Vùng ven Hà Nội tấp nập đấu giá đất, giá khởi điểm chỉ 7,3 triệu đồng/m2
Các huyện Thanh Oai, Hoài Đức, Phúc Thọ, Sóc Sơn sẽ tổ chức hàng loạt phiên đấu giá đất trong tháng 8/2024. Tất cả các lô đất này đều nằm gần khu dân cư và đã được hoàn thiện cơ bản về hạ tầng kỹ thuật.
Sôi động đấu giá đất vùng ven
Trong tháng 8/2024, một trong những địa phương mở đầu cho “cuộc đua” đấu giá đất vùng ven Hà Nội là huyện Thanh Oai. Cụ thể, huyện sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng đối với 68 thửa tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao.
Khu đất đấu giá tại khu Ngõ Ba, thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Nội) Ảnh: Bất động sản Tâm Phúc |
Khu Ngõ Ba trên nằm trên trục đường liên xã Bình Minh – Thanh Cao. Khu đất chỉ cách UBND xã Thanh Cao 100 m, cách Trường THCS Thanh Cao 300 m, cách chợ trung tâm 200m.
Diện tích của mỗi thửa đất dao động từ 60 – 85 m2, mức giá khởi điểm rơi vào khoảng 8,6 – 12,5 triệu đồng/m2. Buổi đấu giá sẽ được diễn ra vào sáng ngày 10/8 tại hội trường UBND huyện Thanh Oai.
Tiếp đến vào ngày ngày 19/8, huyện Hoài Đức sẽ mở đấu giá 19 thửa đất tại khu Lòng Khúc, xã Tiền Yên. Diện tích của mỗi thửa đất từ 74 – 118 m2, mức giá khởi điểm là 7,3 triệu đồng/m2. Địa điểm tổ chức đấu giá là hội trường trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện Hoài Đức.
Khu đất trên có phía Đông Bắc giáp đường giao thông trục thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên và Trường Mầm non Tiền Yên. Ngoài ra, khu đất cũng rất gần trường tiểu học và THCS của xã.
Sau đó hơn 1 tuần, vào ngày 29/8, huyện Phúc Thọ sẽ tổ chức buổi đấu giá 30 thửa đất thuộc khu Dộc Tranh, xã Trạch Mỹ Lộc; cùng 9 thửa tại khu Đồng Phươm, xã Thọ Lộc. Buổi đấu giá dự kiến tổ chức tại hội trường trung tâm văn hóa thông tin và thể thao huyện Phúc Thọ.
Với khu Dộc Tranh, diện tích các khu đất từ 96 – 148 m2, mức giá khởi điểm từ 23,4 triệu đồng/m2. Còn tại khu Đồng Phươm, diện tích các khu đất đều dao động trong khoảng 134 m2, mức giá khởi điểm là 19,8 triệu đồng/m2.
Các khu đất được đấu giá đều nằm cạnh khu dân cư và chỉ cách trường THCS cùng UBND xã khoảng 500 m. Hạ tầng kỹ thuật của hai khu về cơ bản đã được hoàn thiện, bao gồm hệ thống điện, cấp thoát nước, mạng viễn thông…
Tại Sóc Sơn, UBND huyện cũng đã ban hành quyết định về việc đấu giá quyền sử dụng 16 thửa đất tại khu Đầm Ngái, thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu. Các lô đất có diện tích từ 110 – 220m2.
Hiện trung tâm phát triển quỹ đất của huyện vẫn đang quá trình xác định mức giá khởi điểm và bước giá. Dự kiến, buổi đấu giá sẽ được tiến hành trong tháng 8/2024
Gần đây, nhiều huyện vùng ven Hà Nội đã “bội thu” nhờ đấu giá đất. Ví dụ như huyện Đan Phượng, trong tháng 7 vừa qua, huyện đã đấu giá thành công 85 lô. Trong đó, thửa đất có giá trúng cao nhất lên tới gần 100 triệu đồng/m2, gấp đôi giá khởi điểm. Không chỉ vậy, lượng hồ sơ đăng ký tham dự cũng rất cao, lên tới 1.252 bộ, tương đương mỗi lô đất có tới 15 khách hàng quan tâm.
Lý giải sức nóng từ đấu giá đất
Giải thích về sự sôi động của những cuộc đấu giá đất, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng, quy định về bảng giá đất hàng năm trong Luật Đất đai 2024 có thể khiến giá bất động sản đi lên. Do đó, nhiều nhà đầu tư đang tranh thủ gom đất trước khi bảng giá mới được áp dụng vào ngày 1/1/2026.
“Hơn nữa, những lô đất được đấu giá thường chỉ từ 3 tỷ đồng đổ xuống. Đây là khoảng giá dễ thanh khoản và phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người”, ông Điệp chia sẻ.
Ngoài ra, vị chuyên gia còn cho biết, các huyện vùng ven Hà Nội có lợi thế lớn về quỹ đất và dư địa phát triển. Tận dụng việc tâm lý thị trường đang tương đối khởi sắc trong nửa đầu năm nay, các lãnh đạo huyện sẽ không bỏ lỡ “con gà đẻ trứng vàng” mang tên đấu giá đất để gia tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Theo báo cáo thị trường quý II/2024 của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), các cuộc đấu giá đất tại vùng ven Hà Nội đã chứng kiến sự thành công cả về số lượng hồ sơ đăng ký và số tiền thu về. Trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có những lô được đấu giá thành công với giá trị cao gấp 10 lần so với giá khởi điểm.
Xét về phân khúc đất nền nói chung, các chuyên gia của VARS nhận định, lượng giao dịch ghi nhận đà tăng nhưng chưa thực sự sôi động. Dẫu vậy, thị trường đã xuất hiện nhiều hơn các nhà đầu tư đi “săn” đất và chủ động xây nhà trên thửa để kinh doanh.
“Một số khu vực có hiện tượng giao dịch tăng trưởng cục bộ rồi lại đi ngang, vùng ven Hà Nội cũng thuộc trường hợp đó. Tuy nhiên, mức giá tại khu vực này vẫn tăng khoảng 10 – 20% so với đầu năm”, các chuyên gia của VARS thống kê.