Mặc dù các nhà nghiên cứu từ lâu đã biết về những hạt vi nhựa trong môi trường, nhưng phải đến gần đây họ mới phát triển được kỹ thuật nhìn thấy chúng nằm trong các cơ quan, mô và máu của chúng ta.
Hạt vi nhựa xuất hiện ở mọi nơi, có thể gây ung thư, mất trí nhớ
Hạt vi nhựa có chiều dài nhỏ hơn 5mm, xâm nhập cơ thể người thông qua bao bì nhựa, một số thực phẩm, nước máy và thậm chí cả không khí. Từ đó, hạt này xâm nhập vào máu và gây ra những tác hại khôn lường như bệnh ung thư, bệnh tim, chứng mất trí nhớ và vấn đề về sinh sản.
Mức độ phổ biến của hạt vi nhựa nhiều đến mức có nhiều cảnh báo và các nghiên cứu về tác hại sức khỏe và mức độ xâm lấn của chúng hiện nay. Vi nhựa được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi trên thế giới, từ nơi sâu nhất hành tinh như khe vực Mariana cho đến đỉnh Everest.
Vô số nghiên cứu cũng đã phát hiện ra các hạt vi nhựa trong thực phẩm, vật dụng gia đình như đường, muối, mật ong, hải sản, nước máy, chai nước và các mặt hàng thực phẩm được bọc trong nhựa.
Dianna Cohen, giám đốc điều hành của Liên minh ô nhiễm nhựa phi lợi nhuận, cho biết nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trung bình mọi người ăn phải khoảng 5 gram nhựa mỗi tuần, tương đương với một chiếc thẻ tín dụng.
Sau khi ăn vào, những hạt nhỏ này có thể di chuyển đến các cơ quan nội tạng như thận và gan, gây ra tác dụng phụ ở cấp độ tế bào.
Một nghiên cứu vừa được các nhà khoa học từ Đại học Campania (Ý) công bố gần đây cho biết nhựa được tìm thấy trong hơn 50% mảng bám từ động mạch bị tắc, gây nguy cơ đột quỵ cao.
Nhiều nghiên cứu từng cảnh báo về hạt vi nhựa
Năm 2023, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự phổ biến của hạt vi nhựa trong cơ thể người. Các nhà khoa học tại Đại học Vassar (New York, Mỹ) đã tham gia cùng một nhóm người Áo để nghiên cứu liệu hạt vi nhựa có thể vượt qua hàng rào máu não của chuột hay không.
Kết quả cho thấy một khi nhựa đến não, chúng có thể gây viêm và cản trở quá trình hoạt động của tế bào thần kinh. Lukas Kenner, nhà nghiên cứu đến từ MedUni Vienna, cho biết trong não, các hạt nhựa làm tăng nguy cơ viêm nhiễm, rối loạn thần kinh hoặc thậm chí là các bệnh thoái hóa thần kinh như Alzheimer hay Parkinson.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy các hạt polystyrene, được sử dụng trong bao bì xốp đựng thực phẩm, xuất hiện trong não chỉ hai giờ sau khi tiêu thụ thức ăn. Một nghiên cứu khác được thực hiện cùng năm đã phân tích 15 mẫu mô não, phát hiện ra 6 mảnh nhựa từ hai bệnh nhân có khối u trong não.
Tương tự, các nhà khoa học từ Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh đã phát hiện hạt vi nhựa trong tinh dịch người. Nhóm nghiên cứu đã thu thập 30 mẫu tinh dịch và 6 mẫu tinh hoàn của bệnh nhân, phát hiện 11 mẫu tinh dịch và 4 mẫu tinh hoàn có chứa các hạt rất nhỏ.
Phần lớn các hạt trong tinh hoàn là polystyrene (68%), trong khi polyetylen (PE) và polyvinyl clorua (PVC) nằm trong tinh dịch.
Hạt vi nhựa cũng được tìm thấy trong tim lần đầu tiên vào năm ngoái bởi một nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Anzhen Bắc Kinh. Họ đã thu thập mô tim và mẫu máu từ 15 bệnh nhân đang phẫu thuật tim. Kết quả, tất cả các mẫu này đều có hạt vi nhựa.
Trong máu, nhựa có thể bám vào màng ngoài của tế bào hồng cầu và ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy. Trong 5 loại mô tim, các nhà khoa học tìm thấy đến 9 loại nhựa khác nhau, gồm các hạt siêu nhỏ của poly (methyl methacrylate), polyethylene terephthalate, được sử dụng trong hộp đựng quần áo, thực phẩm và PVC.
Mặc dù số lượng mảnh nhựa được tìm thấy khác nhau ở các bệnh nhân, nhưng nhóm nghiên cứu đã thu được từ hàng chục đến hàng ngàn mảnh.
Năm 2022, các nhà khoa học đã có một khám phá đáng kinh ngạc khi lần đầu tiên tìm thấy hạt vi nhựa trong sữa mẹ. Nhóm nghiên cứu tại Đại học Bách khoa Marche của Ý phân tích mẫu sữa của 34 bà mẹ khỏe mạnh và phát hiện các hạt vi nhựa trong 3/4 mẫu. Mỗi mẫu sữa chứa nhựa có từ một đến năm vi hạt.
Các hạt này đến từ PVC, polyethylene và polypropylene. Đây là tất cả các loại nhựa thông thường trong các vật liệu từ chai nhựa và bao bì đến da tổng hợp, gạch lát sàn và tấm phủ đồ nội thất.
Những nghi ngờ đầu tiên về hạt vi nhựa
Kể từ năm 2020, các nhà nghiên cứu bắt đầu xem liệu vi nhựa có thể được tìm thấy trong cơ thể con người hay không sau khi các hạt này được tìm thấy trên toàn cầu.
Một nhóm nghiên cứu tại Đại học bang Arizona đã tìm thấy bằng chứng đầu tiên khi họ phân tích 47 mẫu mô, tiết lộ nhiều hạt tích tụ trong gan, lá lách và thận. Thậm chí, vi nhựa còn được tìm thấy trong nhau thai của người.