Trong chuyến công tác và làm việc tại Mỹ cuối tháng 9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp ông Tim Hughes, Phó chủ tịch cấp cao Tập đoàn SpaceX. Ông Tim Hughes cho biết Space X đã khởi động các dự án internet vệ tinh từ cách đây 5 năm và hiện có hơn 6.000 vệ tinh ở quỹ đạo thấp. Đánh giá VN là thị trường rất tiềm năng đối với kế hoạch phát triển internet vệ tinh của SpaceX, ông Tim Hughes cho biết tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1,5 tỉ USD tại VN trong thời gian tới. Đây là tập đoàn hàng đầu thế giới về cung cấp tàu vũ trụ, dịch vụ phóng vệ tinh và truyền thông vệ tinh, do tỉ phú Elon Musk, người giàu nhất thế giới, sáng lập. Khi kế hoạch này được triển khai thì danh sách các tập đoàn công nghệ thế giới tại VN có thêm một tên tuổi “đình đám”.
Trước đó, hàng loạt tập đoàn thuộc các tỉ phú công nghệ thế giới đã có mặt tại VN. Đó là Microsoft của tỉ phú Bill Gates đã thành lập văn phòng tại VN từ năm 1996, và đến năm 2006 Công ty TNHH Microsoft Việt Nam chính thức ra đời. Có thể nói rằng gần 30 năm qua, Microsoft đã góp phần xây dựng ngành công nghệ thông tin (CNTT), đổi mới công nghệ, phát triển KT-XH của VN. Hoạt động đầu tư của Microsoft cũng được mở rộng như mua lại nhà máy của Nokia trị giá 300 triệu USD ở Bắc Ninh; đưa vào hoạt động văn phòng mới tại Hà Nội và được đánh giá là một trong những văn phòng thông minh nhất của Microsoft trên toàn cầu, áp dụng mô hình làm việc kết hợp linh hoạt và là sự khẳng định cho cam kết lâu dài của Microsoft tại thị trường VN.
Bên cạnh đó, Bill & Melinda Gates Foundation Trust được sáng lập bởi tỉ phú Bill Gates gần một thập kỷ qua cũng đầu tư gián tiếp vào VN thông qua các quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital. Trong dịp gặp Thủ tướng Chính phủ gần đây, tỉ phú Bill Gates cho biết VN giữ vai trò quan trọng trong chính sách phát triển của tập đoàn Microsoft cũng như các quỹ đầu tư do ông sáng lập. Tỉ phú này muốn tiếp tục xúc tiến hợp tác và hỗ trợ VN, trong đó hướng đến các lĩnh vực vệ sinh, nước sạch, môi trường; y tế, đặc biệt là phòng chống lao phổi và lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) cùng các mô hình giáo dục tiên tiến.
Cũng vào rất sớm là Tập đoàn Intel đã góp phần giúp đưa tên tuổi VN lên bản đồ CNTT và điện tử toàn cầu. Sau 18 năm hoạt động, Intel đã đầu tư vào VN tổng số 1,5 tỉ USD, tạo ra khoảng 6.500 việc làm trong lĩnh vực công nghệ cao. Nhà máy Intel Products Vietnam là nhà máy lớn nhất trong 4 nhà máy về mảng lắp ráp và kiểm định trên toàn cầu của tập đoàn. Năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu của Intel Việt Nam đạt hơn 10,3 tỉ USD, đóng góp tới 61% giá trị xuất khẩu của Khu Công nghệ cao TP.HCM, chiếm khoảng 18% giá trị xuất khẩu ngành điện tử cả nước (không bao gồm điện thoại di động). Hay Tập đoàn Oracle của tỉ phú Larry Ellison cũng đặt chân vào thị trường VN từ năm 1993 với việc thành lập Công ty Oracle Việt Nam, tập trung vào hoạt động chính là kinh doanh phần mềm. Hiện Oracle Việt Nam là một trong những nhà cung cấp phần mềm quản trị hệ thống cơ sở dữ liệu lớn nhất…
Một cái tên khác vốn khá quen thuộc tại VN là Tập đoàn Samsung do tỉ phú Lee Kun-Hee đang làm Chủ tịch. Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất ở VN với tổng vốn đầu tư lên đến 22,4 tỉ USD. Năm 2023, doanh thu và xuất khẩu của Samsung đạt tương ứng 65 tỉ USD và 55,7 tỉ USD. Dự kiến năm 2024 xuất khẩu của Samsung sẽ tăng trưởng hơn 10% so với năm 2023. Sản lượng điện thoại di động của Samsung tại VN chiếm trên 50% sản lượng của tập đoàn này trên toàn cầu.
Hoặc có thể nhắc đến sự hiện diện của Amazon của tỉ phú Jeff Bezos, người luôn đứng nhất, nhì trong danh sách những người giàu nhất hành tinh. Năm 2017, Amazon Web Services (công ty con của Amazon) chính thức mở văn phòng đại diện tại VN, cung cấp các dịch vụ hạ tầng trên điện toán đám mây dựa trên nền tảng công nghệ phía sau do Amazon sở hữu. Tiếp theo, gần 5 năm trước, Amazon thành lập công ty Amazon Global Selling Việt Nam và đã hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) phát triển kinh doanh với hơn 17 triệu sản phẩm/năm được bán ra cho khách hàng khắp thế giới. Giá trị xuất khẩu của DN Việt bán hàng trên sàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới Amazon tăng mạnh, đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thương mại điện tử VN nói chung tăng trưởng mạnh…
Không chỉ những lĩnh vực CNTT, kinh tế số mà VN còn đang hút rất nhiều “ông lớn” trên thế giới đầu tư vào các ngành như du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo. Từ năm ngoái đến nay, ngành năng lượng tái tạo chứng kiến cuộc đổ bộ của rất nhiều đại gia nước ngoài. Đơn cử, Công ty CP năng lượng AC Energy, một công ty con thuộc Tập đoàn Ayala của tỉ phú Philippines Jaime Zobel de Ayala, đã hoàn tất việc mua lại giai đoạn đầu tiên và sẽ mua lại mảng kinh doanh năng lượng mặt trời của Super Energy Corporation (Thái Lan) tại VN. Super Energy Corporation đang sở hữu và vận hành các dự án năng lượng mặt trời có công suất 837 MW tại VN thông qua đơn vị Solar NT. Trong 5 năm qua, DN này đã đầu tư 2 tỉ USD vào VN. Cũng theo lãnh đạo công ty năng lượng mặt trời số một Thái Lan, DN này đang có kế hoạch đầu tư 41,5 tỉ baht, tương đương hơn 28.100 tỉ đồng, vào các dự án năng lượng tái tạo ở VN và Thái Lan.
Tương tự, ngành du lịch cũng đang ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc thu hút vốn FDI trên công cuộc đổi ngôi từ “top” những điểm đến đẹp và rẻ nhất sang định hình đẳng cấp trên bản đồ du lịch thế giới. Trên khắp cả nước, các thương hiệu khách sạn đẳng cấp hàng đầu thế giới như Marriott, Accor, Best Western International, Hyatt… đang không ngừng mở rộng hoạt động. Cứ nhìn cách thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới của Mỹ, Marriott International “vít ga” thời gian qua, có thể thấy sức hút của VN như thế nào.
Chỉ trong 2 năm qua, số lượng khu nghỉ dưỡng do Marriott đầu tư quản lý tại VN đã tăng gấp đôi. Cuối 2023, Marriott công bố ký kết thỏa thuận quản lý 3 khu nghỉ dưỡng sang trọng mới tại nước ta, đánh dấu sự xuất hiện lần đầu tiên của hai thương hiệu Ritz-Carlton Reserve và The Luxury Collection tại thị trường VN, trên đảo Hòn Thơm (Phú Quốc). Marriott International đang bắt tay vào thúc đẩy chiến lược tăng trưởng sâu rộng tại VN.
Tập đoàn hiện đang vận hành 23 cơ sở kinh doanh, dự kiến đến cuối năm nay sẽ mở rộng số lượng khách sạn và khu nghỉ dưỡng tại VN với hơn 50 dự án đang được phát triển. Việc mở rộng này cũng sẽ cho ra mắt một số thương hiệu mới trong nước, bao gồm cả thương hiệu Westin vừa chính thức “trình làng” với The Westin Resort & Spa Cam Ranh. Các thương hiệu dự kiến sẽ sớm ra mắt trong tương lai bao gồm The Ritz-Carlton, Marriott Executive Apartments…
Quy tụ các thương hiệu khách sạn siêu đẳng cấp, hút được những đại gia, giới siêu giàu tới du lịch, nghỉ dưỡng, VN còn đang có cơ hội trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có một đoàn tàu du lịch cổ chạy dọc đất nước do thương hiệu thời trang xa xỉ nổi tiếng bậc nhất thế giới đầu tư. “Một số hãng thời trang, hàng hiệu nổi tiếng, trong đó có Louis Vuitton quan tâm, mong muốn tổ chức một đoàn tàu cổ hạng sang chạy giữa Hà Nội – TP.HCM phục vụ khách du lịch”, Đại sứ Cộng hòa Pháp tại VN, Olivier Brochet thông tin với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng khi nhắc tới kế hoạch hợp tác trong lĩnh vực đường sắt tại buổi làm việc thúc đẩy hợp tác hai bên diễn ra cuối năm trước. Theo ông Olivier Brochet, để thực hiện việc này cần sửa chữa, cải tạo các toa tàu cổ đã khai thác từ 30 năm trở lên và nhập khẩu vào VN. Do vậy, phía Pháp mong muốn Bộ GTVT cho phép có các ngoại lệ so với các quy định hiện hành để các toa tàu này có thể chạy trên đường sắt VN.
Những khoản đầu tư từ các thương hiệu đẳng cấp đang khiến cả thế giới dần biết đến VN như một điểm đến dành cho các “đại gia”. Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS), đánh giá: Đầu tư FDI có vai trò quan trọng trong việc hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông; điện tử, CNTT, dệt may, da giày…, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.
Đặc biệt, trong cuộc chơi công nghệ số toàn cầu, việc thu hút vốn FDI từ các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới càng đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận, về mặt công nghệ, nền tảng của VN vẫn còn “mỏng”, chưa đủ năng lực để nghiên cứu và phát triển công nghệ lõi, ví dụ trong lĩnh vực công nghệ cao như ngành bán dẫn, AI. Điểm cốt lõi này giúp ta xác định chiến lược phát triển cần lấy trọng tâm là hợp tác với các nước dẫn đầu về mặt công nghệ. Trong một thế giới kết nối, phụ thuộc lẫn nhau sâu sắc, “tự chủ chiến lược” không có nghĩa là tồn tại riêng rẽ một mình mà vẫn an toàn. Ngay cả một siêu cường như Mỹ, trong ngành then chốt là công nghiệp bán dẫn, Mỹ cũng chỉ thực hiện một khâu, các khâu khác làm ở Anh, Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan…
Để có thể tham gia vào chuỗi giá trị này, cần tích cực tạo môi trường kinh doanh tốt để mời gọi các đối tác công nghệ hàng đầu đến VN kinh doanh. Đồng thời từng bước đưa DN trong nước tham gia vào các mắt xích phù hợp trên chuỗi cung ứng toàn cầu. Về mặt ngoại giao, chiến lược hợp tác nhằm giúp đảm bảo an ninh chiến lược trên hai khía cạnh chính. Thứ nhất, bảo đảm an ninh chiến lược cho hạ tầng số; cho việc tiếp cận thị trường thiết bị công nghệ cao trọng yếu. Thứ hai, quan hệ ngoại giao tốt, tạo dựng được niềm tin chiến lược thì mới có thể tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ, từ đó mới nói đến chuyện thuận lợi trong chuyển giao công nghệ. “Không ở trong các chuỗi cung ứng công nghệ thì không trông mong được gì trong học hỏi, tiếp nhận công nghệ”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội internet VN, cho rằng đối với những nước đang phát triển như VN thì dòng vốn nước ngoài trực tiếp hay gián tiếp đều cực kỳ quan trọng. Đây là tiền đề để xây dựng các ngành công nghiệp cho đất nước. Sự có mặt của các tập đoàn công nghệ lớn như Intel, Microsoft, Samsung hay ở nhiều lĩnh vực khác đã thúc đẩy sự phát triển của ngành CNTT cũng như một số lĩnh vực kinh tế, góp phần đưa đất nước đi lên. Hiện tại, VN muốn tham gia hay thu hút vốn ngoại gia tăng nói chung hay trong lĩnh vực CNTT, bán dẫn nói riêng thì cần phải có chiến lược quốc gia cụ thể.
Đó là quy hoạch lựa chọn phát triển sản phẩm gì? Mỗi sản phẩm sẽ đi kèm công đoạn sản xuất, cung ứng như thế nào? VN tham gia ở khâu phát triển từ đầu hay sản xuất đoạn giữa hay hoàn tất sản phẩm… Từ đó sẽ đưa ra được phương án kinh doanh khả thi gồm sản phẩm đầu ra, thị trường tiêu thụ trong nước hay quốc tế. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, nếu VN có chiến lược quy hoạch cụ thể, mục tiêu rõ ràng thì sẽ thu hút được nhiều hơn và họ cũng sẽ mạnh dạn bỏ vốn vào đầu tư.
“Thu hút vốn FDI nói chung là hợp tác giữa hai bên, chia sẻ lợi ích. Đối tác sẽ cần có độ tin cậy, điều kiện khả thi để triển khai dự án và các vấn đề khác liên quan như chính sách, đội ngũ thực hiện có trách nhiệm, có mục tiêu chung. Bên cạnh đó, việc hợp tác này cần sự quản trị hiệu quả, mà đây là điểm yếu của VN, từ DN lẫn bộ máy nhà nước ở các cấp độ thực hiện. Chỉ khi nào chúng ta nâng cao được năng lực quản trị thì mới có thể thực hiện được tốt hơn như mục tiêu chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường. Từ đó sẽ tiến tới tự chủ hơn, xây dựng được ngành công nghiệp tự lực và đây cũng là mục tiêu mà VN hướng đến tiếp sau việc thúc đẩy thu hút dòng vốn FDI”, ông Vũ Hoàng Liên chia sẻ thêm.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-thu-hut-cac-tap-doan-dinh-dam-18524100520404468.htm