại các xã, từ đó tạo điểm tựa cho địa phương tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí cấp xã.
Ông Bùi Anh Sơn – Chủ tịch UBND xã Yên Hồ cho biết: “Chúng tôi lựa chọn giáo dục là lĩnh vực nổi trội và huy động được hàng chục tỷ đồng để xây dựng các hạng mục, công trình. Đến nay, xã có 3 trường học đều đạt chuẩn mức độ 1, trong đó có 2 trường đạt chuẩn mức độ 2. Riêng trường tiểu học đang xây dựng trường học hạnh phúc. Hiện nay, toàn xã đã có kết cấu hạ tầng khang trang, hiện đại; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm; 6/6 thôn kiểu mẫu. Yên Hồ đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu trở thành xã NTM kiểu mẫu”.
Không khí thi đua hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao luôn được duy trì trên các thôn, xóm ở huyện Đức Thọ.
Đức Thọ hiện có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Dự kiến đến năm 2024, địa phương có 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, ít nhất 4-5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND huyện, địa phương đang bám sát bộ tiêu chí mới để xây dựng kế hoạch thực hiện, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa có tính chiến lược, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu đúng kế hoạch đề ra.
Ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định 318/QĐ-TTg, 319/QĐ-TTg, 320/QĐ-TTg và 321/QĐ-TTg quy định các bộ tiêu chí xã, huyện, tỉnh NTM giai đoạn 2021-2025. Để đáp ứng các tiêu chí mới của Trung ương, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành các quyết định để tổ chức thực hiện trên địa bàn (Quyết định 36/2022/QĐ-UBND, 37/2022/QĐ-UBND, 38/2022/QĐ-UBND). Tại hội nghị đánh giá giữa kỳ thực hiện Đề án thí điểm xây dựng tỉnh đạt chuẩn NTM (tháng 4/2023), Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch nâng cấp và tổ chức thực hiện đảm bảo đạt chuẩn theo bộ tiêu chí mới trong năm 2023.
Bộ tiêu chí mới yêu cầu có thêm các tiêu chí chất lượng sống và nhiều tiêu chí khác.
Theo chuẩn mới, nhiều tiêu chí cần phải củng cố, nâng cao, bổ sung như: tiêu chí môi trường có yêu cầu cao hơn; có thêm các tiêu chí chất lượng sống, truy xuất nguồn gốc… Hiện nay, các xã, huyện ở Hà Tĩnh đã tổ chức rà soát, nâng cấp các tiêu chí; nhiều địa phương từng bước chuyển sang xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đảm bảo tính liên tục, bền vững và có chiều sâu. Như huyện Vũ Quang, đã sớm về đích các tiêu chí huyện NTM vào năm 2020, hiện nay, so với bộ tiêu chí mới, một số chỉ tiêu ở địa phương còn đang thấp hơn yêu cầu. Huyện xác định việc giữ chuẩn các tiêu chí theo yêu cầu mới là nội dung hết sức quan trọng, từ đó chủ động xây dựng các giải pháp, tổ chức các đợt phát động phong trào thi đua xây dựng NTM.
Bà Nguyễn Thị Lương – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Quang cho biết, các địa phương đang tập trung nâng cấp, làm mới đường giao thông, mương rãnh thoát nước, lắp đặt đường điện chiếu sáng; khảo sát, xây dựng nhà vườn sinh thái, cụm dân cư sinh thái… để đáp ứng yêu cầu củng cố, nâng cao các tiêu chí.
Điểm bổ sung rất mới trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021- 2025, đó là yêu cầu 100% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.
Điểm bổ sung rất mới trong bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 đó là yêu cầu 100% phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh. Đây là nội dung đặt ra nhiều thách thức cho các địa phương. Theo báo cáo của Sở VH-TT&DL, đến nay, trong số 34 phường, thị trấn trên toàn tỉnh chưa có đơn vị nào được công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định số 04/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. “Công tác xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh ở nhiều địa phương đang gặp khó khăn do thời gian thực hiện gấp rút, trong khi việc thực hiện các tiêu chí này cần từng bước. Tuy nhiên, mỗi phường, thị trấn của các huyện, thành, thị ở Hà Tĩnh đều xác định rõ mục tiêu và có những cách làm, giải pháp linh hoạt, hiệu quả để cùng hướng về một mục tiêu chung là đạt chuẩn đô thị văn minh”, ông Trần Viết Hiệu – Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT&DL) trao đổi.
Thị trấn Lộc Hà đang triển khai nhiều cách làm linh hoạt để tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng đô thị văn minh.
Thị trấn Lộc Hà là đô thị non trẻ (thành lập năm 2020) nên việc tiến tới đạt chuẩn đô thị văn minh đang gặp lực cản rất lớn, đó là nhiều công trình hạ tầng đô thị thiết yếu xây dựng trước năm 2014 đã xuống cấp. Ông Văn Thành Đô – Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Địa phương đang tranh thủ mọi nguồn lực để đẩy mạnh phát triển KT-XH, đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, ưu tiên đầu tư các công trình phúc lợi phục vụ dân sinh. Nhiều cách làm linh hoạt đang được triển khai để tiếp tục huy động nguồn lực trong Nhân dân, xây dựng kết cấu hạ tầng trong các tổ dân phố (giao thông đô thị, tiêu thoát nước thải, điện chiếu sáng và các công trình công cộng…) tạo bộ mặt đô thị ngày thêm khởi sắc. Bảo đảm việc xây dựng đúng quy hoạch, có kiến trúc hài hòa.
Phường Bắc Hồng, TX Hồng Lĩnh đang tích cực tuyên truyền, tổ chức thực hiện đề án đã phê duyệt đảm bảo lộ trình.
Tại thị xã Hồng Lĩnh, đến nay, 3/5 phường chưa được phê duyệt đề án xây dựng phường đạt chuẩn đô thị văn minh (Đậu Liêu, Đức Thuận, Trung Lương). Ông Đặng Quang Vinh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin, UBND thị xã Hồng Lĩnh cho hay, thị xã yêu cầu các địa phương này khẩn trương hoàn thiện đề án để trình phê duyệt và triển khai thực hiện, đồng thời các phường Bắc Hồng, Nam Hồng đang tích cực tuyên truyền, tổ chức thực hiện đề án đã phê duyệt đảm bảo lộ trình. Trong đó, giải pháp trọng tâm là tranh thủ cơ chế hỗ trợ đầu tư các cấp, vận động Nhân dân hiến đất, tài sản để tái thiết, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị. Bên cạnh đó, để đưa tỷ lệ đất cây xanh công cộng từ 4 mét vuông/người hiện nay đạt 5 mét vuông/người theo yêu cầu mới, địa phương đã huy động cộng đồng tích cực hưởng ứng phong trào trồng cây xanh; riêng năm 2022 đã trồng mới 2.500 cây xanh, đầu tư xây dựng 1 tiểu công viên cây xanh với diện tích 1,1 ha.
Trung tâm thị xã Kỳ Anh nhìn từ trên cao.
Tại thị xã Kỳ Anh, dự kiến cuối năm 2023, 6/6 phường sẽ đạt chuẩn theo kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND thị xã cho hay, để đạt mục tiêu này, các địa phương đang tập trung cao cho công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình, dự án nhằm góp phần hoàn thiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh. Cùng với đó, lồng ghép thực hiện nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với việc thực hiện tiêu chí, trình tự, thủ tục xét công nhận đạt chuẩn đô thị văn minh. Tranh thủ vận dụng nguồn lực xã hội hóa để đẩy nhanh tiến độ xây dựng phường đạt chuẩn.
Các địa phương bước vào giai đoạn đầu tư, nâng cấp các tiêu chí theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025.
Thực tế cho thấy, dù đã có nhiều nỗ lực, đặt quyết tâm cao trên chặng nước rút, tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM còn nhiều khó khăn, thử thách, nhất là khi các địa phương bước vào giai đoạn đầu tư, nâng cấp các tiêu chí theo chuẩn mới giai đoạn 2021-2025. Từ đó đặt ra yêu cầu cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải tiếp tục “giữ lửa” phong trào xây dựng NTM; đồng thời sâu sát, cụ thể, quyết liệt và có nhiều cách làm sáng tạo để hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch với quan điểm xây dựng NTM là hành trình không có điểm kết thúc.
Bài, Ảnh, Video: Nhóm PV
THIẾT KẾ & KỸ THUẬT: THÀNH NAM – NGỌC NHI
2:08:08:2023:08:37