Chỉ số VN-Index chính thức về dưới ngưỡng 1.260 điểm trước áp lực bán mạnh tập trung tại nhóm cổ phiếu trụ vào phiên hôm nay (24/10). Giới đầu tư được khuyến nghị, tránh hoảng loạn, nắm bắt cơ hội gom cổ phiếu tiềm năng.
Xuống tay bán mạnh cổ phiếu vào phiên chiều nay, chị Linh Nga (47 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Thị trường gặp áp lực xuyên suốt nhiều tuần qua, sau diễn biến tiêu cực vào phiên sáng, tôi quyết định hạ tỷ trọng với mã STB vào phiên chiều để bảo toàn tài sản cũng như tìm kiếm cổ phiếu tiềm năng khác với mức giá hợp lý trong khi toàn thị trường đang đi xuống”.
Động thái của chị Nga cũng chính là xu hướng chung của giới đầu tư trong phiên hôm nay, VN-Index chịu áp lực bán tháo mạnh, tập trung dồn dập ở nhóm cổ phiếu trụ, nhóm VN30.
Diễn biến tiêu cực xuất hiện từ phiên sáng, ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý giới đầu tư, kéo dài và gia tăng thêm sang tới phiên chiều, chỉ số chốt phiên với 1.257,4 điểm, mất 13,5 điểm (tương đương 1,06%), đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong 2 tháng rưỡi đổ lại (kể từ phiên 5/8).
Thanh khoản được đẩy mạnh vào cuối phiên nhưng vẫn còn khá khiêm tốn, chỉ đạt ngưỡng 16.000 tỷ đồng (tương đương 673 triệu đơn vị giao dịch), nghiêng hẳn về phe bán. Sắc đỏ chiếm lĩnh thị trường với 434 mã giảm và 264 mã tăng. Đây là phiên thứ 15 liên tiếp, thị trường chứng khoán ghi nhận dòng tiền ở mức thấp.
Nhóm VN30 giảm mạnh 20,1 điểm, 22/30 mã giảm điểm, 7 mã tăng và 1 mã đi ngang.
Trong đó, nổi bật là nhóm cổ phiếu “họ” Vin bất ngờ bị đẩy về mức thị giá thấp nhất phiên, VHM (Vinhomes, HOSE) tiệm cận mức sàn khi giảm tới 6,7%, về 43.850 đồng/cp (mức sàn là 43.750 đồng/cp), VIC (Vingroup, HOSE) và VRE (Vincom Retail, HOSE) cùng giảm 2,7%.
Đáng nói, diễn biến tại cổ phiếu Vingroup ngay trong bối cảnh Vinhomes đang thực hiện thương vụ mua hàng triệu cổ phiếu quỹ.
Cập nhật mới nhất từ Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE), Vinhomes đã mua được tổng cộng hơn 19,1 triệu cổ phiếu quỹ, chiếm 5,17% tổng số lượng đăng ký . Theo kế hoạch, Vinhomes sẽ mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ (chiếm 8,5% tổng lượng cổ phiếu lưu hành) theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận từ ngày 23/10 đến 21/11/2024.
Do vậy, diễn biến hiện tại sàn cho thấy động thái mua cổ phiếu quỹ khó có thể đỡ được áp lực chốt lời từ giới đầu tư đối với VHM khi cổ phiếu này đang ở vùng giá đỉnh trong hơn 1 năm qua.
Các mã bất động sản khác cũng chịu áp lực bán mạnh như DXG (Đất Xanh, HOSE), PDR (Phát Đạt, HOSE), DIG (DIC Group, HOSE), KBC (Kinh Bắc, HOSE).
Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới chỉ số
Bên cạnh đó, tâm điểm bán thảo hôm nay còn thuộc về một cổ phiếu nhóm ngân hàng – STB (Sacombank, HOSE), bất ngờ bị bán mạnh vào cuối phiên.
Sau khi duy trì trạng thái đi ngang vào phiên sáng, tới 14h chiều, lực bán dồn dập xuất hiện tại STB, cổ phiếu rớt mạnh 6,7% giá trị, về ngưỡng tiệm cần giá sàn – 33.400 đồng/cp. Thanh khoản chỉ xếp sau VHM với hơn 1.108 tỷ đồng.
Cũng tại nhóm ngân hàng, nhiều cổ phiếu khác cùng góp mặt vào nhóm cổ phiếu tiêu cực khi có mức giảm trên 2%, gồm: TPB (TPBank, HOSE), VPB (VPBank, HOSE), TCB (Techcombank, HOSE) giảm trên 2%.
Khối ngoại bán ròng 257 tỷ đồng, dẫn đầu danh sách là HPG (Thép Hòa Phát, HOSE), STB (Sacombank, HOSE), VRE (Vincom Retail, HOSE). Ngược lại, nhóm này mạnh tay gom VPB (VPBank, HOSE), FPT (FPT, HOSE), VNM (Vinamilk, HOSE).
Ngược chiều thị trường, cổ phiếu QCG (Quốc Cường Gia Lai, HOSE) “tăng trần” lên 11.000 đồng/cp.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư không nên quá hoảng loạn, tránh tình trạng bán theo, mua đuổi, giữ tâm lý bình tĩnh và nghiên cứu kỹ câu chuyện kinh doanh về những cổ phiếu nắm giữ và cổ phiếu mục tiêu. Đây cũng có thể là cơ hội để gom cổ phiếu tiềm năng khi mức giá đang ở ngưỡng thấp.