Tại chung kết Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – phát huy tài nguyên bản địa” do Hội LHPN tỉnh tổ chức, 12 tác giả có ý tưởng xuất sắc nhất đã thực hiện phần thuyết trình để tìm ra người thắng cuộc.
Chiều 4/10, Hội LHPN Hà Tĩnh phối hợp cùng Hiệp hội Nữ doanh nhân Hà Tĩnh tổ chức chung kết Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 và Lễ ký kết Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN Hà Tĩnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chi nhánh Hà Tĩnh và các chi nhánh ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Hà Tĩnh, giai đoạn 2023 – 2026. |
Các đại biểu tham dự chương trình.
Triển khai từ tháng 3/2023, Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 do Hội LHPN Hà Tĩnh tổ chức đã nhận được sự tham gia hưởng ứng tích cực của các hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh.
Ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 73 ý tưởng khởi nghiệp từ các cấp hội. Nhìn chung, các ý tưởng đã thể hiện tinh thần nhiệt huyết, sự đổi mới và sáng tạo cũng như tiềm năng trong khởi nghiệp, phát triển kinh tế của phụ nữ Hà Tĩnh. Trải qua các vòng loại, đến nay, có 12 ý tưởng/dự án xuất sắc lọt vào vòng chung kết. Đây là những ý tưởng khởi nghiệp mới lạ, có tính khả thi cao, phù hợp với nhu cầu thực tế, trong đó có những sản phẩm làng nghề truyền thống, phát huy tài nguyên bản địa, thân thiện với môi trường…
Tại vòng chung kết cuộc thi, các ứng viên đại diện cho các ý tưởng khởi nghiệp sẽ thuyết trình trực tiếp, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tiềm năng hoặc mô hình kinh doanh tiêu biểu của mình trước Ban giám khảo. Các giám khảo là những nhà quản lý, có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, nông nghiệp, sản phẩm OCOP… sẽ đánh giá, tạo điều kiện hỗ trợ các ý tưởng, dự án tiếp tục được hiện thực hóa sản xuất, kinh doanh.
Thành phần Ban giám khảo chung kết cuộc thi.
Sau khai mạc, 12 thí sinh bước vào phần thuyết trình ý tưởng. Dự kiến, cuộc thi sẽ được tổng kết và trao giải vào ngày mai (5/10).
Thí sinh Lê Nguyễn Khánh Diệp (Cẩm Hà, Cẩm Xuyên) trình bày ý tưởng “Sản xuất dầu gội cô đặc thiên nhiên Mộc Đồng”.
Các ý tưởng, dự án lọt vào chung kết Cuộc thi “Phụ nữ Hà Tĩnh khởi nghiệp – Phát huy tài nguyên bản địa” năm 2023 gồm: – Sản xuất dầu dinh dưỡng cho bé ăn dặm; sản xuất Trầm hương Bảo Hưng (thị trấn Hương Khê). – Sản xuất dầu gội cô đặc thiên nhiên Mộc Đồng (Cẩm Hà, Cẩm Xuyên). – Sản xuất cháo vỡ hạt Hoài Phương (xã Tùng Ảnh); thịt gà sạch Tân Hương (xã Tân Hương, Đức Thọ). – Dự án nhân giống và sản xuất sản phẩm từ cây trầu không (xã Đỉnh Bàn, Thạch Hà). – Mô hình sản xuất kẹo lạc, kẹo dồi Sửu Hà (Thạch Kênh, Thạch Hà). – Cá kho làng Yên, nem thính Bà Tuyết (xã Quang Lộc, Can Lộc). – Sản xuất gạo hữu cơ (xã Khánh Vĩnh Yên, Can Lộc). – Sản xuất sản phẩm Tam thất bắc (xã Sơn Tây, Hương Sơn). – Mô hình nuôi cua nước lợ trong hộp nhựa (xã Cương Gián, Nghi Xuân). – Tổ hợp nghề thêu vùng tái định cư (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh). |
* Trước đó, trong khuôn khổ chương trình đã diễn ra lễ ký phối hợp giữa Hội LHPN Hà Tĩnh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – các chi nhánh trên địa bàn Hà Tĩnh, giai đoạn 2023 – 2026.
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động phối hợp hiệu quả với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các chương trình tín dụng, an sinh xã hội. Đến nay, Hội LHPN tỉnh đang là đơn vị quản lý dư nợ ủy thác lớn đứng thứ 2 trong các tổ chức chính trị – xã hội. Các cấp Hội phụ nữ toàn tỉnh có 921 tổ tiết kiệm và vay vốn, với hơn 60.000 khách hàng, dự nợ trên 4.000 tỷ đồng; Quỹ Phát triển phụ nữ Hà Tĩnh có tổng nguồn vốn trên 150 tỷ đồng.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh và Hội LHPN tỉnh Hà Tĩnh thực hiện việc ký kết bằng văn bản dưới sự chứng kiến của các đại biểu.
Việc ký kết chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Tĩnh và các chi nhánh ngân hàng BIDV tại Hà Tĩnh giai đoạn 2023 – 2026 sẽ tạo sức mạnh tổng hợp, góp phần thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn tín dụng an toàn, hiệu quả.
Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và Ngân hàng nhà nước Việt Nam – chi nhánh tỉnh Hà Tĩnh gồm 4 nhóm hoạt động chính: triển khai các hoạt động tín dụng chính sách xã hội, tín dụng nông nghiệp nông thôn và các loại hình tín dụng khác; nâng cao hiệu quả thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, giáo dục tài chính cho phụ nữ, hạn chế tín dụng đen; triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; thực hiện công tác an sinh xã hội và các hoạt động phối hợp khác.
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng BIDV các chi nhánh địa bàn Hà Tĩnh cùng Hội LHPN tỉnh thực hiện việc ký kết phối hợp.
Chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh và các chi nhánh Ngân hàng BIDV tại Hà Tĩnh tập trung vào 4 nhóm hoạt động chính gồm: triển khai các hoạt động nâng cao kỹ năng sử dụng, ứng dụng số trong lĩnh vực ngân hàng cho hội viên hội LHPN nhằm đẩy mạnh số hóa, hạn chế giao dịch tiền mặt; chương trình ưu đãi bảo hiểm ô tô, xe máy, bảo hiểm an ninh mạng; triển khai các hoạt động hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho cán bộ hội LHPN các cấp; phối hợp tổ chức các hoạt động an sinh xã hội, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao dành cho hội viên, phụ nữ, trẻ em và tổ chức Hội.
Thiên Vỹ