Vào Lâm Đồng làm kinh tế mới từ những năm 1991-1992, gia đình chị Lương Kim Chi (dân tộc Tày) là một trong những gia đình đầu tiên khai hoang, lập làng tại xã Tân Thanh. Sau hơn 30 năm với nhiều khó khăn, thử thách, đến nay gia đình chị Chi cùng với bà con địa phương đã có vùng nguyên liệu mắc ca lớn nhất nhì huyện Lâm Hà với diện tích trồng khoảng gần 900ha.
Huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, là địa phương đặc biệt. Ngay từ cái tên Lâm Hà cũng là từ ghép từ 2 địa danh: Lâm Đồng và Hà Nội.
Vùng đất này quy tụ nhiều người dân di cư từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc vào đây lập nghiệp, sinh sống.
Lâm Hà có diện tích tự nhiên gần 1.600km2, với khoảng 29 dân tộc anh em cùng sinh sống. Vì thế, Lâm Hà là địa phương có tính chất đa văn hóa các dân tộc.
Nơi này được thiên nhiên ban tặng là vùng đất phù sa và bazan màu mỡ, thích hợp trồng các loại cây công nghiệp và cây hoa màu ngắn ngày. Cùng với hệ thống sông suối chia cắt tạo cho Lâm Hà nhiều thắng cảnh đẹp, nên thơ. Vì vậy, ngoài phát triển nông nghiệp, Lâm Hà có nhiều tiềm năng lớn phát triển du lịch.
Huyện Lâm Hà có 2 thị trấn và 14 xã. Trong đó, xã Tân Thanh có 13 dân tộc anh em, đồng bào Tày, Nùng, Dao, K’Ho chiếm gần 60% dân số toàn xã. Tân Thanh là xã có diện tích rộng thứ 2 của huyện, có đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, diện tích rừng nhiều thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp.
Tại vùng đất này, nhận thấy những điều kiện tự nhiên phù hợp và các giá trị cao từ hạt mắc ca mang lại, chị Lương Kim Chi đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh, với các thành viên đều là người đồng bào Tày, Nùng cùng tham gia. Sự ra đời của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Tân Thanh ngoài phát huy lợi thế của địa phương, cung cấp cho thị trường thương phẩm mắc ca chất lượng, còn ý nghĩa quan trọng, đó là mang lại giải pháp, hỗ trợ cho nhiều gia đình đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương làm giàu từ loại cây mới, có giá trị dinh dưỡng, kinh tế rất cao.
Sau bao thử thách, chị Chi và nhiều gia đình đồng bào tại xã Tân Thanh vẫn ấp ủ giấc mơ xây dựng thương hiệu mắc ca Tân Thanh để giúp bà con quê hương ổn định đầu ra, phát triển kinh tế, cuộc sống no ấm như những người đầu tiên đến vùng đất này từng mơ ước.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/trai-nghiem-hat-mac-ca-mon-qua-quy-tren-cao-nguyen-lam-ha-20241128103928634.htm